Đây là những bí quyết để người mua nhà Sài Gòn không bị "siết nợ" như cư dân The Harmona

14/06/2016 20:07 PM | Xã hội

Làm sao để người mua nhà không vướng phải những rắc rối tương tự? Dưới đây là ý kiến tư vấn của các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp tại Hội thảo "Bảo vệ quyền lợi người mua nhà – Minh bạch hóa thị trường bất động sản".

Những hệ lụy của “cơn sốt” đầu tư bất động sản (BĐS) giai đoạn 2006 – 2008 đang dần hiện rõ trong thời gian gần đây, có thể kể đến một vài hiện tượng bất ổn như dự án The Harmona hay Bảy Hiền Tower.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng, khi nhắc đến trường hợp của dự án The Harmona thì cần phải xác định không chỉ mỗi trách nhiệm của chủ đầu tư mà cả ngân hàng vì quản lý tín dụng, cho vay quá lỏng lẻo.

Khi ngân hàng cho DN vay tiền để xây dựng và sau đó DN lại bán chính căn hộ đang thế chấp cho người mua mà ngân hàng nói là không biết là điều vô lý.

Trong vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà, theo ông Châu, trong thời gian qua dù TPHCM đã nỗ lực trong việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua nhà, đất ở các dự án. Tuy nhiên, thành phố chỉ mới giải quyết được những trường hợp chủ đầu tư chưa hoàn công được công trình do còn bỏ dở các công trình phụ trợ như công viên cây xanh, đường xá, sân chơi cho trẻ. Giờ chỉ còn trường hợp của những dự án đang mang dự án đi thế chấp là chưa giải quyết được, hiện đang chờ ý kiến và phương án xử lý của Trung ương.

“Khi đi mua nhà, người dân hãy tìm hiểu kỹ và yêu cầu chủ đầu tư trưng ra sổ đỏ của khu đất, tiếp đó giấy phép xây dựng, cùng với thư bảo lãnh ngân hàng. Người mua nhà phải chọn mặt gửi vàng, chọn những nhà đầu tư có lịch sử thực hiện các dự án tốt, uy tín thương hiệu, chuyên nghiệp, có năng lực.

Khi chủ đầu tư công bố bán nhà phải có văn bản của Sở Xây dựng công bố là dự án đủ điều kiện huy động vốn của khách hàng. Khi hoàn thành thì phải có văn bản của Sở Xây dựng xét duyệt công trình đủ điều kiện sử dụng”, ông Châu đưa ra lời khuyên.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết đối với những trường hợp đang thế chấp ở ngân hàng và chưa giải quyết chứng nhận chủ quyền cho người dân, Thành phố sẽ rà soát lại và yêu cầu chủ đầu tư đăng ký, thay đổi nội dung thế chấp. Theo đó, hướng xử lý sẽ rút bớt tài sản thế chấp để cấp giấy chứng nhận cho người mua. Nếu chủ đầu tư còn tài sản riêng thì dùng tài sản này sẽ để thế chấp thay cho tài sản căn hộ. Những chủ đầu tư không thực hiện thì phải xử lý nghiêm.

Ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM thừa nhận bên cạnh lỗi của chủ đầu tư thì bản thân người làm công tác quản lý nhà ở cũng cần phải nhìn nhận thực tế về năng lực quản lý Nhà nước trong việc thực thi pháp luật và cả ở quy định pháp luật. Trong khi quy định pháp luật vẫn còn điểm hở, kẽ mờ, thì khâu quản lý lại chưa chặt chẽ, trình độ quản lý kém, điều kiện và phương tiện chưa ngang tầm với nhu cầu quản lý của một đô thị đặc biệt như TPHCM.

Cũng theo ý kiến của Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, mọi vi phạm phải xử lý nghiêm, giờ cần xem xét cái sai là ở đâu, chủ đầu tư, cơ quan quản lý thì đang nằm ở cấp quản lý nào. Theo đó, các cấp cần tiếp tục rà soát, xử lý nghiêm những sai phạm.

Trong một diễn biến khác, ngày 13/6 Sở Xây dựng TPHCM đã công bố 4 bảng danh sách quan trọng dành cho người đã và đang có ý định mua nhà Sài Gòn gồm có (đính kèm link):

Danh mục các dự án đã được cho phép chuyển nhượng năm 2016

Dự án phát triển nhà ở đã thực hiện thủ tục chấp nhận đầu tư

Dự án phát triển nhà ở đã thực hiện thủ tục phê duyệt dự án theo Nghị định 90

Dự án phát triển nhà ở đã thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM