Đây là căn bệnh phổ biến nhất, bề ngoài tưởng chừng vô hại nhưng là nguồn gốc của mọi rắc rối trong bất kỳ công ty nào

15/03/2019 09:11 AM | Kinh doanh

Bệnh này nguy hiểm ở chỗ chính nó là nguồn gốc gây ra nhiều thứ bệnh khác nếu lãnh đạo không cảnh giác. Trước hết là hệ thống truyền thông "vỉa hè" sẽ phổ biến, các tin tức sẽ chạy rầm rộ trong công ty. Thế rồi, theo thế cuộc, sẽ sinh ra bệnh "bè phái", rồi cả bệnh "sex trong doanh nghiệp".

Trong cuốn sách Một đời quản trị, giáo sư Phan Văn Trường nhắc đến hiện tượng Thiếu động lực là căn bệnh đầu tiên của doanh nghiêp. Theo ông, bệnh này nhẹ hay nặng tùy theo gốc của bệnh. Bệnh rất phổ biến, không có công ty hay nhóm làm việc nào tránh khỏi, có lúc nhất thời, có lúc thường trực. Bệnh có rất nhiều nguyên do khác nhau. 

Có thể liên quan đến sếp, thiếu tầm, kém khả năng, tính tình độc đoán, quan liêu, tự cao tự đại, cầm giữ thông tin không truyền thông và chia rẽ để cai trị. Loại sếp này thường nhận người dốt hơn mình để xây dựng hệ thống tự bảo vệ, và chính những kẻ mới này sẽ làm cho động lực của đội, nhóm xuống cấp. Trường hợp này cần có sự can thiệp mạnh, thậm chí có thể là một cuộc giải phẫu.

Bệnh thiếu động lực cũng có thể liên quan đến một cá nhân nào đó, đang có những vấn đề gia đình hoặc sức khỏe... Trường hợp này quá đơn giản, công ty phải lắng nghe người này giãi bày để hiểu thực chất của sự mất động lực, tạm thời hay kéo dài, rồi lấy quyết định điều chỉnh. Ít khi cần giải phẫu trong trường hợp này, mà đôi khi chỉ cần một sự cảm thông.

Bệnh có thể do một sự bất công gây ra. Trong trường hợp này, nếu sự bất công quá lộ liễu thì phải điều chỉnh. Nhưng nếu chỉ bất công nhẹ thì công ty nên lấy thái độ khẳng định không có chuyện bất công, rồi xem sự tình ra sao. Phải cho nhân viên hiểu rõ rằng sếp nào cũng có thể có những ý kiến chủ quan - những ý kiến này không nhất thiết cố tình để ưu đãi hoặc phạt một nhân viên, mà chỉ là một sự đánh giá dưới một góc cạnh riêng. Cái bẫy cho các sếp là cứ khăng khăng tự bào chữa là mình công bằng, một thái độ yếu kém! Đây là lỗi quản trị thông thường.

Sự thiếu động lực có thể do nhân viên thiếu chí hướng hoặc thiếu công cụ làm việc, hoặc không được đoái hoài tới, hoặc không nhận được chỉ thị và hướng dẫn rõ ràng từ sếp. Đây là trường hợp khó xử, vì nếu trong một đội có nhiều người cùng thiếu động lực, có nghĩa là chính ông "Sếp con" thiếu khả năng rồi đấy. Sếp lớn có bổn phận hỏi kỹ lý do trước khi quyết định thuyên chuyển nhân sự, kể cả chuyển ông "sếp con" nếu không điều chỉnh được tình hình.

Đây là căn bệnh phổ biến nhất, bề ngoài tưởng chừng vô hại nhưng là nguồn gốc của mọi rắc rối trong bất kỳ công ty nào - Ảnh 1.

Thiếu động lực cũng có thể xảy ra khi nhóm làm việc đông quá. Trường hợp này rất phổ biến. Qua thời gian, nhân sự bao giờ cũng dần dần được tăng cường. Những nhân viên hết việc ít khi nào thú nhận mình đang ngồi không. Khi đội quá đông thì không còn ai trong đội biết rõ phận sự của mình. Ba, bốn người cùng làm một việc, rồi không người nào làm việc cho đâu ra đấy. 

Cái nguy trong tình huống này là ít khi nào lãnh đạo lại công nhận sự thừa thãi nhân sự: do sĩ diện, họ thường khoe có đông nhân viên. Ở vị trí của mình, họ không biết và cũng không muốn biết là "chỉ thừa vài nhân viên thì đã tổn hại gì tới công ty?". Thực ra, hiện tượng này thường xảy ra ở tất cả các đội - nhóm, do đó sự thừa thãi nhân sự có khả năng lên tới mấy chục đơn vị chứ không chỉ một số ít. 

Thử tưởng tượng, nếu không có những người thừa, biết đâu có thể dành số lương của họ để tăng thêm cho nhân viên nhiệt tình. Vòng xoáy đạo đức hay vô đạo đức đến đây là một sự lựa chọn. 

Riêng giáo sư Phan Văn Trường luôn luôn chọn hướng cấu trúc đội thiếu nhân viên, và đây cũng là lời khuyên của ông. Đối với giáo sư, những nhân viên thật bận việc luôn luôn thỏa mãn với công việc, vì đơn giản chẳng có ai trong đội tranh việc của ai. Và ông cũng tin rằng nhân viên được công nhận sẽ có năng lượng bằng hai, ba người. Họ ôm đồm thêm một tí vì đội nhóm thiếu người sẽ hơn tình trạng đội quá đông người mà thiếu động lực làm việc. 

Bệnh thiếu động lực phải được coi là trầm trọng khi số đông nhân viên ở trong tình trạng làm việc cho xong, hay than thở với đồng nghiệp, trách cứ sếp, tránh việc khó thậm chí cả việc dễ, chỉ bám lấy chuyện thường nhật để gọi là cho có việc, hết sức tránh tương tác với đồng nghiệp, việc nào cũng làm chậm nhất có thể, rồi đến khi ngay cả sếp trực tiếp của họ cũng bị lây triệu chứng thì chuyện đã trầm trọng lắm.

Bệnh thiếu động lực lại nguy hiểm ở chỗ chính nó là nguồn gốc gây ra nhiều thứ bệnh khác nếu lãnh đạo không cảnh giác. Trước hết là hệ thống truyền thông "vỉa hè" sẽ phổ biến, các tin tức sẽ chạy rầm rộ trong công ty. Thế rồi, theo thế cuộc, sẽ sinh ra bệnh "bè phái", rồi cả bệnh "sex trong doanh nghiệp". 

Nguy hiểm hơn nữa là tình trạng báo cáo ai, làm không xong việc, sự đòi thêm nhân viên để nuôi dưỡng một hiện tượng mới là bè phái. Có nghĩa bệnh thiếu động lực tuy rất "hiền" lúc đầu nhưng sẽ làm cho công ty thoái hóa và từ trạng thái đạo đức "dương" dần dần chuyển sang "âm".

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM