Đây là lý do vì sao càng lớn tuổi chúng ta thấy thời gian trôi càng nhanh

07/09/2016 19:20 PM | Sống

Khi còn nhỏ, thời gian dường như bất tận, có thể người trẻ tuổi không sở hữu nhiều tiền bạc và thành công nhưng họ chính là những tỷ phú thời gian đích thực.

Càng quen thuộc với bước chân của cuộc sống trôi qua hàng ngày, thì thời gian dường như càng trôi nhanh hơn.

Khi chúng ta còn nhỏ, những ngày nghỉ hè dường như kéo dài vô tận, còn Giáng sinh thì mãi không đến. Tại sao khi ta lớn lên và già đi, thời gian lại trôi nhanh đến vậy?

Bức tranh vui nói về các chỉ số qua lứa tuổi con người.
Bức tranh vui nói về các chỉ số qua lứa tuổi con người.

Có một số giả thuyết được đưa ra để lý giải cho điều này. Một ý kiến cho rằng đó là do sự thay đổi dần dần của các đồng hồ sinh học bên trong mỗi người. Quá trình chuyển hóa chậm lại khi chúng ta già đi cũng phù hợp với sự thật là nhịp tim và hơi thở cũng chậm lại. Đồng hồ sinh học của trẻ con chạy nhanh hơn, nghĩa là chúng trải qua nhiều dấu mốc sinh học hơn trong một khoảng thời gian cố định, khiến cho thời gian dường như trôi qua nhiều hơn.

Một giả thuyết khác cho rằng khoảng thời gian trôi qua mà chúng ta nhận thức được có liên quan đến lượng thông tin tri giác mà chúng ta tiếp nhận. Với nhiều tác nhân kích thích mới, não bộ sẽ cần nhiều thời gian hơn để xử lý thông tin vì thế mỗi khoảng thời gian dường như dài ra.

Điều này giúp lý giải tại sao “nhận thức quay chậm” thường diễn ra trước khi trước khi có một vụ tai nạn. Các tình huống không quen thuộc đồng nghĩa với có nhiều thông tin mới cần tiếp nhận.

Những trải nghiệm mới khiến nhận thức về thời gian của bộ não chậm đi
Những trải nghiệm mới khiến nhận thức về thời gian của bộ não chậm đi

Trên thực tế, có thể khi đối mặt với các tình huống mới, bộ não ghi lại các sự kiện với nhiều chi tiết cụ thể hơn, vì thế việc chúng ta nhớ lại một sự kiện sẽ có vẻ chậm hơn so với chính sự kiện đó.

Nhưng làm sao điều này có thể lý giải được sự rút ngắn liên tục của thời gian mà chúng ta nhận thức được khi mình già đi? Giả thuyết này cho rằng ta càng già đi thì càng quen thuộc với thế giới xung quanh mình. Chúng ta không nhận thấy những biến đổi chi tiết của ngôi nhà và nơi làm việc. Tuy nhiên đối với trẻ nhỏ, thế giới thường là một nơi lạ lẫm với rất nhiều trải nghiệm mới lạ để khám phá. Điều này có nghĩa là chúng phải dành nhiều công sức hơn để điều chỉnh lại các ý tưởng về thế giới bên ngoài, do đó với chúng thời gian dường như chậm hơn.

Đối với một đứa trẻ 10 tuổi, 1 năm chỉ bằng 10% cuộc đời của chúng và với người 20 tuổi là 5%. Theo tỉ lệ như vậy, để một người 20 tuổi trải nghiệm cùng một khoảng tăng trong tuổi của mình giống với một đứa trẻ từ 2 tuổi lên 3 tuổi, người đó cần đến 10 năm (tức đến năm 30 tuổi họ mới có trải nghiệm tương tự). Nhìn nhận theo cách này, sẽ không ngạc nhiên khi thời gian có vẻ trôi nhanh hơn khi chúng ta già đi.

Chúng ta thường nghĩ về đời mình theo những dấu mốc thập niên – những năm 20 tuổi, 30 tuổi, v.v. nghĩa là các khoảng thời gian bằng nhau. Tuy nhiên, theo cách tính tỉ lệ như trên, chúng ta nhận thực các khoảng thời gian khác nhau với cùng độ dài như nhau. Những khoảng cách về tuổi sau đây sẽ được nhận thức như nhau với giả thuyết vừa nêu: 5 đến 10 tuổi, 10 đến 20 tuổi, 20 đến 40 tuổi và 40 đến 80 tuổi.

Đây có thể là một tin buồn, vì khoảng thời gian 5 năm bạn trải nghiệm từ lúc 5 đến 10 tuổi cũng sẽ dài như khoảng thời gian từ khi 40 tuổi đến 80 tuổi.

Do đó hãy tự làm cho mình bận rộn hơn. Thời gian trôi đi rất nhanh dù bạn có muốn hay không. Và chắc chắn, nó sẽ trôi nhanh hơn mỗi ngày.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM