Đầu năm đi chùa cầu duyên, cần chuẩn bị những gì?

06/02/2022 06:51 AM | Sống

Đối với những bạn trẻ độc thân, năm mới tới chùa, họ không chỉ cầu bình an, sức khỏe mà còn cầu tình duyên, hạnh phúc cá nhân.

NHỮNG NGÔI CHÙA CẦU DUYÊN TẠI HÀ NỘI

1. Chùa Hà

Có lẽ đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất trong các ngôi chùa "cầu duyên" trong cả nước. Ở đây, hầu như ngày nào cũng có nhiều người đến cầu tình cảm, cầu tài lộc. Vào những ngày rằm, ngày lễ tết còn đông đúc hơn nữa.

Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, cùng với đình Bối Hà, lập thành cụm di tích đình – chùa Hà nằm trên mảnh đất, trước kia thuộc làng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, nay thuộc phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Không biết từ bao giờ mà người ta thường rỉ tai nhau về một địa điểm mà ai cũng cho rằng là nơi cầu duyên linh thiêng bậc nhất Hà Nội nói chung và Việt Nam nói riêng. Đa phần những người đến đây cầu khấn đều có độ tuổi còn trẻ. Người đang yêu mong tình yêu đẹp mãi, hạnh phúc mãi; kẻ cô đơn mong sớm tìm được một nửa còn lại. Còn người già đến để cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình.

Đã có nhiều người sau khi đến chùa Hà "cầu duyên" đã thành công. Chính vì thế ngôi chùa này nổi tiếng với câu: "Khi đi lẻ bóng, khi về có đôi".

2. Phủ Tây Hồ

Phủ Tây Hồ nằm trên bán đảo lớn giữa Hồ Tây; nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, Việt Nam. Phủ Tây Hồ thờ một trong "tứ bất tử" trong tín ngưỡng thờ cúng của Việt Nam - Liễu Hạnh Công chúa, một nhân vật trong truyền thuyết, một người phụ nữ tài hoa giỏi cầm ca, thơ phú và đức độ.

Theo truyền thuyết, Phủ Tây Hồ được dựng lên do trạng nguyên Phùng Khắc Khoan lập nên để tưởng nhớ về người tri âm. Vì vậy, ngày nay, nhiều người đi Phủ Tây Hồ không chỉ để cầu tài lộc mà còn để cầu duyên.

Phủ Tây Hồ được coi là một trong những chốn linh thiêng nhất trong hệ thống đình chùa của Hà Nội. Phủ Tây Hồ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích Lịch sử Văn hóa ngày 13 tháng 2 năm 1996. Ngoài ra, tại sân phủ có một cây si cổ thụ cũng đã được công nhận là "cây di sản Việt Nam", và ở kề bên phủ còn có đền Kim Ngưu thờ Trâu Vàng theo truyền thuyết.

NHỮNG NGÔI CHÙA CẦU DUYÊN TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

1. Chùa Bà Ấn Độ

Nhắc đến những ngôi chùa cầu duyên linh thiêng tại Sài Gòn thì không thể nào bỏ qua ngôi chùa bà Ấn Độ (Mariamman) tọa lạc tại số 45 đường Trương Định, phường Bến Thành, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Chùa Bà Ấn thờ vị thần mưa của Ấn Độ – thần Mariamman. Đây là một vị nữ thần Hindu vô cùng linh thiêng, được không chỉ người dân Ấn và cả dân Việt rất tôn sùng. Chính vì có xuất xứ từ Ấn Độ vì vậy kiến trúc của nó khá là kỳ quái và đặc biệt. Những bức tường đá, cột đá với hoa văn tinh xảo, khác hẳn với kiến trúc ở Việt Nam.

Ngôi chùa do người Việt gốc Ấn cai quản. Nhiều du khách đến đây để cầu duyên, mong đức mẹ Mari sẽ ban phát phước lành cho các đôi uyên ương được trọn đời vui vẻ bên nhau, các gia đình được hạnh phúc ấm no.

2. Chùa Ông

Chùa Ông cũng có một cái tên khác đó là Nghĩa An Hội Quán. Ngôi chùa tọa lạc tại số 676 Nguyễn Trãi, phường 14, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Với sự linh thiêng của nó, khiến cho ngôi chùa này là một trong những nơi cầu duyên nổi tiếng ở Sài Gòn hiện nay.

Chùa Ông hay có tên gọi khác là chùa Minh Hương. Chùa là nơi tôn thờ Quan Công ( hay Quan Vân Trường ) và Ông Mã. Mỗi dịp đầu xuân năm mới, người dân lại nô nức đến đây để cúng bái, cầu phật. Nhiều bạn trẻ vẫn còn đang cô đơn thì cầu khấn mong rằng đường tình duyên của mình suôn sẻ, gặp được người như ý, hạnh phúc.

Sắm lễ cầu duyên

- Tiền vàng: 5 lễ.

- Trầu cau: 1 quả cau 3 lá trầu. 

- Một bánh chưng, một bánh dày và một đôi bánh xu xê. 

- Hoa quả: tùy từng mùa, nhưng nên có màu vàng, xanh, đỏ, tím, và màu trắng.

- Vật cát tường: bức tranh hoặc đôi uyên ương. 

- Sớ cầu giáng linh.

Đầu năm đi chùa cầu duyên, cần chuẩn bị những gì? - Ảnh 5.

Bài khấn lễ cầu duyên

Nam mô A di Đà phật

Nam mô A di Đà phật

Nam mô A di Đà phật

Con lạy chín phương Trời, con lạy mười phương Phật

Hôm nay, Ngày:….. Tháng….. Năm 20... (tính theo âm lịch).

Con tên là:………………….; tuổi……

Kính cẩn khánh bái:

Chư Phật mười phương, Tứ phủ công đồng Thánh đế, Mẫu đệ nhất thiên tiên, Mẫu địa nhị thượng ngàn, Mẫu đệ tam thủy cung, cập chư Tiên đồng Tây Hồ phủ.

Hôm nay, con có chút lễ vật mọn dâng bày, cung thỉnh chư vị Phật, Chư Thánh, Chư Mẫu lai lâm chứng giám.

Kính tấu Phật Thánh, Chư mẫu, Chư Tiên, trong trời đất có đạo âm dương giao hòa, hóa sinh vạn vật, đạo nhân sinh có nam có nữ, đến tuổi thì tác thành đôi lứa vợ chồng. Nhờ ơn Trời Phật Thánh Mẫu và phúc ấm Gia tiên.

– Con tên là:…………………

– Trú tại số nhà:……Phố……………….Phường…………..Quận………TP............

Hiện chưa tìm được ý trung nhân xứng đôi vừa lứa, mong gặp cảnh ngộ tương đồng tương cảm, cá nước duyên ưa, nảy sinh cảm tình chân thành, mong muốn sớm được xum họp một nhà.

Con khấu đầu thành tâm cầu xin chư Phật, Thánh, Tiên, Mẫu bản phủ lai lâm chứng minh chứng giám phù độ gia trì vun bồi tình cảm, tác duyên tạo phúc cho con gặp may mắn tác thành đôi lứa, cho con sở cầu tình duyên xuôi chèo mát mái, để đi đến cuộc hôn nhân như nguyện ước.

Con là người trần, nghĩ sao thưa vậy, chỉ mong Phật Thánh Mẫu chứng minh chứng giám xin có tờ giấy cánh sớ dâng bày.

Nhân đây con cũng bái xin Phật Thánh Tiên Mẫu, giáng linh vào đôi uyên ương cát tường này để con mang về làm vật cát tường may mắn, hồi hướng ân đức của Phật, Thánh, Mẫu bên cạnh con, dẫn đường chỉ lối, phù độ cho con có tình duyên được vuông tròn như nguyện. Cho con gặp người tâm đầu ý hợp, thành vợ thành chồng, con cái đông đủ, thuận hòa sống với nhau đến trọn đời.

Kính lạy Chư vị Phật Thánh Tiên Chúa, các Mẫu chấp lễ chấp cầu ban phúc giáng linh vật cát tường cho chúng con, chúng con không dám quên ơn tạ lễ.

Tín chủ con: ……………….con xin rập đầu bái đến trăm lạy.

Lưu ý:

- Gần hết tuần hương thì có thể lễ tạ bằng bài khấn này.

- Sau khi tìm được bạn đời/tổ chức lễ cưới, cuối năm nên đi lễ tạ ơn.

Ngọc Quế

Cùng chuyên mục
XEM