Đây là lý do 13 tỉnh thành này, đặc biệt là TPHCM phải “oằn lưng gánh hộ” ngân sách cho các địa phương còn lại!

15/10/2016 09:20 AM | Xã hội

Theo Dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) 2016 chỉ riêng số thu ngân sách của TP Hồ Chí Minh đã cao hơn nhiều với số thu của toàn bộ 46 tỉnh thành nằm ngoài vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ.

Cả nước chỉ có 13 tỉnh thành đóng góp ngân sách

Hồi tháng 9, trong một cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh điạ phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Tôi từng nói với nhiều tỉnh rằng không thể để cho ngân sách Trung ương trợ cấp mãi được. Cả nước chỉ có 13 tỉnh, thành phố đóng góp cho ngân sách Trung ương thì làm sao ngân sách chịu nổi!”.

Cụ thể, theo dự toán NSNN 2016, trong 63 tỉnh thành chỉ có 13 tỉnh thành, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ có tỷ lệ điều tiết và đóng góp cho ngân sách cho nhà nước.

Còn lại có tới 2 vùng là Miền núi phía Bắc (bao gồm 14 tỉnh) và Tây Nguyên (bao gồm 5 tỉnh) hoàn toàn không không có số thu điều tiết về Ngân sách Trung ương (NSTW), còn riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì có tới 12/13 tỉnh thành thường xuyên nhận bổ sung cân đối từ NSTW trừ Cần Thơ.

Tham luận của TS Vũ Đình Ánh tại một diễn đàn kinh tế gần đây đã chỉ rõ, trong hơn 1 triệu tỷ đồng thu thì 14 tỉnh miền núi phía Bắc đóng góp vỏn vẹn hơn 3,6%; 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ đóng góp được trên 4,5%; 14 tỉnh thành Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đóng góp gần 11%, riêng 5 tỉnh Tây Nguyên có tỷ lệ đóng góp vào thu NSNN thấp nhất, chỉ chưa đầy 1,4%.

Nghĩa là gánh nặng thu NSNN đổ dồn lên vai của 6 tỉnh thành Đông Nam bộ khi phải đảm đương tới 42%, 11 tỉnh thành đồng bằng Sông Hồng là 30% tổng thu ngân sách.

Riêng số thu của TP Hồ Chí Minh thì cao hơn nhiều so với số thu của toàn bộ 46 tỉnh thành nằm ngoài vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ.

Kẻ “oằn lưng”, người “ngốn”: Do đâu?

TS Vũ Đình Ánh lý giải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất cân đối và thiếu công bằng trong thu chi ngân sách địa phương ở nước ta suốt nhiều thập kỷ qua, trong đó nguyên nhân chủ yếu trực tiếp là mức độ tập trung kinh tế quá lớn vào một số trung tâm và khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các tỉnh thành, giữa các vùng miền quá lớn.

Có thể thấy riêng số lượng doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh đã chiếm gần 1/3 tổng số doanh nghiệp cả nước, bằng toàn bộ số doanh nghiệp tại đồng bằng sông Hồng (trong đó riêng Hà Nội chiếm hơn 70%), gấp khoảng 2,5 lần số doanh nghiệp tại Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, gấp 4,2 lần số doanh nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long và gấp tới gần 8 lần số doanh nghiệp tại Trung du và miền núi phía Bắc.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP.Hồ Chí Minh cũng chiếm tỷ trọng gần 1⁄4 cả nước, gấp đôi so với Hà Nội và cao hơn cả toàn bộ vùng đồng bằng sông Hồng, gấp gần 5 lần vùng Trung du và miền núi phía Bắc và cao hơn khoảng 30% so với vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hàng loạt chỉ số kinh tế quan trọng khác như giá trị tổng sản phẩm trong nước, sản lượng công nghiệp và kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.Hồ Chí Minh cũng chiếm tỷ trọng từ 1⁄4 đến 1/3 của cả nước trong khi TP.Hồ Chí Minh chỉ chiếm 0,63% diện tích với 8,8% dân số và 7,8% lực lượng lao động cả nước.

Cùng với TP.Hồ Chí Minh, gánh nặng thu NSNN hiện đang dồn lên một số tỉnh thành có tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa cao, thu hút được phần lớn nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, trong khi đại đa số tỉnh còn lại vẫn dậm chân tại chỗ ở tình trạng nông nghiệp kém phát triển hay khai thác tài nguyên thô, chưa phát hiện và khai thác được tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác, theo TS Ánh, bên cạnh những nguyên nhân trực tiếp thì nguyên nhân gián tiếp là phân cấp NSNN giữa TW và địa phương còn bất cập khi chưa thể khuyến khích tính chủ động của đại đa số tỉnh trong thu chi ngân sách địa phương, giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào NSTW đồng thời lại làm suy giảm động lực và điều kiện tăng thu cũng như nuôi dưỡng nguồn thu cho một số ít tỉnh thành có khả năng tự cân đối NS.

Do đó, ông khuyến nghị cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện gắn với tiến trình cơ cấu lại thu chi NSĐP nói riêng và cơ cấu lại NSNN nói chung theo hướng công bằng, hiệu quả, gắn với phát triển kinh tế - xã hội đồng thời khắc phục tình trạng mất cân đối quá mức và nâng cao tính chủ động sáng tạo của địa phương trong quản lý NSNN.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM