Đây là nguyên nhân nhiều người lúc nào cũng trễ hẹn dù đã cố gắng hết sức

08/04/2017 08:03 AM | Sống

Hẹn giờ đồng hồ, lên kế hoạch trước cả vài ngày, thế nhưng vì sao có những người vẫn luôn trễ hẹn?

Chắc hẳn bạn cũng quen một người không bao giờ đúng hẹn và khiến bạn luôn phải chờ đợi, và lúc nào họ cũng đưa ra một cái cớ nào đó để biện minh cho sự chậm trễ của mình.

Hoặc đôi khi chính bạn là người như vậy. Và dù cho có đặt chuông hẹn giờ hay dùng biện pháp nhắc nhở nào đi nữa, bạn vẫn không thể buộc mình ra khỏi nhà sớm hơn để có mặt đúng giờ ở một địa điểm đã hẹn.

Rất nhiều nghiên cứu đã cố gắng tìm ra lý do tại sao một số người lại như vậy.

Theo nhà nghiên cứu về hành vi con người Alfie Kohn thì có một số lý do khiến người ta mắc bệnh “muộn mãn tính”: Có lẽ họ thích được chú ý khi xuất hiện ở chỗ hẹn, hoặc có thể họ quá thu mình trong thế giới của riêng mình và không quan tâm đến sự thật là mình bắt người khác phải chờ đợi.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh là điều này không áp dụng cho những người lúc nào cũng trễ hẹn và khiến chính họ gặp rắc rối. Chẳng hạn, họ bị lỡ chuyến bay hoặc không được tham dự một sự kiện nào đó quan trọng. Kohn cho rằng trong khi một số người liên tục nhìn đồng hồ để nhắc nhở bản thân về một thời điểm quan trọng cần chú ý, thì lại có những người không để tâm đến việc đó chút nào.

“Có lẽ họ có xu hướng đắm mình vào những gì đang làm và không phát hiện ra sự biến chuyển của thời gian cho đến khi đã quá muộn”, ông viết.

Nguyên nhân có thể là do cách chúng ta quản lý thời gian ra sao đã được “lập trình”

Một nghiên cứu năm 2016 của 2 nhà tâm lý học Emily Waldun và Mark McDaniel đã xem xét giả thuyết này, và mô tả bằng thuật ngữ TBPM - Time-Based Prospective Memory (trí nhớ ngắn hạn theo thời gian).

Trong một thử nghiệm, họ yêu cầu những người tham gia hoàn thành một nhiệm vụ trong một khoảng thời gian giới hạn, và cho phép họ xem đồng hồ để đảm bảo tiến độ. Nhiệm vụ này thường được thiết kế để họ phải tập trung cao độ (chẳng hạn trò ghép hình), và quá mải mê nên không thể theo dõi thời gian được. Kết quả cho thấy một số người ước lượng thời gian tốt hơn so với những người khác.

Theo tiến sĩ Susan Krauss Whitbourne từ Đại học Massachusetts Amherst, thì những người giải quyết tốt các nhiệm vụ TBPM thường quản lý thời gian của mình tốt hơn.

Bà còn cho rằng, khả năng ước lượng thời gian diễn ra một việc là rất quan trọng. Chẳng hạn, bạn có thể sử dụng Google Maps để ước lượng thời gian để đi đến một nơi nào đó, nhưng không thể xét hết mọi tình huống diễn ra trên đường đi, như chuyện trò với một người bạn tình cờ gặp, hoặc chuyến tàu bạn chờ bị chậm. Kế hoạch của bạn có thể chặt chẽ, nhưng trên thực tế nó vẫn có thể đi lệch hướng.

Nguyên nhân có thể là do tính cách mỗi người

Whitbourne cho biết nhiều nhà tâm lý học tin rằng sự chậm trễ rốt cuộc là do xu hướng “tự hủy hoại” ở một số người, khiến họ bị kẹt trong một vòng xoáy liên tục trễ hẹn và tự trừng phạt mình vì điều đó. Kohn lại cho rằng đơn giản là do họ không tự giác và thiếu tự chủ, nên không thể kéo mình ra khỏi một hoạt động mà họ đang thích thú hoặc một việc gì đó mà họ cho là phải hoàn thành.

Nhà tâm lý học Adoree Durayappah-Harrison tại cho rằng với một số người, đến muộn là lựa chọn họ thích nhất. Nhiều người không muốn đến sớm. Đôi khi họ nghĩ rằng thật vô nghĩa khi phải ngồi chờ người khác đến, hoặc họ cảm thấy lúng túng hoặc khó chịu khi phải chờ đợi. Ngoài ra còn có một sai lầm đáng chú ý về nhận thức, chẳng hạn khi được mời dự tiệc tối lúc 7h, người ta cho rằng chẳng ai lại đi có mặt ở một buổi tiệc tối vào đúng 7h tối cả.

Bên cạnh đó còn có một quan điểm khác nữa. Một bài báo trên tạp chí New York Times cho rằng một số người thường xuyên đi muộn là do tinh thần lạc quan – ví dụ, họ tin rằng một đoạn đường mất 25 phút để đi có thể chỉ mất 10 phút mà thôi, nếu mọi sự diễn ra thuận lợi từ đầu đến cuối.

Dù sao thì cũng có rất nhiều lý do giải thích tại sao một số người luôn luôn sai hẹn. Nếu bạn có thể thu hẹp danh sách các “thủ phạm” khiến bạn luôn là người trễ giờ – nhiều khả năng bạn sẽ thoát được vòng lặp của thói quen này – trừ khi bạn không muốn.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM