Đây là người đàn ông vừa cứu mảng di động của Samsung khỏi hố tử thần

05/08/2016 08:54 AM | Kinh doanh

Kim Gae Youn là Giám đốc kế hoạch tại mảng kinh doanh điện thoại cho Samsung.

Galaxy S7 và S7 Edge không phải là chiếc điện thoại bán chạy nhất trong lịch sử của Samsung nhưng nó lại là dòng điện thoại “cứu nguy” cho tập đoàn này khỏi hố tử thần sau 2 năm lợi nhuận sụt giảm liên tục.

Chính doanh số bán của 2 dòng điện thoại này là nhân tố đặc biệt quan trọng "cứu" toàn bộ mảng kinh doanh điện thoại của Samsung. Cụ thể trong báo cáo kết quả kinh doanh 3 tháng tính tới tháng 6/2016, Samsung Electronics – chi nhánh điện tử của tập đoàn Samsung công bố mức lợi nhuận hoạt động đạt 8,1 nghìn tỉ won (tương đương 7,57 tỉ USD), tăng 17,4% so với năm ngoái.

Lợi nhuận hoạt động công bố lần này là mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây của công ty và vượt xa dự báo của các chuyên gia trước đó chỉ ở mức 7,3 nghìn tỉ won.

Đây cũng là lần đầu tiên lợi nhuận hoạt động quý của Samsung đạt mức 8 nghìn tỉ won kể từ sau quý đầu tiên của năm 2014 khi họ đạt mức lợi nhuận 8,49 nghìn tỉ won.

“Sự phổ biến của dòng Galaxy 7 đã đánh bại doanh số bán chip nhớ để trở thành nhân tố quan trọng góp phần làm nên quả kinh doanh vượt xa so với kỳ vọng trong quý này”, tuyên bố từ phía công ty nói.

Mới đây nhất, Samsung tiếp tục tung ra chiếc Galaxy Note 7. Chiếc điện thoại mới được xây dựng dựa trên mẫu Galaxy S, ứng dụng nhiều công nghệ mới nhất của Samsung, kết hợp cùng những chức năng ấn tượng của S7 và S7 Edge.

Ngay khi vừa ra mắt, người ta đã ca ngợi Note 7 là chiếc điện thoại hoàn hảo nhất hành tinh bởi nó sở hữu những công nghệ mà ngay cả gã khổng lồ như Apple cũng phải thèm muốn.

Vậy làm thế nào Samsung có thể vực dậy một cách đầy ngỡ ngàng đến vậy? Cái tên Kim Gae-youn có lẽ chứa đựng câu trả lời. Anh là Giám đốc kế hoạch tại mảng kinh doanh điện thoại cho Samsung. Chính Kim là người quyết định xem mỗi mẫu điện thoại của Samsung sẽ như thế nào và được định vị trên thị trường ra sao.

Tờ Verge đã có cuộc phỏng vấn với Kim Gae-youn - người đàn ông thầm lặng đứng đằng sau thành công này của Samsung. Ngoài những chia sẻ về thiết kế và những điểm độc nhất của S7 và S7 Edge, anh Kim còn nói về cách thức tập đoàn này tạo ra khác biệt và cạnh tranh trong một thị trường vốn có rất nhiều đối thủ lớn trong cả phân khúc cao cấp, tầm trung và thấp.

Dưới đây là trích một phần bài phỏng vấn của anh Kim:

PV: Tôi nghĩ hầu hết mọi người đều đồng ý rằng Samsung là nhà sản xuất phần cứng chạy hệ điều hành Android cao cấp nhất trên thị trường nhưng anh nghĩ sao về toàn bộ phân khúc này? Rất nhiều khách hàng chọn Apple ở phân khúc cao cấp, trong khi đó nhiều công ty khác lại đang tạo ra những sản phẩm tốt hơn với mức giá phải chăng hơn. Dường như Samsung đang đứng chơi vơi ở giữa 2 phân khúc. Vậy khách hàng mục tiêu của Samsung là ai?

Kim Gae Youn: Câu trả lời phụ thuộc vào từng khu vực khác nhau. Thực tế, chúng tôi hoạt động ở mọi phân khúc. Nhìn vào dữ liệu thị trường có thể thấy những dòng cao cấp có giá trên 600 USD chiếm khoảng 25% nhưng về mặt tài chính nó lại chiếm tới 50% vì vậy thị trường rất quan trọng.

Hơn nữa, phân khúc cao cấp chỉ có 2 người chơi chính là Apple và Samsung. Vì vậy, S7 và Note đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến này. Triết lý kinh doanh trong phân khúc này của Samsung là luôn đổi mới để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Ở phân khúc trung và thấp, chúng tôi cạnh tranh với những đối thủ tới từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các công ty này vẫn chủ yếu hoạt động ở trong nước và thị trường thì đang dần bão hoà vì vậy họ đang phải nỗ lực bán sản phẩm ở cả thị trường bên ngoài và đó là lúc họ phải đối đầu với Samsung. Giá là vấn đề quan trọng, chúng tôi hiểu điều này và đang làm hết sức mình để giành chiến thắng.

PV: Có một mối nguy hiểm đối với Samsung là những chiếc điện thoại khoảng 200, 300 hay 400 USD đang ngày trở nên tốt hơn - chúng cũng chạy Android. Galaxy dĩ nhiên tốt hơn nhưng thành thật mà nói nó không vượt trội hơn hẳn Xiaomi. Vậy anh đã làm thế nào để khiến những chiếc điện thoại đắt tiền hơn của Samsung trở nên khác biệt và công ty đã làm gì để cạnh tranh trong phân khúc tầm trung?

Kim Gae Youn: Bạn biết đấy những thiết bị phần cứng của Samsung luôn rất tuyệt vời. Ví dụ, chúng tôi ứng dụng công nghệ ảnh phân cực vốn chỉ dùng trên máy ảnh Canon 70D biến đây trở thành loại camera cao cấp nhất sử dụng công nghệ này. Vì vậy, nó thực sự mang lại giá trị cao cho khách hàng.

Cùng lúc, chúng tôi phát triển những dịch vụ đi kèm như Samsung Pay. Nói chung, phần cứng, phần mềm và dịch vụ là chìa khoá để làm nên những khác biệt sản phẩm so với các dòng sản phẩm tầm trung.

PV: Thêm một điều nữa, nhìn từ góc độ marketing sẽ thấy hơi kỳ lạ khi máy ảnh dòng S6 là 16 megapixel còn S7 là 12 px, anh có sợ khách hàng sẽ nghĩ rằng camera của S7 "đểu" hơn không?

Kim Gae Youn: Ồ đúng vậy (cười). Chính vì thế, chúng tôi đã cho công nghệ 2PD vào S7 và quyết định giảm độ phân giải khá khó khăn. Tôi đã phải dành 3 tháng để thuyết phục các cổ đông, lãnh đạo cấp cao ở tập đoàn, cả nhân viên sales trên toàn thế giới và các giám đốc sản phẩm khu vực để giảm độ phân giải cho loại camera này.

Khi thuyết phục mọi người, tôi nhìn vào dữ liệu người dùng để xem họ thực sự muốn gì. Bức ảnh chất lượng cao hơn, sáng hơn ngay cả trong không gian chụp tối, tốc độ lấy nét nhanh hơn để có thể chụp được cả khoảnh khắc khi đang di chuyển. Và không ai sử dụng hết 16 px cả. Mọi người chỉ xem ảnh trên màn hình điện thoại nhỏ hoặc cùng lắm là màn hình TV. Vì vậy cần gì phải có độ phân giải lớn tới vậy? Thời gian sẽ là câu trả lời và khách hàng sẽ nhận thấy camera của S7 tốt hơn. Tôi tin là vậy.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM