Đầu tư điện ảnh nhìn từ góc độ phổ biến phim Việt

10/09/2016 08:30 AM | Kinh doanh

Câu chuyện "ồn ào" từ sự kiện CGV không nhận chiếu Tấm Cám - Chuyện chưa kể trong hệ thống rạp của họ chắc chắn sẽ còn "nóng" khi tuần qua, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam đã ra thông cáo khẳng định có việc "chèn ép" tồn tại trong phổ biến phim Việt bấy lâu...

Thị trường phổ biến phim Việt

Tính đến tháng 8/2016, CJ CGV Việt Nam (Hàn Quốc) đang vận hành 35 cụm rạp (chiếm 40% thị trường), Lotte Cinema (Hàn Quốc) với 26 cụm rạp, Platinium Cineplex (liên doanh nước ngoài) sở hữu 5 cụm rạp. Còn các công ty Việt Nam thì Galaxy có 7 cụm rạp, BHD có 6 cụm rạp, Golden Media có 1 cụm rạp Mega GS; ngoài ra còn các cụm rạp của Cinebox, Sài Gòn Media, Cinestar, Trung tâm Chiếu phim quốc gia và hàng chục rạp chiếu ở các tỉnh, thành khác do Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng địa phương quản lý.

Bên cạnh nhập khẩu phim nước ngoài, số lượng phim Việt mới được sản xuất đang tăng, dự kiến là khoảng 60 bộ phim trong năm 2016. Tuy nhiên, việc phát hành và phổ biến phim Việt chỉ tập trung vào các đơn vị CGV, Galaxy, BHD, Lotte Cinema, Sài Gòn Media và Mega GS Distribution, họ nắm trong tay hệ thống rạp theo Luật Điện ảnh quy định: "Các doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu để tham gia phổ biến phim".

Ở Mỹ, có sự tách bạch giữa sản xuất, phát hành và phổ biến (rạp chiếu) để tránh việc độc quyền hay lũng đoạn. Còn tại Việt Nam, với quy định trên, các đơn vị kia đều có cả ba chức năng: sản xuất, phát hành và phổ biến phim. Trong khi đó, hiện ước tính Việt Nam có cả trăm công ty sản xuất phim, và số lượng công ty mới thành lập vẫn tăng không ngừng. Do vậy, những đơn vị phát hành hay sản xuất không sở hữu rạp sẽ gặp khó khăn trong việc tìm "đầu ra" cho phim.

Để đưa phim vào các rạp, đơn vị phát hành và nhà sản xuất thường phải chia thêm phần trăm doanh thu hoặc mời đơn vị có rạp hùn hạp đầu tư, xem như một hình thức đồng sản xuất và phát hành. Nhìn chung, hiện có quá nhiều phim "ra lò", quá nhiều nhà sản xuất nhưng lại ít nhà phát hành và phổ biến có tỷ lệ phòng chiếu cao.

Nhà sản xuất chịu thiệt

Trong thông cáo ngày 30/8, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam khẳng định, CGV là đơn vị có tỷ lệ phòng chiếu lớn trên thị trường, ép các doanh nghiệp trong Hiệp hội về tỷ lệ ăn chia trong thời gian gần đây là vấn đề có thực.

Cụ thể, từ năm 2008, hầu như tất cả các rạp chuẩn (Lotte, CGV, Galaxy, BHD, Platinum...) đều có mức tỷ lệ ăn chia bằng nhau. Năm 2015, tỷ lệ cũ vẫn được các doanh nghiệp khác áp dụng thì tỷ lệ ăn chia cho phim Việt của các nhà sản xuất hay nhà phát hành khác tại hệ thống rạp CGV bị giảm xuống, bình quân khoảng từ 15 - gần 25%, trong khi tỷ lệ cũ vẫn được CGV đòi áp dụng cho phim của họ tại các hệ thống rạp khác.

Tấm Cám - Chuyện chưa kể chỉ là giọt nước tràn ly, khi trước đó một số phim Việt đã không được chiếu ở rạp của CGV do tỷ lệ ăn chia dành cho nhà sản xuất quá thấp.

Giao lưu với đoàn phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể Chuyện "cơm không lành, canh không ngọt" giữa nhà phát hành và phổ biến suy cho cùng chỉ có nhà sản xuất thiệt hại. Trong khi nhà sản xuất chịu toàn bộ chi phí sản xuất, quảng bá, phát hành cho bộ phim cũng như rủi ro rất cao mà chỉ được nhận phần chia sẻ doanh thu từ bán vé, thì chủ rạp ngoài doanh thu từ bán vé còn có các doanh thu khác từ quảng cáo và dịch vụ đi kèm...

Dù trên thực tế, mức độ thành công của một bộ phim là yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn của khán giả và quyết định tăng hay giảm suất chiếu của rạp (nếu không bán được nhiều vé thì rạp phải ưu tiên suất chiếu cho phim khác, không có ngoại lệ), nhưng nếu tỷ lệ cho nhà sản xuất quá thấp sẽ đẩy họ vào hoàn cảnh rất khó khăn trong việc hòa vốn, hay có lãi để tái đầu tư các dự án mới.

Bà Vũ Thị Bích Liên - Giám đốc Công ty Sóng Vàng chia sẻ: "Là nhà sản xuất, chúng tôi chỉ mong có được tỷ lệ ăn chia doanh thu sao cho hợp lý và công bằng".

Cốt lõi là chất lượng

Trên các diễn đàn bình luận xoay quanh Tấm Cám - Chuyện chưa kể, nhiều ý kiến thẳng thắn chỉ ra rằng, nếu phim Việt làm hay, chất lượng tốt thì tự nhiên sẽ có khán giả đông, các chủ rạp như CGV sẽ phải hạ thấp tỷ lệ ăn chia để lấy phim về chiếu.

Vì sản xuất phim và đầu tư xây rạp đều mong có lợi nhuận, còn khán giả thì luôn mong được xem những bộ phim đáng đồng tiền bỏ ra mua vé. Với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam sẽ là thị trường rất giàu tiềm năng cho phim Việt.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bày tỏ: "Trước "làn sóng" quá mạnh của phim Hollywood thì Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu luôn ý thức bảo hộ doanh nghiệp nội địa bằng nhiều cách, nhưng không ép cho Mỹ bỏ đi. Họ luôn tìm cách cho các doanh nghiệp nội địa phát triển đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh để cán cân phân phối cân bằng, hoặc nội địa có thể nhỉnh hơn. Và chỉ khi hàng nội địa cố gắng làm tốt để có nhiều người tiêu dùng thì nhà nước mới có thể bảo hộ”.

Được biết, Trung Quốc từng có chính sách bảo hộ cho điện ảnh nội địa cực kỳ nghiêm ngặt, mỗi năm chỉ cho nhập 20 phim "bom tấn" của Hollywood. Sự "bùng nổ” của điện ảnh Hàn Quốc hiện nay có sự bảo hộ về ngày chiếu từ chính phủ. Năm 2006, khi hạn mức ngày chiếu dành cho phim nội giảm xuống còn 76 ngày/năm, giới điện ảnh Hàn Quốc đã biểu tình rầm rộ, yêu cầu chính phủ tiếp tục bảo hộ phim trong nước.

Đến thời điểm này, Việt Nam chưa có chính sách bảo hộ cho điện ảnh nội địa, dù đã gia nhập WTO. Khẳng định không có tư tưởng bài ngoại, chủ động, tích cực trong hội nhập và phát triển toàn cầu, ông Nguyễn Văn Nhiêm - Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam chia sẻ: "Các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam nhất định sẽ lớn lên bằng khả năng, sự nỗ lực của chính mình. Mong muốn của các thành viên trong Hiệp hội là được hoạt động điện ảnh trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng và tuân thủ pháp luật".

Theo PHÚC NHƯ THỦY

Cùng chuyên mục
XEM