Đây là lý do vì sao đàn ông càng có tuổi thì tửu lượng càng kém

19/03/2017 09:40 AM | Sống

Khi còn trẻ, nhiều người có thể nhậu nhẹt cả đêm thế nhưng tới sáng vẫn không thấy mệt mỏi, đủ sức làm mọi thứ. Điều này bắt đầu thay đổi khi chúng ta dần có tuổi.

Nếu bạn đã từng tỉnh dậy sau một đêm rượu chè tưng bừng khi đã ở tuổi 29 chẳng hạn, bạn sẽ hiểu. Bạn sẽ vừa thấy bối rối vừa thấy tiếc nuối khoảng thời gian chỉ vài năm trước thôi, khi mình có thể say sưa cả đêm, sáng vẫn dậy sớm, dù mặt đỏ ngầu và đầu óc quay cuồng. Khi bắt đầu có tuổi, bạn nhanh chóng say, mệt mỏi hơn và có cảm giác khó chịu hơn nhiều. Vậy chuyện gì đã xảy ra?

Trong khi lý do chính xác của hiện tượng này vẫn chưa thể tìm ra, thì các chuyên gia đã đưa ra một số giả thuyết để giải thích tại sao cơ thể bạn không thể chịu được lượng cồn nhiều như khi còn trẻ nữa:

Giả thuyết 1: Bạn có ít enzim gan hơn

Cồn là một chất độc hại, vì thế khi bạn uống rượu bia, cơ thể phải tìm cách đập tan và phân giải hợp chất ethanol độc hại. Enzim trong gan chịu trách nhiệm làm việc này, biến thứ đồ uống độc hại đó thành một hợp chất được gọi là axetaldehyt. Một loại enzim, có tên là aldehyde dehydrogenase – chịu trách nhiệm biến đổi axetaldehyt thành acetate, một chất sau đó bị phân hóa thành CO2 và nước.

Quá trình này diễn ra khá suôn sẻ khi bạn còn trẻ, nhưng khi già đi mức enzim trong cơ thể cũng giảm theo. Điều này khiến axetaldehyt (chất độc hại) nán lại trong cơ thể lâu hơn, dẫn đến các triệu chứng khó chịu như buồn nôn và đau đầu.

Giả thuyết 2: Quá trình hồi phục của cơ thể yếu hơn

George F. Koob, giám đốc Viện Quốc gia về lạm dụng đồ uống có cồn và tác hại của rượu, giải thích: “Khi người ta già đi, quá trình trao đổi chất thay đổi; bên cạnh đó, tính khả biến thần kinh – tức khả năng hồi phục thần kinh – cũng chậm hơn”.

Điều này một phần cũng là do khả năng chống sưng tấy hoặc tổn thương tế bào bị giảm đi. Nghĩa là cơ thể bạn không mất đi khả năng miễn dịch, nhưng nó không còn hồi phục nhanh như xưa nữa.

Giả thuyết 3: Lối sống khiến bạn ít được nghỉ ngơi hơn

Bạn càng già đi, thì dường như càng phải làm nhiều việc và chịu nhiều trách nhiệm hơn. Các dự án ở công ty và lời hứa đưa con đi chơi vào cuối tuần bắt đầu thay thế cho những ngày nằm dài trên giường ăn bỏng ngô. Đơn giản là: bạn không có thời gian để xoa dịu cơn chuếnh choáng sau mỗi cuộc nhậu nữa – và điều đó lại càng làm cho vấn đề trầm trọng hơn.

Giả thuyết 4: Loại thuốc bạn đang uống xung đột với rượu bia

Các căn bệnh mạn tính, vấn đề về thần kinh và nhiều yếu tố khác đòi hỏi phải dùng thuốc có thể xuất hiện vào những giai đoạn sau của cuộc đời. Và có rất nhiều loại thuốc không “hòa hợp” lắm với rượu gin hoặc vang Pháp.

Rượu kết hợp với thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa huyết áp, tiểu đường và dị ứng đều có thể có các tác động khác nhau với cơ thể, và nhiều khi chúng rất nguy hiểm. Cần phải tham vấn các bác sĩ những loại thuốc nào có thể và không thể uống với rượu.

Giả thuyết 5: Bạn coi thường các khía cạnh sinh học

Số liệu thống kê cho thấy những người sắp bước vào độ tuổi 30 đều cố gắng ngăn chặn quá trình già hóa của bản thân.

Một nghiên cứu ở Anh Quốc cho thấy những người có độ tuổi quanh ngưỡng 29 có nguy cơ cao nhất bị đau đầu và khó chịu sau khi uống rượu tỉnh dậy vì họ vẫn giữ thói quen uống rượu bia như khi còn trẻ. Và vì các yếu tố sinh lý học trong cơ thể không còn như trước nữa nên cảm giác bạn trải qua sau khi thức dậy sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Hay đơn giản hơn: cơ thể bạn không còn thích hợp với lối sống của một người 21 tuổi nữa.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM