Đây là lý do nhiều người luôn tự nhân là mình giỏi, kể cả sự thực không phải như vậy

27/07/2017 10:01 AM | Sống

Có rất nhiều người trong công việc cũng như cuộc sống đều tự cho là mình giỏi, xuất sắc mặc dù thực tế họ không như vậy, tất cả có thể được lý giải thông qua hiệu ứng Dunning-Kruger.

Nếu “tri thức thực sự là biết được mức độ ngu dốt của một người”, thì có lẽ tất cả chúng ta đều phải chịu thua trí tuệ nhân tạo (AI).

Một nghiên cứu cho thấy những người có IQ thấp lại hay đánh giá quá cao trí tuệ của mình, thậm chí đến mức mà họ còn không tự nhận thức được sự ngờ nghệch của chính mình.

Hiệu ứng Dunning-Kruger được đưa ra vào năm 1999 khi hai nhà tâm lý học David Dunning và Justin Kruger bắt đầu một nghiên cứu nhằm giải thích tại sao những kẻ bất tài thường không thấy được sự kém cỏi của mình ở nơi làm việc và trong cuộc sống.

Trải qua 4 nghiên cứu, họ thấy rằng những người tham gia thuộc nhóm 25% có số điểm kém nhất trong các bài test về sự hài hước, ngữ pháp và logic nhìn chung đều đánh giá quá cao khả năng của mình, thậm chí đến mức vô lý.

Chẳng hạn, một nhóm các sinh viên ở đại học Cornell làm bài test về ngữ pháp, sau đó họ phải dự đoán xem thành tích của mình ra sao. Những sinh viên ghi được điểm thấp nhất hóa ra lại là những người đánh giá khả năng của mình cao nhất: những người có điểm số chỉ cao hơn 10% người còn lại cho rằng họ ghi được điểm cao hơn 67% người còn lại.

Nói cách khác, bạn vẫn cảm thấy mình rất giỏi ngay cả khi khả năng của mình chả đến đâu.

Hãy thử tưởng tượng một anh chàng làm kế toán tên là Joe. Joe nghĩ mình rất giỏi Excel, trong khi thực tế là kết quả các phép tính của anh đều không chính xác và anh rất hay bị nhầm hàng với cột. Vấn đề là Joe nghĩ rằng các bảng tính của mình đều chính xác tuyệt đối, và cho rằng đó là điểm mạnh, là năng lực chủ chốt của mình.

Tình trạng không thể thấy được sự vô lý và không nhận ra được những khiếm khuyết của bản thân chính là ví dụ điển hình của Hiệu ứng Dunning-Kruger

“Kiến thức và trí tuệ cần có để thành thạo một việc gì đó thường cũng là phẩm chất cần thiết để nhận ra được một người có giỏi việc đó hay không,” tiến sĩ Dunning giải thích, “và nếu người ta thiếu đi kiến thức và trí tuệ ở mức ấy, thì họ mãi không nhận ra được một người làm việc đó tốt hay không.”

Những nghiên cứu tương tự cũng chứng minh rằng đánh giá quá cao khả năng của chính mình là một xu hướng nhận thức phổ biến và là một khía cạnh văn hóa từ bao lâu nay của chúng ta.

Trong một nghiên cứu chuyên khoa tại Đại học Nebraska, 68% các giáo sư đại học đều đánh giá mình nằm trong top 25% về khả năng dạy học, trong khi 90% đánh giá mình trên mức trung bình, và rõ ràng điều này là không thể (ít nhất ta có thể nhìn thấy sự vô lý từ con số thống kê).

Và sự tự tin thái quá này không chỉ bắt nguồn từ năng lực của mỗi người ở nơi làm việc. Một cuộc khảo sát trên toàn quốc ở Mỹ cho thấy 21% người Mỹ tin rằng “gần như chắc chắn” hoặc “nhiều khả năng” họ sẽ trở thành triệu phú trong khoảng 10 năm tới.

Có lẽ đây mới là hiện thân rõ rệt nhất của “Giấc mơ Mỹ” mà người ta thường nhắc đến.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM