Đây là lý do năm 2017 sinh viên mới ra trường sẽ dễ xin việc vào ngân hàng hơn trước

04/01/2017 10:39 AM | Xã hội

71,4% các ngân hàng dự kiến tăng thêm lao động làm việc toàn thời gian và gần như không có đơn vị nào có ý định cắt giảm người từ quý I/2017.

Con số này chắc chắn sẽ là tín hiệu vui cho những ai có nhu cầu tìm việc trong lĩnh vực ngân hàng năm Đinh Dậu 2017.

Dự báo thiếu lao động ngành ngân hàng

Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa mới hoàn thành cuộc "Điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng". Theo đó, kết quả cho thấy các nhà băng tỏ ra rất lạc quan về kết quả kinh doanh đạt được trong năm 2016 và kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2017.

Cụ thể, có tới 79% số các TCTD (tổ chức tín dụng) nhận định tình hình kinh doanh trong trong năm 2016 cải thiện hơn so với năm 2015. Và 63% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện trong Quý I/2017 và 85% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện trong cả năm 2017 so với năm 2016.

Cùng với mức kỳ vọng lớn về tăng trưởng, các TCTD cũng cho biết đang thiếu nhân sự. Vào cuối năm 2016, có khoảng 25,6% TCTD nhận định đang thiếu lao động. 71,4% các TCTD dự kiến tăng thêm lao động làm việc toàn thời gian tại ngân hàng.

Riêng quý I/2017, có đến 46,5% số các TCTD dự định tăng nhân sự làm việc toàn thời gian và gần như không có đơn vị nào có ý định cắt giảm người.

Cũng theo báo cáo, trong Quý 1/2017 và cả năm 2017, các TCTD tiếp tục lạc quan về triển vọng gia tăng nhu cầu của khách hàng. Rủi ro của khách hàng về cơ bản ổn định.

Trong các nhóm khách hàng, TCTD tiếp tục được đánh giá là nhóm có rủi ro thấp nhất, sau đó đến tổ chức kinh tế và cao hơn là cá nhân. Tỷ lệ nợ xấu sẽ tiếp tục giảm trong năm 2017 cũng như mặt bằng lãi suất được hầu hết các TCTD kỳ vọng ổn định.

Nghề "đếm tiền" có còn hot?

Năm 2017 sẽ mở ra cơ hội lớn cho người lao động, đặc biệt các cử nhân ngành ngân hàng. Tuy nhiên, với áp lực lớn và mức lương không phải quá cao, những năm gần đây nhân sự ngành ngân hàng gần như không còn hot như trước kia.

Bởi theo một giả định mà chúng tôi đặt ra thì nhân viên ngân hàng phải mất tới gần 1 thập kỷ mới có thể mua nổi nhà Hà Nội.

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, quý III/2016, giá bán nhà trung bình của Hà Nội là 27,6 triệu đồng/m2. Đặt giả định với 1 gia đình trẻ gồm 2 vợ chồng và 1-2 con trẻ, diện tích căn hộ mà họ lựa chọn sẽ vào khoảng 80m2, không tính đến lãi suất hay lạm phát.

Theo thống kê mới nhất về mức tiền lương trung bình khối ngành Ngân hàng tính đến hết quý III/2016, thì một nhân viên của ngân hàng được trả lương cao nhất hệ thống là Vietinbank sẽ cần tới hơn 7 năm để có thể mua nhà Hà Nội.

Còn nhân viên Vietcombank (23,73 triệu đồng/tháng) và BIDV (22,93 triệu đồng/tháng) cũng phải mất gần 8 năm để có thể sở hữu một căn nhà ở thủ đô.

Trong khi đó, nhân viên khối Ngân hàng thương mại như Techcombank, VIB Bank và VP Bank phải tới 9-10 năm thì nhân viên Ngân hàng Kiên Long phải cần tới gần 2 thập kỷ là 18 năm để sở hữu một căn nhà tại Thủ đô cho riêng mình.

Bạn có thể xem chi tiết bài viết giả định tại đây.

Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM