Đây là một trong những lý do “hút” giới trẻ Việt đầu quân vào công ty đa quốc gia

07/10/2017 10:17 AM | Kinh doanh

Theo khảo sát mới nhất của Mercer - Talentnet về lương thưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2017, mức lương trung bình của các công ty trong nước thấp hơn 29% so với các công ty đa quốc gia.

Với những bạn trẻ có năng lực, nhiều người muốn đầu quân cho các công ty đa quốc gia, bởi ở đó họ có môi trường làm việc tốt, trau dồi khả năng ngoại ngữ và lương cao.

Theo công bố của JobStreet Việt Nam hồi tháng 9/2016, 6/10 công ty đa quốc gia nằm trong danh sách được giới trẻ Việt Nam khát khao được làm việc nhất. Các công ty đó là Unilever, Samsung, Intel, Nestle, P&G, Pepsico bên cạnh các công ty Việt Nam như Vinamilk, Vingroup, FPT và Viettel.

Trong nhiều yếu tố để thu hút nhân tài, lương là một nhân tố khá quan trọng.

Mức lương trung bình của các công ty trong nước thấp hơn 29% so với các công ty đa quốc gia

Tỷ lệ chênh lệch về mức lương cơ bản hàng năm cho các vị trí khác nhau giữa công ty đa quốc gia và doanh nghiệp trong nước là 15% (cấp nhân viên), 30% (chuyên viên), và 41% (quản lý). Mức lương trung bình của các công ty trong nước thấp hơn 29% so với các công ty đa quốc gia.

Đặc biệt, mức chênh lệch có xu hướng tăng ở cấp quản lý, do các công ty đa quốc gia trả lương cao hơn cho vị trí quản lý cấp cao.

Tại Việt Nam, ngành bất động sản và hàng tiêu dùng trả lương và thưởng cao nhất, sau đó là ngành công nghệ. Ngân hàng chỉ đứng thứ 4.

Năm 2018, dự báo tăng lương ở các công ty Việt Nam ở mức 8,8%, công ty đa quốc gia là 8,7%. Các ngành có mức tăng lương cao nhất là công nghệ (tăng 10%), khoa học đời sống (9,4%), hóa chất (9%). Ba ngành tăng lương thấp nhất là giáo dục (7%), ngân hàng (5,7%), dầu khí (4,6%).

Khảo sát lương 2017 được 2 đơn vị Talentnet và Mercer thực hiện với 592 công ty trong 16 ngành nghề, từ công nghệ, hàng tiêu dùng, dược phẩm, hóa phẩm, dược và sản xuất. Có 78 công ty Việt với 16 ngành nghề tính lương và 2.567 vị trí tính lương.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM