Davos 2019: Nơi hội tụ của 3.000 người giàu có và quyền lực nhất hành tinh

21/01/2019 09:48 AM | Xã hội

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng nhiều lãnh đạo chủ chốt trên thế giới đã hủy chuyến đi tới Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos để đối phó với những rắc rối trong nước. Mặc dù thiếu vắng những nhân vật lớn nhưng WEF vẫn phải diễn ra theo lịch trình.

Theo nhiều ước tính, khoảng 3.000 người giàu có và quyền lực nhất thế giới sẽ đổ về hội nghị WEF lần này tại Davos-Thụy Sĩ. Năm 2018, Tổng thống Trump là ngôi sao lớn của hội nghị WEF thì năm nay đã hủy chuyến đi vào phút cuối nhưng vẫn chúc hội nghị diễn ra thành công.

"Tôi lấy làm tiếc khi phải hủy chuyến đi quan trọng tới Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos-Thụy Sĩ. Xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến WEF và lấy làm tiếc vì điều này", Tổng thống Trump viết trên Twitter.

Diễn đàn WEF là một cơ hội lớn để những CEO, thống đốc, chuyên gia tài chính, những người giàu có và quyền lực hội tụ và đàm phán với nhau. Giới truyền thông cũng đổ về đây để hỏi về các vấn đề liên quan đến kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn cầu.

Dẫu vậy, việc Tổng thống Trump quyết định ở lại Mỹ để giải quyết các vấn đề trong nước cho thấy thế giới hiện nay đang tràn đầy những thách thức. Tương tự, Thủ tướng Anh Theresa May cũng hủy chuyến đi tới Davos sau khi bản kế hoạch Brexit không được Nghị viện thông qua. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì đang vất vả giải quyết tình trạng biểu tình của người áo vàng suốt nhiều tuần qua.

Thậm chí Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không cho thấy dấu hiệu sẽ tham dự hội nghị lần này khi nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đang bận vận động cho cuộc bầu cử lần 2 nên sẽ không thể tới.

Như một hệ quả tất yếu, ngôi sao sáng của diễn đàn WEF năm nay sẽ thuộc về những nhà lãnh đạo chủ chốt còn lại. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hay Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hoặc Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ là những người được chú ý nhiều nhất năm nay.

Davos 2019: Nơi hội tụ của 3.000 người giàu có và quyền lực nhất hành tinh - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Những chủ đề được tranh luận năm nay sẽ khá đa dạng, từ vấn đề thay đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế giảm tốc hay sự mất hiệu quả của các ngân hàng trung ương nếu khủng hoảng diễn ra.

Hầu như mọi năm WEF đều có chủ đề chính và năm nay "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4" là vấn đề được chọn.

Những người tham gia diễn đàn có thể lựa chọn những nội dung thảo luận khác nhau để tham dự, ví dụ như "Đối phó cuộc khủng hoảng rác thải toàn cầu", "Thúc đẩy công nghệ thông tin trên thế giới", hay "Toàn cầu hóa: Thất bại hay tái cơ cấu?".

Năm nay, các chuyên gia dự đoán vấn đề về thay đổi khí hậu sẽ thu hút được sự quan tâm của khá nhiều diễn giả. Ngoài ra sự thay đổi về công nghệ cũng như trào lưu chủ nghĩa dân tộc cũng sẽ khiến giới truyền thông quan tâm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những buổi thảo luận này chỉ mang tính diễn thuyết, trong khi những cuộc đàm phán có thể thay đổi tình hình thực sự lại thường diễn ra trong các căn phòng kín sau những bữa ăn tối của các nhân vật quyền lực.

Một thông tin thú vị nữa là để tham gia những buổi hội nghị như WEF không hề rẻ chút nào. Các công ty phải tiêu tốn bình quân 60.000 USD để mua thẻ thành viên để có thể tham dự WEF năm 2017. Thậm chí thẻ thành viên chỉ là giấy thông hành để mọi người đủ tư cách tham dự WEF và họ vẫn phải mua vé để vào ngồi tại các buổi hội thảo.

AB

Cùng chuyên mục
XEM