Đây là quốc gia xếp hạng du học cao hơn cả Mỹ: Du học sinh Việt bỏ thói quen ngủ trưa, học ít môn nhưng cực kì sâu, cả doanh nghiệp và giảng viên sẽ cùng đánh giá sinh viên

01/02/2018 10:49 AM | Kinh doanh

Người dân ở đây không ngủ trưa. Họ làm việc từ 9:00 – 17:00, ăn trưa rất nhanh trong vòng 15 – 30ph rồi làm việc tiếp. "Họ làm việc rất tập trung và hiệu quả chứ không kề cà, người Việt mất 1,5 tiếng ngủ trưa. Từ khi du học ở quốc gia này về Việt Nam tôi mất luôn thói quen ngủ trưa", một du học sinh chia sẻ.

Nhắc đến du học, quốc gia top-of-mind phổ biến là Mỹ. Nhưng có một quốc gia đã vượt xa cường quốc giáo dục này, giành vị trí số 1 ở bảng Chỉ số Giáo dục Chuẩn bị cho Tương lai do Tổ chức Economist Intelligence Unit (*) đánh giá.

Đó là New Zealand - xứ sở của những người Kiwi.

"Hệ thống giáo dục của chúng tôi nhận được điểm tối đa ở những tiêu chuẩn như khung chương trình đào tạo các kỹ năng tương lai, sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, sự đa dạng và hài hoà văn hóa cùng một số tiêu chuẩn khác. Điều này có nghĩa là nền giáo dục ở New Zealand trang bị cho sinh viên đầy đủ từ lý thuyết đến kỹ năng thực tiễn, cũng như tư duy toàn cầu để họ có thể thành công trong môi trường làm việc hiện đại và ngày càng toàn cầu hóa", ông John Laxon - Giám đốc khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Trung Đông của Tổ chức Giáo dục New Zealand (ENZ) - chia sẻ.

Chị Đoàn Thanh Hải – cựu sinh viên học bổng New Zealand ASEAN Awards năm 2014 – cho biết một trong những điều ấn tượng về các trường ĐH của New Zealand là số môn học rất ít, tối đa chỉ 4 môn/kỳ, khác hẳn các trường ĐH ở Việt Nam hay ở Mỹ. Nhưng học đến đâu, sâu đến đó, và doanh nghiệp cũng tham gia vào quá trình chấm điểm, chiếm 50% tổng số điểm cuối kỳ.

Tối đa học 4 môn/kỳ, khi sinh viên thuyết trình thì DN ngồi nghe và cùng giảng viên chấm điểm

Đây là quốc gia xếp hạng du học cao hơn cả Mỹ: Du học sinh Việt bỏ thói quen ngủ trưa, học ít môn nhưng cực kì sâu, cả doanh nghiệp và giảng viên sẽ cùng đánh giá sinh viên - Ảnh 1.

Chị Đoàn Thanh Hải – cựu sinh viên học bổng New Zealand ASEAN Awards năm 2014 (ở giữa).

Hải hiện là cán bộ quản lý dự án của CSIP – Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng, cán bộ phát triển kinh doanh của IBE - Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển nguồn lực. Đồng thời là sáng lập viên doanh nghiệp xã hội mang tên Kids Need Books, với sứ mệnh nuôi dưỡng thói quen đọc sách và nâng cao khả năng tiếp cận sách tiếng Anh của trẻ em.

Theo học Thạc sỹ Marketing tại ĐH Massey (Thành phố Auckland, New Zealand) từ đầu năm 2014, Hải cho biết trong thời gian học, tất cả các bài tập về phân tích tình huống hay kế hoạch Marketing đều phải làm cho một doanh nghiệp cụ thể ở New Zealand.

Không chỉ học kiến thức và lý thuyết, khi làm case và thuyết trình thì doanh nghiệp ngồi dưới lắng nghe mình. Toàn bộ trong quá trình mấy tháng làm bài tập sinh viên sẽ thảo luận với doanh nghiệp, và làm thực trên case của họ.

"Khi biết học chỉ 4 môn/kỳ, tôi nghĩ "Mình sẽ nhàn đây". Nhưng thực tế là dù học ít môn, hàm lượng thực tế rất nhiều. Học đến đâu sâu đến đó. Mình phải thảo luận với doanh nghiệp và ra được Kế hoạch Marketing cho họ, chứ không phải làm trên giấy rồi để đấy".

"Doanh nghiệp còn được "chấm" mình và chiếm 50% số điểm, cô giáo chỉ chiếm 50% số điểm thôi", Hải chia sẻ.

Trân trọng từng sinh viên thực tập

Đây là quốc gia xếp hạng du học cao hơn cả Mỹ: Du học sinh Việt bỏ thói quen ngủ trưa, học ít môn nhưng cực kì sâu, cả doanh nghiệp và giảng viên sẽ cùng đánh giá sinh viên - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Trong quá trình học tập, Hải có cơ hội được thực tập ở một tổ chức phi chính phủ (NGO) có tên Peace Foundation – một tổ chức về hòa bình và giải quyết xung đột.

Khoảnh khắc đầu tiên khi bước chân vào Peace Foundaton Hải còn nhớ như in: Cả tổ chức hát một bài hát bằng tiếng Maori (ngôn ngữ của New Zealand) để chào đón một cô sinh viên thực tập.

"Bài hát đó tôi không bao giờ quên. Nó chỉ có 3 câu rất ngắn, nhưng bao giờ họ cũng hát bằng tiếng Maori trước, sau đó họ hát bằng tiếng Anh, hoặc Trung Quốc … - nơi họ đến. Bài hát có nghĩa là Tình yêu, Hy vọng và Hạnh phúc cho tất cả chúng ta".

"Bài hát rất ngắn, nhưng sau này hát ru con tôi cũng hát bài ấy, vì nó rất tình cảm. Sau đó cứ có thực tập viên mới là chúng tôi hát bài ấy, sau bài hát là kèn thổi, thực hiện nghi thức chào đón của một người Kiwi", Hải kể.

Chị từng thắc mắc chỉ có mỗi việc đi thực tập thôi, sao phải phức tạp đến như vậy. Nhưng rồi Hải nhận ra rằng người New Zealand trân trọng các cá nhân, trân trọng sự đóng góp của từng người, dù là thực tập viên, cho tổ chức của họ.

Người New Zealand rất yêu thể thao, trẻ cấp 1 dù tiết trời băng giá vẫn chạy vào rừng tập thể dục

Đây là quốc gia xếp hạng du học cao hơn cả Mỹ: Du học sinh Việt bỏ thói quen ngủ trưa, học ít môn nhưng cực kì sâu, cả doanh nghiệp và giảng viên sẽ cùng đánh giá sinh viên - Ảnh 3.

Ảnh minh họa. Nguồn: Mirror.

"Nhà tôi ở ngay một trường cấp 1 ở ngoại ô thành phố Auckland. Cứ sáng ra thấy huỳnh huỵch tiếng bước chân bọn trẻ chạy từ trường vào rừng. Có hôm mưa to rầm rầm vẫn nghe tiếng bước chân chạy, tôi nghĩ chắc tụi trẻ chạy về, nhưng ra cửa sổ ngó thì thấy lũ trẻ vẫn chạy vào rừng".

"Hôm đấy nhiệt kế trong nhà khoảng 4 độ C, băng đầy, và các em vẫn mặc quần đùi chạy vào rừng giữa trời mưa. Tôi nghĩ tầm tuổi này, ở Việt Nam bố mẹ sợ luôn. Nhưng ở New Zealand họ rèn luyện để các con có sự hòa hợp với thiên nhiên, phải sống với thiên nhiên, và thử thách mình. Và bọn trẻ rất vui với chuyện này. Tôi nằm nhà đắp chăn nghĩ chắc tụi trẻ đã quay về, nhưng khi ngó ra lại thấy tụi nhỏ kéo vào rừng chạy nhiều hơn", Hải kể.

Trẻ lớp 1 đã được dạy tôn trọng quyền tác giả

Ở New Zealand, trẻ em từ 5 - 6 tuổi họ đã được cho lên thư viện. Hải có bạn sang New Zealand du học đưa cả con theo, cho học cấp 1 bên ấy. Cả một học kỳ học về chim, cô giáo ra chủ đề, và bọn trẻ sẽ ra thư viện tìm đủ loại sách về chim, từ các loại chim của New Zealand, chim thế giới…

Khi trình bày lại với cô, các bạn nhỏ cũng trích nguồn rất chuyên nghiệp.

"Họ tôn trọng chất xám của người khác và sự sáng tạo. Ngay từ bé, trẻ con bên ấy khi thu thập các thông tin về chim ở thư viện đã trích dẫn hẳn 1 trang, ghi rõ bài này lấy từ sách này trong thư viện. Thư viện của họ không chỉ nhiều sách mà có cả những người hỗ trợ rất nhiệt tình trong việc giúp các con tìm kiếm thông tin", Hải chia sẻ.

Đất nước không ngủ trưa!

"Ở New Zealand, với trẻ từ 3 tuổi trở lên, ngủ trưa hay không là quyền của con. Người New Zealand không ngủ trưa. Họ làm việc từ 9:00 – 17:00, ăn trưa rất nhanh trong vòng 15 – 30ph rồi làm việc tiếp. Họ làm việc rất tập trung và hiệu quả chứ không kề cà, người Việt mất 1,5 tiếng ngủ trưa. Từ khi du học ở New Zealand về Việt Nam tôi mất luôn thói quen ngủ trưa", Hải nói.

"Tại sao nước họ chỉ 4 triệu dân, chỉ là hòn đảo giữa đại dương mà lại là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới?"

Trong năm 2017, số lượng visa sinh viên lần đầu đến New Zealand đã tăng gần 60% so với năm 2016. Với các du học sinh từ Việt Nam, lượng sinh viên đến New Zealand lần đầu để theo học tại các trường Đại học đã tăng 67% trong năm 2017, còn lượng học sinh đến lần đầu để theo học tại các trường Phổ thông đã tăng 75%.

(*) Economist Intelligence Unit (EIU) là một doanh nghiệp độc lập thuộc Tập đoàn Economist cung cấp các phân tích về quốc gia, kỹ nghệ và quản trị khắp thế giới, đã sát nhập với Business International Corporation, một doanh nghiệp Anh mà tập đoàn đã mua vào năm 1986.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM