Đây là những địa điểm ông Obama không nên bỏ qua khi đến thăm Việt Nam vào cuối tháng 5 này

11/05/2016 10:02 AM | Xã hội

Trang Facebook của đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius vừa đưa ra đề nghị rằng: Nếu bạn có thể sắp xếp lịch trình cho Tổng thống Obama khi ông đến Việt Nam, bạn sẽ muốn ông đến thăm nơi nào, và vì sao? Theo người viết thì đây là những địa điểm ông Obama không nên bỏ qua khi đến Việt Nam.

“Cứ điểm” sản xuất điện thoại Microsoft tại Bắc Ninh

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 4/2016, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đầu tư 806 dự án tại Việt Nam với tổng vốn 11,735 tỉ USD chiếm 4,01% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Trong lĩnh vực CNNT, sự hấp dẫn của Việt Nam được khẳng định khi “người khổng lồ” Microsoft quyết định chuyển nhà máy sản xuất smartphone từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Nhà máy Microsoft Mobile Việt Nam tại Bắc Ninh chính thức đưa dây chuyền sản xuất smartphone về Việt Nam từ tháng 8/2014. Nhà máy này vẫn tiếp tục mở rộng, trở thành một trong những nhà máy chủ đạo trong chuỗi sản xuất toàn cầu của Microsoft, đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất sản phẩm smartphone của hãng trên khắp thế giới.


Nhà máy sản xuất smartphone của Microsoft tại Bắc Ninh (Ảnh Internet)

Nhà máy sản xuất smartphone của Microsoft tại Bắc Ninh (Ảnh Internet)

Theo ông Vũ Minh Trí – CEO Microsoft VN, thì tại Việt Nam tập đoàn này hiện có hơn 10.000 nhân viên và là nơi có nhiều nhân viên nhất trên thế giới chỉ sau trụ sở công ty mẹ ở Hoa Kỳ. Doanh số Microsoft Việt Nam hiện vào khoảng 600 triệu USD trong mảng kinh doanh phần mềm, cùng với hơn 2 tỉ USD xuất khẩu từ nhà máy sản xuất smartphone ở Bắc Ninh.

Nhà máy chip Intel ở Sài Gòn

Trong lĩnh vực công nghệ cao, Intel - hãng sản xuất máy tính hàng đầu thế giới, đã quyết định lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư. Dự án của Intel Việt Nam tại Khu công nghệ cao Sài Gòn (SHTP) được cấp phép ngày 21/2/2006. Dự án này hoàn chỉnh và sản xuất các sản phẩm chip mang nhãn hiệu Intel từ màng mạch (wafer); cung cấp dịch vụ hậu mãi cho các sản phẩm nhãn hiệu Intel; thực hiện nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực thông tin kỹ thuật cao…

Chưa đầy một năm sau khi được cấp phép, Intel Việt Nam đã quyết định tăng vốn đầu tư từ 300 triệu USD lên 1 tỷ USD. Tháng 10/2010, Nhà máy lắp ráp và kiểm định chip của Intel Việt Nam chính thức đi vào hoạt động.


Nhà máy chip Intel tại Khu công nghệ cao Sài Gòn (Ảnh Internet)

Nhà máy chip Intel tại Khu công nghệ cao Sài Gòn (Ảnh Internet)

Thông tin từ Ban quản lý khu SHTP cho biết, tính đến tháng 6/2014, diện tích sử dụng thực tế của Dự án là 20 ha, với gần 1.000 lao động, lũy kế nộp ngân sách hơn 21 triệu USD… Riêng năm 2013, giá trị xuất khẩu của Intel Việt Nam đạt hơn 1,8 tỷ USD.

Tháng 7/2014, Intel công bố lần đầu tiên sản xuất bộ vi xử lý (CPU) tại nhà máy lắp ráp và kiểm định chíp của công ty tại Sài Gòn và dự kiến 80% sản lượng CPU của Intel trên thế giới sẽ sản xuất tại nhà máy này từ tháng 7/2015.

Ăn burger ở McDonald’s và nhấm nháp cafe tại Starbucks

Bên cạnh các doanh nghiệp công nghệ, hàng loạt thương hiệu lớn trong lĩnh vực thực phẩm và giải khát đến từ Hoa Kỳ như: KFC, Burger King, Pizza Hut, Starbucks, Coffee Bean & Tea Leaf, McDonald’s... đã đầu tư vào Việt Nam. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này đang không ngừng lớn mạnh tại Việt Nam.

Có mặt tại Việt Nam từ đầu năm 2014, thương hiệu đồ ăn nhanh McDonald’s của người Mỹ giờ đây đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. So với thời điểm khi mở cửa hàng đầu tiên cách đây 2 năm, McDonald’s đã nâng tỷ lệ nội địa hóa lên khoảng 30% thông qua việc mua hoàn toàn các sản phẩm như bánh mì, rau, trứng và sữa tại các doanh nghiệp Việt Nam.


Nhà hàng McDonald’s Nguyễn Huệ

Nhà hàng McDonald’s Nguyễn Huệ

Starbucks có mặt tại Việt Nam từ đầu năm 2013 và nhanh chóng tạo nên cơn sốt với giới trẻ các thành phố lớn.

Mặc dù không thu mua cà phê trực tiếp từ thị trường mà nhập cà phê nguyên liệu thô từ khắp nơi trên thế giới đều do công ty mẹ tại Mỹ, nhưng tin vui là công ty mẹ Starbucks hiện cũng thu mua cà phê arabica Việt Nam trồng tại Đà Lạt, nhưng số lượng không nhiều (vì Việt Nam chủ yếu trồng robusta).

Nhà máy chế biến thủy sản

Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường cung cấp nông thủy sản hàng đầu cho người dân Hoa Kỳ. Kim ngạch thương mại nông sản giữa hai nước ngày càng tăng nhanh.

Trong 3 năm gần đây, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sang Hoa Kỳ đều tăng với tốc độ khoảng 20%/năm; trong đó gỗ và các sản phẩm gỗ, thủy sản là những mặt hàng chủ lực.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hoa Kỳ hiện là thị trường thương mại nông sản quan trọng lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc) với kim ngạch xuất khẩu đạt 5,69 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu 1,4 tỷ USD (năm 2015).

Trong quý I/2016 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản sang Hoa Kỳ đạt trên 1,3 tỷ USD, đứng đầu là gỗ và các sản phẩm gỗ, tiếp đến là thủy sản, hạt điều, càphê, hạt tiêu…

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM