Đây là những điều chủ doanh nghiệp SMEs cần làm để nhân viên coi công ty như của họ

10/11/2016 13:30 PM | Kinh doanh

Tôn trọng nhân viên, đừng mang tiền ra để định giá, thông tin minh bạch là những việc mà chủ doanh nghiệp cần làm để giữ chân nhân viên.

Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Phượng Anh trong group Quản trị và Khởi nghiệp. Chúng tôi xin đăng lại bài của chị Phượng Anh.


Tôn trọng nhân viên

Đừng bao giờ nói với nhân viên rằng: “Tôi không làm từ thiện”. Vì nhân viên của bạn cũng chẳng ai làm từ thiện cho bạn đâu. Chính họ cũng đang bán sức lao động của mình mà thôi.

Đừng định giá tiền cho tất cả mọi thứ

Vì sự tin tưởng không thể định giá được bằng tiền. Bạn đầu tư cho nhân viên của mình bằng cách đào tạo để họ có nghiệp vụ trong công việc thì đừng nghĩ bạn đang chịu thiệt. Vì đơn giản là bạn đào tạo họ để họ làm việc cho bạn hiệu quả hơn thôi.

Nếu cứ nói “Cái này các bạn học ở ngoài là XX tiền một khóa đó nha” thì rất không hay. Chẳng phải nhân viên của bạn cũng chấp nhận mức lương hạn chế để vừa học vừa làm cùng bạn rồi hay sao?

Giữ cho thông tin luôn rõ ràng, minh bạch

Khi quyết định cho nhân viên thôi việc hãy nêu ra được lý do hợp lý tránh làm các nhân sự còn lại hoang mang. Chẳng hạn khi giảm biên chế do tài chính hạn hẹp, nên tập họp tất cả nhân viên lại và công bố quyết định công khai, nêu rõ lý do. Tuyệt đối không tìm cách bắt bẻ, vu khống nhân viên sai phạm lỗi này, lỗi kia để đuổi việc họ trong khi che giấu việc tình hình tài chính đang có vấn đề. Nếu bạn làm các nhân viên còn lại hoang mang vì đuổi oan người khác, có thể gây hiệu ứng nhiều người cùng bỏ việc.

Có trường hợp doanh chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) gọi từng nhân viên lên để thông báo riêng cho họ biết ai là người bị cho thôi việc nhưng khi gặp mỗi người lại nói lý do mỗi khác. Nhân viên của SMEs đó đã có nói chuyện trao đổi với nhau và với cả nhân viên bị cho thôi việc. Họ phát hiện sếp đưa ra những thông tin không nhất quán, không thể tin tưởng và đồng loạt nghỉ việc.

Có cam kết rõ ràng

Bạn dùng tư cách gì ký kết hợp đồng với nhân viên? Pháp nhân hay pháp lý? Hãy làm bài bản. Thử việc thì có hợp đồng thử việc. Làm chính thức thì có hợp đồng chính thức. Tất cả đều ký với tư cách pháp lý. Đừng đưa ra hứa hẹn viển vông, vẽ ra những viễn cảnh huy hoàng, tráng lệ trong tương lai cho nhân viên của bạn. Hứa hẹn tạo kỳ vọng. Cam kết tạo được sự tin tưởng. Bạn thích gieo kỳ vọng hay tạo sự tin tưởng?

Đừng so sánh điều kiện làm việc chỗ bạn với những SMEs, Startup có điều kiện làm việc tệ hơn

Bạn bảo chỗ bạn đàng hoàng, chỗ ABC không được như vậy. Tuyệt đối không được nói như vậy. Vì đã xác định làm bài bản, đàng hoàng thì so với những nơi lôm côm làm gì?

Đừng gây sự bất an, làm nhân viên mất tập trung với việc so sánh của bạn. Chẳng hạn khi bạn nói bạn không giao cho nhân viên tải trọng công việc lớn như ở công ty X, công ty Y,… bạn đã vừa gieo vào tâm trí nhân viên ý niệm tải trọng công việc công ty mình chắc không nhẹ. Và họ bắt đầu tìm cách so sánh với tải trọng công việc những nơi khác thay vì tập trung làm công việc được giao.

Đừng để nhân viên làm lung tung đầu việc không liên quan trong thông báo tuyển dụng

Có những SMEs mới khởi nghiệp nhưng kinh doanh đa ngành. Khi vốn không có mà làm vậy khác nào chưa biết ngồi đã đòi biết chạy. Vì thế cũng ép nhân sự của mình làm thêm những thứ chẳng liên quan tới chuyên môn họ muốn làm với mức lương chỉ dành cho đúng đầu việc của vị trí họ ứng tuyển. Hậu quả tất yếu là nhân viên bất mãn và xin nghỉ. Doanh chủ cũng chưa chắc đảm bảo được lương để trả cho nhân viên nếu họ cắn răng làm tiếp.

Giải quyết bài toán nhân sự không phải chuyện đơn giản. Chú ý những điều trên sẽ giúp doanh chủ được anh chị em nhân viên tin tưởng hơn.

Nguyễn Thị Phượng Anh

Cùng chuyên mục
XEM