"Đau khổ" với Thông tư 20, một doanh nghiệp vừa gửi tâm thư than thở đến Chủ tịch VCCI

29/08/2016 21:01 PM | Kinh tế vĩ mô

Bà Huỳnh Thị Kim Liên, một doanh nhân ở Nghệ An vừa gửi một bức thư tới Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, tâm sự về những đau khổ của doanh nghiệp với Thông tư 20.

Sau khi hàng loạt các cơ quan từ Văn phòng Chính phủ, VCCI, Bộ KHĐT, Bộ Tư pháp, Tổng cục Hải quan… cho tới các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối ô tô không chính hãng lên tiếng “thúc” Bộ Công Thương bãi bỏ thông tư 20, Bộ này cuối cùng cũng đã đồng ý song kèm theo “điều kiện”:

Bộ Giao Thông Vận tải ban hành quy định buộc tất cả các loại phương tiện đường bộ phải bảo đảm được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.

Thông tin trên phần nào làm cuộc tranh cãi, xung đột lợi ích giữa các bên được tạm thời lắng xuống. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra lo lắng khi chưa có một thông tin chính thức về việc bãi bỏ Thông tư 20.

Mới đây, Bà Huỳnh Thị Kim Liên, một doanh nhân ở Nghệ An gửi một bức thư tới Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, tâm sự về những đau khổ của doanh nghiệp với Thông tư 20.

Được sự đồng ý của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, chúng tôi xin được trích nội dung bức thư như sau:

"Khi viết những dòng tâm sự này, Tôi biết chủ tịch đã hiểu rất rõ các nội dung mà tôi muốn trình bày, nhưng tôi vẫn phải nói.

Công ty chúng tôi cũng như những Công ty ô tô vừa và nhỏ khác đều là những thành phần kinh tế rất nhỏ trong Xã Hội. Chúng tôi đã cố gắng vươn lên để có công việc - tạo công ăn việc làm cho những thành phần khó khăn nhất của xã hội.

Làm một người công dân tốt chúng tôi luôn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước - là đã góp phần xây dựng đất nước và tạo bình yên trong xã hội.

Từ năm 2011 Bộ Công thương ra thông tư 20 ( có điều kiện cho ô tô nhập khẩu) thì môi trường cạnh tranh cho các Công ty như chúng tôi là không thể. Theo tôi hiểu thì thông tư 20 đã sai luật Doanh nghiệp 2005, sai luật đầu tư và nghị định 35 của Chính phủ; thông tư này như một vỏ bọc để bảo vệ cho những công ty lớn. Những công ty lớn họ còn độc quyền nhập khẩu thì không bao giờ họ lại bỏ tiền để đầu tư lắp ráp.

Dù 20 năm hoặc 30 năm nữa thì nghành công nghiệp ô tô (còn bảo hộ nhập khẩu) sẽ không bao giờ phát triển được. Thông tư 20 đã bóp chết thành phần Doanh nghiệp như chúng tôi – nghành ô tô đã được ưu đãi 20 năm được bảo hộ độc quyền nhập khẩu 5 năm thế mà bây giờ ta có gì trong tay.

Khi ô tô nội địa như VINAXUKI thì chết yểu còn tất cả các công ty nước ngoài đầu tư nh ư TOYOTA , HYUN DAI, MAZDA …. thì tranh nhau nhập khẩu, chuyển thuế ra nước ngoài.

Nếu còn ưu đãi ô tô nhập khẩu, các nhóm lợi ích sẽ khống chế thị trường ô tô , kẻ giàu sẽ càng giàu và người nghèo sẽ mãi nghèo, mà người kinh doanh ô tô như chúng tôi đã không có bất cứ một cơ hội nào để tồn tại – môi trường cạnh tranh kinh doanh bất bình đẳng cá lớn mãi mãi nuốt cá bé nếu đang còn thông tư 20.

Tôi kiến nghị bỏ thông tư 20 để ô tô nhập khẩu cạnh tranh công bằng. Hãy để thị trường và khách hàng quyết định lựa chọn mua ô tô nhập khẩu hay trong nước.

Mặt khác Chính phủ có kế sách ưu đãi riêng cho các Doanh nghiệp lắp ráp và nội địa hoá cao; nếu giá ô tô trong nước rẻ và chất lượng tốt thì khách hàng sẻ tự chọn ô tô trong nước. nếu có cạnh tranh thì mới phát triển nội địa hoá – phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước.

Chỉ có công ty lớn – có đầu tư nước ngoài họ mới đủ tiềm lực kinh tế để xây dựng đế chế ô tô nội địa của Việt Nam- chỉ có họ mới làm cho nghành công nghiệp ô tô nội địa Việt Nam phát triển nếu như ta biết lái họ vào con đường đi đúng của cơ chế thị trường minh bạch và cùng phát triển.

Không thể vì những lí do xã hội để lập lên những rào cản điều kiện bảo vệ “Lợi ích nhóm” . Sai luật – sai cơ chế thị trường. Những người yếu nhất của xã hội muốn vươn lên đều không có cơ hội. Môi trường kinh doanh lệch lạc dẫn đến sự xa cách của giàu nghèo. Các thành phần khó khăn nhất của xã hội nếu họ có công ăn việc làm ổn định thì chính họ đã tạo thêm an ninh - bình ổn cho xã hội, và có lòng tin vào đảng và Chỉnh phủ.

Tất cả mọi người dân đều bình đẳng trước luật , tại sao sai luật mà hết bộ này đến bộ kia đứng ra bảo vệ, người dân chúng tôi không hiểu nổi.

Đó là những dòng tâm sự của tôi gửi cho chủ tịch, mong tiếng nói của chủ tịch được các bộ lắng nghe và thấu hiểu - vì đó là tiếng nói đúng luật.

Xin cảm ơn chủ tịch đã đọc!

Chúc chủ tịch thật nhiều sức khoẻ!

Vinh, ngày 25 tháng 08 năm 2016

P. GIÁM ĐỐC CÔNG TY

Huỳnh Thị Kim Liên"

Dư Hoài

Cùng chuyên mục
XEM