Đặt cược vào văn hóa nhậu của người Việt - nước cờ mới của ông chủ Heineken và Tiger

30/05/2016 09:07 AM | Kinh doanh

Ông Leo Evers - Giám đốc điều hành của VBL tin tưởng vào sự phát triển và tương lai của ngành bia Việt Nam.

Với chiến lược kinh doanh hợp lý, Công ty TNHH Nhà Máy Bia Việt Nam (VBL) liên tục tăng trưởng trong hơn hai thập niên qua. VBL liên tục dẫn đầu phân khúc bia cao cấp với hai nhãn hiệu quốc tế là Heineken và Tiger.

Hoạt động kinh doanh hiệu quả giúp công ty có những đóng góp kinh tế xã hội đáng kể cho Việt Nam và trở thành một trong những doanh nghiệp có thành tích đóng góp ngân sách nhà nước xuất sắc trong nhiều năm qua. Mới đây Hãng tin CNBC của Mỹ đã có bài phỏng vấn ông Leo Evers - Giám đốc điều hành của VBL vào ngày 27 tháng 5 vừa qua.

Cùng với tiến trình phát triển tăng tốc của nền kinh tế, dân số ngày càng trẻ hơn, người Việt tiêu thụ nhiều bia hơn bao giờ hết.

Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (VBL) được thành lập năm 1991, là liên doanh giữa hãng bia Hà Lan – Heineken và Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn. Với chiến lược nhắm vào phân khúc bia cao cấp, VBL hiện đang nắm 25% thị phần ngành bia Việt Nam – đứng thứ hai ngay sau Sabeco.

“Bia chiếm 94% trong tổng lượng tiêu thụ cồn hiện nay ở Việt Nam. Thức uống này đã thực sự trở thành một phần trong văn hóa của người Việt. Bước vào bất kể một quán ăn hay quầy bar nào ở Việt Nam, bạn sẽ nhận ra rằng ai cũng đều uống bia.” ông Leo Evers – giám đốc điều hành của VBL cho biết trong buổi phỏng vấn các nhà quản lý châu Á.

Theo báo cáo của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam vào tháng 1 năm nay, Việt Nam đang hướng đến tăng sản lượng bia thêm 25% trong giai đoạn 2015-2020.

Leo Evers – giám đốc điều hành của VBL
Leo Evers – giám đốc điều hành của VBL

Có hai nhân tố giúp thị trường bia Việt Nam tăng trưởng mạnh. Đầu tiên là nền kinh tế. Tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam đang ở mức mạnh nhất trong 7 năm qua. Bên cạnh đó cấu trúc dân số của Việt Nam khá trẻ. Theo thống kê nhân khẩu học, hiện tại 50% dân số Việt Nam dưới 30 tuổi. Ông Leo cho biết thêm.

Một vài ông lớn khác trong ngành cũng tham gia vào thị trường giàu tiềm năng này như AB Inbev – hãng bia lớn nhất thế giới đến từ Đức, Carlsberg và SABMiller .

“Đối với VBL, sự hợp tác giữa công ty Thương mại Sài Gòn và Heineken đã rất thành công. Nhờ đó, VBL mới có thể trở thành thức uống không thể thiếu của người Việt mỗi khi có tiệc tùng và thậm chí xâm nhập vào mâm cơm của nhiều gia đình.

Để có được liên doanh thành công này bí quyết chính là sự cân bằng của nền văn hóa làm việc giữa hai công ty. Nhờ chiến lược hợp tác này mà năng lực sản xuất bia của VBL đã tăng 15 lần trong 25 năm qua” ông Evers nói.

Bên cạnh điều kiện thuận lợi từ quy mô thị trường tiêu thụ rộng lớn, hiệp định TPP cũng được kỳ vọng sẽ kích thích ngành bia Việt Nam.

Theo báo cáo tháng 5 của Dịch vụ nông nghiệp nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, kể từ ngày 1/1/2016, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia chính thức tăng từ 50% lên 55% và dự kiến từ tháng 1/2017 sẽ tăng tiếp lên 60%.

Nếu tất cả các quốc gia thành viên TPP thực thi hiệp định thương mại, thuế nhập khẩu bia của Việt nam sẽ bị cắt giảm mạnh, đồng thời giá nguyên liệu thô như cây hoa bia và lúa mạch sẽ rẻ hơn đáng kể.

Tuy nhiên, Evers cho biết thêm rằng, "VBL không chỉ trông chờ vào ưu đãi thuế nhập khẩu để giảm chi phí vận hành mà còn thực hiện nhiều chương trình cắt giảm chi phí trong suốt cả năm để hoạt động sản xuất được duy trì ở mức hiệu quả kinh tế nhất có thể."

Thụy Dương

Cùng chuyên mục
XEM