Đất nước giàu có như Nhật Bản cũng phải lo lắng khi tỉ lệ nghèo ngày một tăng cao

28/04/2016 11:22 AM | Kinh tế vĩ mô

Chính phủ Nhật luôn tuyên bố họ đã làm rất tốt việc thu hẹp chênh lệch khoảng cách giàu nghèo.

Phát biểu trước Quốc hội Nhật vào tháng 1/2016, ông Abe nói: “Tôi tin không còn người Nhật nào sống trong nghèo khổ. Xét theo những tiêu chuẩn toàn cầu, Nhật là một trong những nước giàu có nhất.”

Tuy nhiên kết quả những nghiên cứu gần đây không cho thấy điều ông Abe nói là đúng. Nhật Bản cũng là đất nước của sự bất công kinh tế như bao nhiêu nước giàu khác, không hoàn toàn là xứ sở với tất cả hơn 100 triệu dân vui vẻ sống mức sống của tầng lớp trung lưu.

Nhiều chính trị gia khẳng định chính sách kinh tế Nhật dưới thời ông Abe chỉ làm lợi cho những tập đoàn lớn. Trong khi đó, những người dân thường dường như trở nên khốn cùng hơn.

Chắc hẳn dư luận Nhật cho đến nay chưa thể quên việc một học sinh 15 tuổi đến từ tỉnh Kanagawa đã chia sẻ với báo chí rằng gia đình em quá nghèo đến mức không có tiền cho em mua đồ văn phòng phẩm để đi học, nói gì đến tiền mua quần áo hay phụ kiện thời trang.

Cô bé cho biết cháu chưa bao giờ biết mặt bố và chưa bao giờ gặp ông. Vài năm trước, mẹ của cô đã bị cho thôi việc vì bà mắc bệnh thận. Hiện nay bà sống nhờ vào trợ cấp xã hội và cũng không chú ý gì đến con gái của mình. Cô bé vẫn đến trường nhưng luôn bằng mọi cách giấu giếm sự nghèo khổ của mình để bạn bè không chê cười.

Ông Akira Koike, một nghị sỹ thuộc Đảng đối lập với đảng của Thủ tướng đương nhiệm, khẳng định rằng trong nhóm các nước phát triển, Nhật là nước nghèo nhất.

Năm 2012, chính phủ Nhật đã đưa ra định nghĩa về mức nghèo khổ của riêng nước này. Cụ thể, nếu một người sống với mức lương dưới 1,22 triệu yên/năm, người đó bị coi như đang nghèo khổ.

Một thống kê khác vào năm 2012 cho thấy, hiện có 16,1% người Nhật sống với thu nhập thấp hơn con số trên. Nghiên cứu khác của OECD vào năm 2012 cũng cho thấy khoảng 16% người Nhật bị xếp vào diện nghèo khổ.

Nếu so với các nước khác thuộc OECD, Nhật đứng thứ 6... nhưng từ dưới tính lên. Có vài nước khác có tỷ lệ người đói nghèo nhiều hơn Nhật bao gồm Mỹ (17,4%); Mexico (20,4%) và Israel (20,9%). Như vậy tính chung, cứ 6 người Nhật thì sẽ có một người thuộc diện nghèo khổ.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia phân tích khác cho rằng con số được đưa ra trên đây không đủ để chứng minh cái mà người ta gọi là người Nhật đang nghèo khổ.

Giáo sư ngành khoa học xã hội tại đại học Keio, ông Atsuhiro Yamada, dẫn đến số liệu của Bộ Nội vụ Nhật công bố năm 2009 cho thấy, tỷ lệ đói nghèo ở Nhật chỉ ở mức 10,1%, thấp hơn nhiều so với ước tính của các tổ chức quốc tế. Sự khác biệt về số liệu, theo ông Yamada, có nguyên nhân từ việc cách tính toán của các tổ chức trên khác nhau.

Còn theo giáo sư Takashi Oshio tại đại học Hitotsubashi, tỷ lệ đói nghèo trong rất nhiều trường hợp không phản ánh đúng những gì đang diễn ra. Trong nhóm đó, có những người chỉ dưới mức nghèo khổ một chút nhưng cuộc sống của họ không đến nỗi quá khó khăn. Nhưng cũng còn nhiều người khác sống trong cảnh cực kỳ khó khăn.

Trong nhóm này, tỷ lệ những gia đình có bố đơn thân hoặc mẹ đơn thân rơi vào diện đói nghèo rất lớn. Thống kê của Bộ Nội vụ Nhật năm 2009 cho thấy, tỷ lệ đói nghèo trong nhóm này lên đến 50,8%, cao nhất trong tất cả các nước thuộc OECD.

Khó ai có thể hình dung ngay trên đất nước Nhật lại có nhiều bà mẹ Nhật vất vả đến như thế. Ban ngày họ làm việc việc thu ngân bán thời gian tại siêu thị, đến tối họ lại làm thu ngân tại các điểm chơi cờ bạc. Thế nhưng dù làm việc chăm chỉ đến đâu, họ vẫn không đủ tiền sống bởi mức lương quá thấp.

Theo kết quả nghiên cứu của giáo sư Kensuke Tomuro tại đại học Yamagata, dù trong những thập niên gần đây, Nhật không ngừng đối đấu với vấn đề dân số giảm, thế nhưng cùng lúc đó, tỷ lệ các hộ gia đình có trẻ em tuổi dưới 17 phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội lại tăng cao gấp đôi. Nếu như vào năm 1992 chỉ có 700 nghìn gia đình như vậy thì đến năm 2012 con số này đã lên đến 1,46 triệu. Con số trên tương đương 13,8% số hộ gia đình có nuôi con nhỏ ở Nhật, tỷ lệ này vào năm 1992 chỉ là 5,4%.

Giáo sư Tomuro chỉ ra rằng chính nhiều thập niên kinh tế tăng trưởng kém đã dẫn đến tình trạng hàng triệu người lao động chỉ có thể kiếm được những việc làm bán thời gian với mức lương rất thấp, cùng lúc đó, đói nghèo tăng chóng mặt.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM