Đây là cái giá phải trả nếu các nước đang phát triển muốn trở nên giàu có

12/12/2017 11:00 AM | Kinh tế vĩ mô

Phần lớn quá trình đô thị hóa trong tương lai trên thế giới sẽ diễn ra ở các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Á và châu Phi. Khi một người ở nông thôn di chuyển ra các khu vực thành thị, việc tiếp xúc dễ dàng với các loại đồ ăn chế biến đã khiến họ bị cuốn vào những chế độ ăn không lành mạnh.

Phát triển con người là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của thời đại ngày nay. Tuy nhiên sự thịnh vượng lại dẫn đến một cuộc khủng hoảng không ngờ: Hai tỷ người bị quá cân hoặc béo phì. Các nước phát triển rất dễ bị vướng vào cuộc khủng hoảng này và xu hướng này được coi là cái giá phải trả cho sự giàu có thừa mứa vật chất. Tuy nhiên, các nước đang phát triển hiện nay cũng ở vào tình trạng tương tự.

Tỷ lệ béo phì đã khá ổn định ở các nước có thu nhập cao nhưng lại tăng nhanh ở các nước khác. Theo các nghiên cứu tổng hợp của UNICEF, Tổ chức y tế thế giới và World Bank thì năm 2016 châu Á chiếm tới hơn một nửa số trẻ em quá cân trên toàn thế giới, và 1/4 thuộc về châu Phi.

Người dân thành thị ở các nước đang phát triển rất dễ trở nên béo phì, đặc biệt là trong quá trình đô thị hóa, toàn cầu hóa và công nghiệp hóa ngành thực phẩm. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia của Ấn Độ, hơn 25% nam giới và gần một nửa phụ nữ sống ở thành thị bị quá cân.

Lối sống thành thị

Người thành thị có rất nhiều lựa chọn về ăn uống, từ vô vàn các loại thực phẩm chế biến trong siêu thị cho đến các quán ăn vỉa hè. Ngoài ra, các chuỗi đồ ăn nhanh quốc tế cũng hết sức phổ biến ở các nước đang phát triển. Điều này khiến thói quen ăn uống dần rời xa các loại thực phẩm truyền thống lành mạnh và gần hơn với các loại đồ nướng, rán cùng đồ uống chứa nhiều đường.

Nguy cơ về sức khỏe từ chế độ ăn đó còn được củng cố bởi lối sinh hoạt ít vận động của người dân thành thị. Khảo sát gần đây nhất cho thấy các thị dân làm việc trung bình 8 giờ/ngày. Hầu hết đều là các công việc văn phòng và chỉ có 1/4 số đó có tập thể dục.

Đây là cái giá phải trả nếu các nước đang phát triển muốn trở nên giàu có - Ảnh 1.

Thời gian nghỉ ngơi của họ cũng gồm nhiều hình thức thụ động như xem TV, phim ảnh và chơi điện tử. Và xu hướng đáng báo động này khiến cho người dân ở các nước đang phát triển nhanh chóng trở nên yếu ớt bệnh tật trước khi giàu có. Và hiện trạng này, đến lượt mình, lại làm suy yếu các hệ thống y tế.

Chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm ở Đông Nam Á cho các bệnh liên quan đến béo phì như tiểu đường và bệnh tim mạch đã đạt mức 10 tỷ USD. Theo dự đoán, bệnh béo phì ở trẻ em tại Trung Quốc có thể tiêu tốn đến 724 tỷ USD vào năm 2030. Những căn bệnh này đè nặng lên các nước vốn đang phải vật lộn để đáp ứng các nhu cầu y tế cơ bản.

Các chính sách liên quan đến thuế, thiết kế đô thị, giáo dục cùng nâng cao ý thức và quảng bá ẩm thực địa phương có thể giúp kiểm soát bệnh béo phì với chi phí thấp hơn nhiều so với chi phí chữa trị cho một nền dân số đang già hóa và ngày càng tăng cân nhanh.

Các biện pháp can thiệp trực tiếp

Một số nước đã thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát bệnh béo phì, như đánh thuế các loại đồ ăn và đồ uống không có lợi cho sức khỏe. Hoa Kỳ đi tiên phong trong việc đánh thuế nước soda. Thái Lan, Brunei và Singapore đều có các biện pháp tương tự. Nam Phi chắc chắn sẽ đánh thuế các loại đồ uống có đường bắt đầu từ tháng 4/2018.

Các biện pháp hạn chế không chỉ dừng lại ở đánh thuế. Vương quốc Anh cấm quảng cáo các loại thực phẩm có hàm lượng mỡ, muối à đường cao đối với trẻ em dưới 16 tuổi.

Bên cạnh đó, thiết kế đô thị cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lại lối sống và sức khỏe cộng đồng. Cải thiện sức hấp dẫn của các không gian công cộng, những nơi để người dân đi dạo và chất lượng của các con đường dành cho xe đạp có thể kéo người dân ra khỏi xe hơi và phòng ngủ của mình.

Đây là cái giá phải trả nếu các nước đang phát triển muốn trở nên giàu có - Ảnh 2.

Và cuối cùng, lối sống lành mạnh bắt đầu từ những dãy hàng rau quả. Chính phủ cần khuyến khích quan hệ chặt chẽ hơn giữa các hệ thống sản xuất nông nghiệp, chủ cửa hàng và người bán hàng. Quan hệ với nông dân ở những khu vực lân cận thành phố, bên cạnh việc đẩy mạnh các hệ thống vườn đô thị là những biện pháp phổ biến được Hoa Kỳ áp dụng.

Kết hợp kiểm soát thực phẩm không tốt cho sức khỏe với các chính sách khuyến khích ăn uống và lối sống lành mạnh sẽ tạo ra một phản ứng đầy hứa hẹn để ngăn chặn tốc độ béo phì trong toàn dân. Tăng cường y tế công cộng là một chính sách quan trọng với các nước đang phát triển cả về quan điểm kinh tế lẫn xã hội. Và từ đó, có thể nói giải quyết vấn nạn béo phì là một đòi hỏi cấp thiết mang tính toàn cầu để đẩy đi hòn đá tảng đang kìm hãm sự phát triển của toàn xã hội.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM