Đây là câu trả lời của Chủ tịch FPT khi được hỏi "Để trở thành Trương Gia Bình thứ hai, tôi phải làm gì?"

10/12/2016 09:57 AM | Kinh doanh

“Bạn tự hỏi mình đi. Cái gì đi phải lâu dài. Như hồi bé, mê bóng đá, bóng bàn, mê đủ thứ nhưng không thể đi cùng với ta suốt cuộc đời. Vậy cái gì là quan trọng”, ông Bình đáp lại.

Đó là chia sẻ của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình tại sự kiện do group Quản trị và Khởi nghiệp tổ chức ngày 4/12 khi một người trong khán phòng hỏi: Để trở thành Trương Gia Bình thứ hai, tôi phải làm gì?

“Cuộc đời có 2 điều: Một là khát vọng thoát ra khỏi nghèo hèn. Ngày xưa đi học bị người ta khinh bỉ, mình tức tối, giờ vẫn chưa tan... Thứ hai, không phải chỉ học trong sách vở mà học tất cả. Học ở đây là học hỏi. Học để thực hiện ước mơ, để người Việt nở mày nở mặt với thế giới”, doanh nhân họ Trương chia sẻ thêm.

Nói thêm về văn hóa học tại FPT, Chủ tịch tập đoàn cho biết FPT đã trở thành tổ chức học tập. “Ông không học thì ông bị trừ lương vì không đạt các chỉ số. Ai cũng phải học. Tôi cũng phải tự học. Học rồi tôi dạy. Mỗi một giờ dạy bằng 3 giờ tự học”, ông Bình nói thêm.

Ông nhắc đến Đại học FPT và khẳng định rằng trong trường có ngàn người có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh nhưng mỗi người hàng năm đều phải học đủ thứ trên đời.

“Vì sao phải học. Singapore có giàu có hơn mình. Một trong lý do là họ tổ chức học tập”, ông nói.

Theo ông Bình, nếu nói về học thì không so sánh học nhanh hay chậm. Mỗi người học theo cách riêng, chẳng biết người nào nhanh, người nào chậm. Mọi người cứ nghĩ là nhanh chậm thôi.

Lãnh đạo FPT lấy dẫn chứng rằng ​Albert Einstein không thi được vào đại học, không nói được câu nào khi 7 tuổi. Do đó, không nên so ai học giỏi, ai học nhanh, cứ học là được. Học liên quan đến hỏi.

"Mọi người đến với nhau và hỏi nhau: Vấn đề này, ông nghĩ thế nào. Thì học hỏi là chính. Phương pháp học tâm đắc nhất là kiến tạo. Thực ra là phương pháp của Israel, phương pháp đứng đầu về nghệ thuật, khoa học... đều là dân tộc Do Thái. Phương pháp ai học cũng được", ông Bình nói về việc học.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM