Đâu phải đi cứu thế giới mới làm giàu được, sao các bạn khởi nghiệp không làm máy vẩy rau sống bán cho toàn dân Việt Nam?

07/11/2016 09:15 AM | Công nghệ

Bởi nếu chiếc máy vẩy rau sống đủ rẻ, chỉ cần bán cho toàn dân Việt Nam, các bạn trẻ cũng quá đủ sống rồi!

Nhà sáng lập trang công nghệ TechCrunch từng chia sẻ rằng: "Những dự án khởi nghiệp tốt nhất thường tới từ những người thấy cần gãi một chỗ ngứa".

Câu nói tưởng chừng như rất đơn giản này thực tế lại hàm chứa những ý nghĩa làm đau đầu những người mong muốn khởi nghiệp: "Chỗ ngứa" mà họ đang tìm kiếm đang ở đâu, làm sao để "gãi" đúng vào chỗ khả thi và có triển vọng?

Vừa qua, sự kiện "Ngày hội Sáng chế trẻ 2016" đã chính thức diễn ra tại Hà Nội, với sự tham gia của gần 300 bạn trẻ đam mê sáng chế, khởi nghiệp.

Đến với sự kiện này, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT cũng là một trong những diễn giả truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam. Hai trong số những vấn đề được ông Bình tập trung nhấn mạnh đó là: công nghệ máy học, và nghĩ lớn, làm lớn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Toản - giảng viên của trường chuyên KHTN, Hội đồng chuyên môn Trung Tâm thí nghiệm vật lý Edison lại cho rằng, nghĩ lớn như ông Trương Gia Bình cũng tốt, nhưng bắt đầu từ những sáng chế nhỏ, hiệu quả vẫn tốt hơn.

Ông Toản thẳng thắn nhìn nhận những cụm từ như "nghiên cứu", "sáng chế" hay "khởi nghiệp" đôi khi làm các bạn trẻ dễ hình dung và liên tưởng đến những công việc lớn lao và xa xôi quá mức.

Đi vào chi tiết, ông Toản chia sẻ quan điểm của mình: "Hãy đừng vội tiến đến những điều gì đó thật mới, cao siêu và xa lạ. Thay vào đó, hãy bắt đầu bằng những điều đơn giản, cải tiến những thứ ngay trong gia đình bạn sao cho thật tiện lợi và thật tốt hơn".

Từ những bước đầu tiên này, người khởi nghiệp, các nhà sáng chế, các bạn còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ thu lượm được kiến thức, kinh nghiệm và kĩ năng cần thiết.

Kết hợp với việc tìm tòi, học hỏi thêm từ các kiến thức trên thế giới, dần dần các bạn trẻ Việt Nam sẽ chinh phục được những cột mốc cao hơn, những ý tưởng đột phá và có tầm ảnh hưởng lớn hơn.

Theo ông Toản, cách tiếp cận khởi nghiệp, sáng chế theo hướng trên không chỉ gần gũi với khả năng của người trẻ, mà còn giúp giải quyết được vấn đề về rất quan trọng là kinh phí.

Bởi với những dự án như vậy, khoản đầu tư cần bỏ ra là không lớn, các bạn trẻ hoàn toàn có thể thuyết phục bố mẹ mình như những nhà đầu tư mạo hiểm.

"Cuộc đời của chúng ta đôi khi chỉ cần duy nhất một cái mới thôi cũng đủ để các em thành công, kiếm được nhiều tiền để làm bàn đạp cho những bước tiến tiếp theo", ông Toản nói.

Ông Toản nêu ví dụ, các bạn trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể khởi nghiệp, sáng chế: một chiếc máy vẩy rau sống, từ chính các kiến thức thu lượm được trên ghế nhà trường.

Nếu như trước đây, người ta vẫn phải dùng những chiếc rổ đơn giản, vẩy rau sống bằng tay, tỉ lệ rơi cao, có thể không sạch hết, và yêu cầu phải có kĩ năng, thì chiếc máy trên có thể giải quyết được công việc mà chúng ta phải làm hàng ngày này.

"Nếu máy này có giá đủ rẻ, thì số tiền các bạn bán cho toàn dân Việt Nam cũng quá nhiều rồi", ông Toản nhận định.

Kết thúc phần chia sẻ của mình, ông Toản thẳng thắn nhận định, việc chạy đua theo thế giới đến những vấn đề cao siêu là rất khó khăn. Hãy bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ như máy vẩy rau sống ở trên là một ví dụ.

Đây chính là "mảnh đất" để giới khởi nghiệp, các bạn trẻ Việt Nam tiến bộ và giàu có. "Cách khả thi nhất để "đuổi kịp" thế giới là bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ, từ những ý tưởng nhỏ này sẽ nuôi dưỡng kiến thức, kĩ năng để bạn tiến xa hơn", ông Toản chốt lại vấn đề.

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM