Đây là những quốc gia đang "chết" vì giá dầu năm nay

01/09/2016 10:06 AM | Kinh doanh

Dầu mỏ từ lâu đã được xem là mặt hàng giao dịch nhiều nhất trên thế giới, với trị giá khoảng 786,3 tỷ USD dầu mỏ được giao dịch trong thương mại quốc tế năm 2015.

Giá dầu lao dốc kéo theo giá hàng hóa xuống thấp và có thể gây tổn thương đến bất cứ nhà sản xuất nào, nhưng các quốc gia sản xuất dầu mỏ mới là những nạn nhân lớn nhất. Thậm chí, nhiều nền kinh tế coi dầu mỏ như một cái neo của sự tăng trưởng, làm giàu cho kho bạc và thúc đẩy các chương trình phúc lợi xã hội.

Và khi những khoản thu từ dầu mỏ không đạt kỳ vọng, tiềm năng tăng trưởng của các nền kinh tế này rất mong manh. Trong tình huống xấu nhất, nếu giá dầu tiếp tục giảm kéo dài, những quốc gia này có thể lâm vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.

Venezuela

Tình trạng của Venezuela hiện nay thậm chí còn tồi tệ hơn thời kỳ Hugo Chávez. Với một quốc gia mà giá dầu chiếm đến 96% kim ngạch xuất khẩu và gần 50% tổng thu ngân sách thì mỗi lần “hắt hơi” của giá dầu cũng khiến Venezuela lao đao. Và thực tế là giá dầu đang khiến Venezuela khốn khổ!

Giá dầu hiện nay đã giảm hơn 50% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2012 và dẫn đến một loạt vấn đề tại Venezuela: lạm phát phi mã, thiếu hụt ngân sách và mọi thứ khác.

Trong khi đó, chi phí trên mỗi thùng dầu của Venezuela không phải quá cao, với 23,5USD/thùng nhưng đây lại là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 9 trên thế giới với dung lượng 27,8 tỷ USD năm 2015. Nếu giá dầu có thể trở lại mức trung bình 100USD/thùng thì có lẽ tình trạng của Venezuela sẽ không thê thảm như hiện nay.

Nga

Là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, Nga xuất khẩu khoảng 86,2 tỷ USD dầu mỏ ra khỏi biên giới quốc gia năm 2015 – chiếm 11% tổng lượng dầu mỏ xuất khẩu toàn cầu. Trong khi đó, chi phí sản xuất của Nga năm 2015 chỉ là 17,3USD/thùng.

Tuy nhiên, doanh thu từ dầu mỏ giảm đang ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của quốc gia này. Một điều nghe thật phi lý nhưng chúng ta đều biết rằng, trong thời kỳ kinh tế khó khăn, nhiều nhà lãnh đạo sẽ chuyển các dự án đầu tư sang quốc gia khác an toàn hơn. Trong trường hợp này, việc ông Putin dành mối quan tâm lớn vào Ukraine cũng phần nào cho thấy triển vọng kinh tế không phải bức tranh màu hồng với nước Nga.

Brazil

Tình trạng ở Brazil cũng chẳng tốt đẹp hơn là mấy khi vào đầu tuần tới, Tổng thống Dilma Rousseff có thể bị luận tội.

Là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 9 toàn cầu, Brazil sản xuất khoảng 3,2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại lớn nhất là chi phí sản xuất dầu mỏ của quốc gia này khá cao – 48,8USD/thùng.

Nước chủ nhà Olympic 2016 đang phải đối mặt với đợt khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong suốt 30 năm nay. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của Brazil đã giảm 5,4% trong quý đầu năm 2016.

Nigeria

Sắp trở thành một trong ba quốc gia đông dân nhất thế giới, song nền kinh tế Nigeria lại đang bộc lộ điểm yếu khi phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ.

Giá dầu giảm đã khiến ngân sách của quốc gia này sụt giảm 7 tỷ USD, tỷ giá đồng Naira đã giảm tới 61% so với đồng đô la Mỹ cho thấy nền kinh tế đang bị tàn phá nặng nề.

Nigeria là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 6 thế giới với kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 38 tỷ USD. Trong khi đó, chi phí sản xuất dầu của quốc gia này cao hơn mức trung bình, khoảng 31,5USD/thùng.

Canada

Mặc dù là một nền kinh tế đa dạng song Canada lại là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 5 thế giới, với 50,2 tỷ USD năm 2015. Chi phí sản xuất dầu mỏ của quốc gia này khá cao, trung bình 41,1USD/thùng.

Sự sụt giảm của giá dầu đã khiến Alberta – vùng đất giàu dầu mỏ của Canada rơi vào suy thoái, và đồng tiền nước này mất giá trầm trọng. Trong đó, ngân sách của riêng tỉnh Alberta đã thâm hụt tới 10,9 tỷ USD. Bên cạnh đó, các ngành kinh tế khác cũng bị ảnh hưởng theo như bất động sản, bán lẻ, thị trường lao động và một số ngành sản xuất...

Khánh Ly

Cùng chuyên mục
XEM