Đây là cuộc sống nếu bạn trở thành một giáo viên tại Mỹ: 'Tôi làm 3 công việc và hiến máu để chi trả hóa đơn hàng ngày'

17/09/2018 10:43 AM | Xã hội

Nghiên cứu năm 2016 cho thấy mức lương khởi điểm của các giáo viên mới vào khoảng 38.617 USD/năm, thấp hơn 20% so với những ngành nghề đòi hỏi bằng cấp tương đương.

Bà Hope Brown, một giáo viên đầy kinh nghiệm của Mỹ phải đi bán máu hàng tuần để kiếm 60 USD cũng như bán bớt một số đồ cũ để lấy tiền chi trả hóa đơn điện hay tiền xăng xe. Đây là điều mà bà không hề nghĩ tới cách đây 20 năm khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành sư phạm và trở thành một giáo viên cấp 3.

Thông thường bà Brown phải làm từ 5h sáng đến 4h chiều tại trường và nhanh chóng chuyển sang làm công việc thứ 2 với vai trò nhân viên soát cửa tại Rupp Arena. Để có mức thu nhập 55.000 USD, bà Brown phải chạy cật lực để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Cùng chồng, Brown điều hành một công ty du lịch lịch sử để kiếm thêm tiền.

"Tôi thực sự yêu nghề giáo nhưng chúng tôi không được trả công xứng đáng cho những gì mình làm", bà Brown phàn nàn.

Câu chuyện của bà Brown chỉ là một trường hợp cho thực trạng đáng báo động tại Mỹ khi các giáo viên trường công lập phải làm việc với mức lương rẻ mạt và phúc lợi kém. Số liệu của Bộ giáo dục cho thấy 3,2 triệu giáo viên các lớp từ mầm non cho tới cấp 3 tại Mỹ đang có thu nhập điều chỉnh theo lạm phát thấp hơn cả năm 1990 và là một trong những ngành tăng lượng chậm nhất nước.

Đây là cuộc sống nếu bạn trở thành một giáo viên tại Mỹ: Tôi làm 3 công việc và hiến máu để chi trả hóa đơn hàng ngày - Ảnh 1.

Bà Hope Brown với nghề giáo viên...

Đây là cuộc sống nếu bạn trở thành một giáo viên tại Mỹ: Tôi làm 3 công việc và hiến máu để chi trả hóa đơn hàng ngày - Ảnh 2.

...và với nghề tay trái soát cửa

Hệ quả là khoảng cách giữa mức lương giáo viên với các ngành nghề khác đang nới rộng ở mức kỷ lục. Số liệu của Viện chính sách kinh tế (EPI) cho thấy năm 1994 thu nhập bình quân hàng tuần của giáo viên tại Mỹ chỉ kém 1,8% so với công nhân bình thường nhưng con số này đã tăng lên 18,7% vào năm 2017.

Tồi tệ hơn, mức lương giáo viên của một số bang hiện nay còn giảm hơn trước. Tại Oklahoma, thu nhập của giáo viên đã điều chỉnh lạm phát thấp hơn 8.000 USD so với cách đây 10 năm, dừng ở mức 45.245 USD vào năm 2016. Tại Aiona, mức lương bình quân giáo viên đã điều chỉnh lạm phát thấp hơn 5.000 USD so với 10 năm trước.

Không riêng gì mức lương cho giáo viên, báo cáo của Trung tâm chính sách và ngân sách nhà nước (CBPP) cho thấy có đến 29 bang tại Mỹ chi tiêu ngày càng ít cho học sinh năm 2015. Nếu điều chỉnh theo lạm phát, mức ngân sách bình quân học sinh tại 29 bang này còn thấp hơn cả so với thời kỳ trước cuộc Đại suy thoái.

Chính nguyên nhân này đã khiến hàng loạt các ngôi trường công lâm vào tình trạng quá tải, xuống cấp, cơ sở vật chất không được bảo trì, chương trình học lỗi thời…

Đối với nhiều giáo viên, ngành giáo dục Mỹ đang lâm vào một cuộc khủng hoảng thầm lặng khi rất nhiều ngôi trường được đầu tư công nhưng lại được giới tư nhân quản lý, tạo nên sự méo mó trong hoạt động phân phối lợi ích. Việc các bang cắt giảm ngân sách cho giáo dục trong khi các trường nảy sinh hàng loạt những vấn đề bất cập khi để tư nhân quản lý đã đẩy quyền lợi của giáo viên vào ngõ cụt.

Năm 2011, bang Wisconsin quyết định giảm mức lương hưu của giáo viên, còn năm 2018, bang Colorado quyết định nâng tuổi nghỉ hưu giáo viên, nghĩa là họ nếu nghỉ việc sớm trước thời hạn sẽ không được nhận lương hưu.

Trớ trêu thay, sự biến động của thị trường lao động và nền kinh tế cũng như công nghệ đã khiến xã hội yêu cầu rất khác từ ngành giáo dục. Hàng loạt các tiêu chuẩn, định dạng kiếm tra chất lượng cho học sinh lẫn giáo viên được đưa ra và đổi mới. Yêu cầu của nhà trường cũng như doanh nghiệp ngày càng cao nhưng số tiền họ bỏ ra đầu tư cho con trẻ lại đi xuống.

Đây là cuộc sống nếu bạn trở thành một giáo viên tại Mỹ: Tôi làm 3 công việc và hiến máu để chi trả hóa đơn hàng ngày - Ảnh 3.

Nghề giáo cũng cần bằng cấp và đào tạo cực khổ như bao nghề khác

Sự phẫn nộ của những nhà giáo

Trước sự bất công của ngành giáo dục, các giáo viên tại Mỹ đã xuống đường biểu tình. Tháng 2/2018, hơn 20.000 giáo viên tại bang Tây Virginia đã xuống đường đòi tăng lương cũng như từ chối dạy học nếu chính quyền bang không đáp ứng được yêu cầu. Họ dựng trại gần tòa thị chính và phát đồ ăn trưa miễn phí cho những học sinh nghèo, những người dựa vào trợ cấp của chính phủ để có thể đến trường nhưng giờ đây đang bị các chính sách mới đẩy ra đường.

Sau 9 ngày biểu tình, những nhà hoạch định chính sách đã đồng ý tăng lương 5% và ngay sau đó 1 tuần, các giáo viên của bang Oklahoma cũng xuống đường để đòi tăng lương. Hàng loạt các bang Kentucky, Aiona cũng theo sát.

Dẫu vậy, rất nhiều bang và quan chức đã phản đối việc tăng lương cùng quyền lợi cho giáo viên. Họ cho rằng hệ thống giáo dục Mỹ đang phải nuôi lượng lớn giáo viên không đủ tiêu chuẩn để đào tạo ra những lao động đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường.

Trước thực trạng này, rất nhiều giáo viên đã đe dọa sẽ xuống đường biểu tình lần nữa vào cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tháng 11/2018 nhằm tạo áp lực cho các nhà hoạch định chính sách.

Những cuộc khảo sát gần đây cho thấy 60% số người được hỏi nhận định nghề giáo viên đang bị trả lương quá thấp.

"Chúng tôi cần phải chiến đấu đòi quyền lợi sâu rộng hơn nữa. Tất cả các giáo viên hiện nay đều đang bất bình", giáo viên Rosa Jimenez của Los Angeles nói.

Đây là cuộc sống nếu bạn trở thành một giáo viên tại Mỹ: Tôi làm 3 công việc và hiến máu để chi trả hóa đơn hàng ngày - Ảnh 4.

Giáo viên Rosa Jimenez

Bà Elaine Hutchison là giáo viên tiêu biểu của bang Oklahoma năm 2013 và được nhận mức lương hơn 45.000 USD/năm. Tuy nhiên mẹ của bà, cũng là một giáo viên khi bắt đầu nghề giáo năm 1970 thu được khoảng 7.000 USD/năm, nếu điều chỉnh theo mức lạm phát thì cũng tương đương mức lương bà Hutchison nhận được hiện nay sau khi đã công tác 25 năm.

Nghe có vẻ nực cười nhưng nghề giáo tại Mỹ thường không được coi trọng như những ngành trí thức khác như luật sư, bác sĩ, biên tập viên… Từ những năm 1647, bang Massachusetts của Mỹ đã khó tìm giáo viên bởi hầu như chẳng ai muốn làm nghề tốn nơ ron thần kinh mà không được trả công xứng đáng. Đến thập niên 1800, bang California cũng gặp vấn đề tương tự.

Phân biệt giới tính

Theo giáo sư ngành sư phạm, bà Susan Moore Johnson của trường đại học Havard, yếu tố phân biệt giới tính ảnh hưởng khá sâu đến ngành giáo dục hiện nay. Phần lớn các giáo viên hiện nay là nữ giới và họ bị trả lương không xứng đáng so với những ngành khác.

Thêm vào đó, rất nhiều giáo viên khó tìm được công việc khác nếu từ bỏ nghề giáo, nhất là những phụ nữ đã gắn bó quá nhiều năm với nghề.

Một yếu tố nữa khiến nghề giáo bị coi thường tại Mỹ là khả năng xoay sở khi thiếu nhân lực. Ví dụ như nghề y tá với nữ giới chiếm chủ đạo, số liệu của Bộ thống kê lao động (BLS) cho thấy họ kiếm được tới 73.550 USD/năm vào năm 2017. Nguyên nhân chính là việc thiếu y tá khiến chính phủ tăng lương và phúc lợi cho nghề này. Trong khi đó nếu thiếu giáo viên, trường sẽ mở rộng các lớp học và yêu cầu giáo viên chịu trách nhiệm nhiều học sinh hơn mà chẳng thèm nâng lương cho họ.

Số liệu của Trung tâm thống kê giáo dục quốc gia (NCES) cho thấy mức lương bình quân của những giáo viên trung học công lập vào khoảng 58.950 USD/năm, thấp hơn nhiều so với nhiều ngành đòi hỏi bằng cấp tương tự. Thậm chí nghiên cứu năm 2016 cho thấy mức lương khởi điểm của các giáo viên mới vào khoảng 38.617 USD/năm, thấp hơn 20% so với những ngành nghề đòi hỏi bằng cấp tương đương.

Trên thực tế, ngành giáo dục đã bị cắt giảm ngân sách từ sau cuộc khủng hoảng 2008 nhằm tiết kiệm ngân sách nhưng chúng chưa hề được phục hồi lại 10 năm qua. Hệ quả là ngày một ít người muốn theo nghề giáo.

Từ đầu năm đến nay, bang Oklahoma đã phải trao chứng chỉ sư phạm tạm thời cho hàng loạt giáo viên chưa qua đào tạo bài bản nhằm đáp ứng lượng lớn thiếu hụt về nhân lực. Tại Arizona, các ngôi trường đang phải tìm kiếm giáo viên từ nước ngoài, những lao động chấp nhận mức lương thấp để đáp ứng nhu cầu.

Báo cáo của chính phủ cho thấy các trường công lập Mỹ đã thuê 2,800 giáo viên nước ngoài năm 2017, tăng mạnh so với 1.500 năm 2012.

Trái ngược lại, số liệu của Hiệp hội giáo viên công lập Mỹ (AACTE) cho thấy lượng giáo viên hoàn thành chứng chỉ dạy học chuyên sâu trong khoảng 2009-2016 đã giảm 23%. Một báo cáo năm 2015 thì cho thấy ít nhất 17% số giáo viên tại Mỹ bỏ nghề trong 5 năm đầu tiên đi làm.

Đây là cuộc sống nếu bạn trở thành một giáo viên tại Mỹ: Tôi làm 3 công việc và hiến máu để chi trả hóa đơn hàng ngày - Ảnh 5.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một lớp học bang Ohio

AB

Cùng chuyên mục
XEM