Đây là hai lý do giúp cho Cộng Hòa Séc có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất châu Âu

13/09/2017 09:27 AM | Kinh tế vĩ mô

Đức hiện là động lực của nền kinh tế châu Âu, luôn nổi tiếng với năng suất lao động, an ninh trật tự và tỉ lệ thất nghiệp thấp. Nhưng từ cuối năm 2015 đến nay, thị trường việc làm ở nước láng giềng là Cộng Hòa (CH) Séc thậm chí còn phát triển mạnh mẽ hơn.

Dữ liệu thống kê cho thấy tỉ lệ thất nghiệp ở CH Séc vào tháng 6 vừa qua chỉ là 2,9% so với 3,8% ở Đức và 7,7% toàn Châu Âu. Vậy làm thế nào mà đất nước này làm được điều ấy?

Trước hết, có lẽ điều không ngạc nhiên, là giá lao động rẻ. Tiền lương lao động theo giờ trung bình ở CH Séc vào năm 2016 chỉ là 10,2 euro (12,07 USD), thấp hơn hẳn so với mức trung bình 25,4 euro của Châu Âu. Nhưng điều đó không giải thích hoàn toàn vì những nước khác như Bulgaria, Hungary và Ba Lan còn có lao động rẻ hơn. Ngoài ra, tiền lương ở CH Séc còn tăng khá nhanh. Trong quý 1 năm 2017, mức lương danh nghĩa đã tăng 5,3%, hay 2,8% nếu tính cả lạm phát.

CH Séc thành công là nhờ các công việc ở nhà xưởng. Ngành sản xuất chế tạo ở nước này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế so với các nước khác trong EU, và chiếm hơn 1/3 tổng lượng lao động. Sản xuất ô tô, bởi các công ty như Toyota, Peugeot, Citroën, Škoda, và Hyundai, hiện là mắt xích quan trọng trong nền kinh tế Séc.

Những ưu đãi của chính phủ từ những năm 1990, gồm miễn thuế cho các công ty mới và tiền thưởng nếu tạo được việc làm mới, đã thu hút được lượng vốn đầu tư nước ngoài cực lớn, và còn tăng cao hơn nữa khi Séc gia nhập EU vào năm 2004.

Đây là hai lý do giúp cho Cộng Hòa Séc có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất châu Âu - Ảnh 1.

Theo David Marek, kinh tế gia trưởng của Deloitte tại Prague, tỉ lệ thất nghiệp thấp của nước này có 2 lý do. Thứ nhất, các công việc lắp ráp được tạo ra khá dễ dàng vì chi phí thấp và ưu đãi của chính phủ đã biến CH Séc trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các công ty sản xuất trên toàn cầu. Thứ hai, chu kỳ kinh doanh ở Séc có quan hệ mật thiết với tình hình kinh tế EU. Khi EU ổn định, CH Séc thậm chí còn khấm khá hơn. Và hiện nay EU đang vận hành khá tốt. Nền kinh tế toàn khu vực đã tăng trưởng 2,2% trong quý 2 so với quý trước đo, gần bằng mức của Mỹ.

Nhưng nguyên nhân gốc rễ của thành công này có thể tạo ra nhiều vấn đề cho tương lai. Tốc độ tăng lương cao là một điều rất đáng quan ngại. Marek nói rằng lương tăng là do thiếu lao động, và điều này khiến nền kinh tế không thể tăng trưởng nhanh hơn được. Như nhiều nước khác, CH Séc cũng phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Thói quan liêu và các rào cản ở bộ máy hành chính khiến các công ty khó thuê được lao động nước ngoài để đảm nhiệm các vị trí còn trống.

Theo Marek, nước này không thể tăng lương nhanh hơn năng suất được. CH Séc là "trung tâm lắp ráp của châu Âu, chứ không phải trung tâm tri thức", nghĩa là nó có các công việc chi phí thấp, không cần nhiều kỹ năng nhưng không phát triển được các kỹ năng và kiến thức để tăng năng suất bằng các quy trình phức tạp hơn. Để giữ tỷ lệ thất nghiệp thấp, chính phủ cần phải thay đổi hệ thống ưu đãi để khuyến khích tạo ra các công việc đòi hỏi kỹ thuật cao, cụ thể là cải thiện hệ thống giáo dục. Mặc dù có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cao nhưng khá ít người tiếp tục theo học đại học hoặc các trường dạy nghề.

Đây là hai lý do giúp cho Cộng Hòa Séc có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất châu Âu - Ảnh 2.

Rủi ro dễ thấy nhất đối với sự phụ thuộc vào các công việc lắp ráp đang dần xuất hiện: đó là tự động hóa. Theo nghiên cứu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vào năm ngoái, CH Séc sẽ phải đối mặt với tình trạng mất việc do tự động hóa lớn nhất, cùng với nước láng giềng Slovakia.

Trước khi CH Séc được coi là hình mẫu thành công trong ngành sản xuất, điều quan trọng là phải cân nhắc những hậu quả lâu dài mà nước này phải đối mặt vì không khuyến khích lao động nước ngoài và phụ thuộc quá nhiều vào các công việc sẽ sớm thuộc về người máy.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM