Đạo đức quan trọng, nhưng không bắt buộc phải có - Trong công việc, những người hay giảng giải về đạo đức, đa phần là những kẻ sống không ra gì?

03/07/2018 13:23 PM | Sống

Trong xã hội này, đạo đức thực sự quan trọng đến vậy sao?

Rất khó để có thể đánh giá một người là tốt hay xấu dựa trên những tiêu chuẩn về đạo đức.

Hãy thử tưởng tượng nếu một người bỏ qua những phẩm chất, năng lực của bạn, đánh giá bạn dựa trên những chuẩn mực đạo đức anh ta đề ra, điều đó sẽ đáng sợ như thế nào.

Tại Việt Nam, mọi người được dạy: "Đạo đức là gốc rễ của mọi vấn đề". Họ tin rằng sống đạo đức là trách nhiệm của tất cả mọi người, và đây là cách duy nhất để có thể hưởng hạnh phúc.

Trong xã hội này, đạo đức thực sự quan trọng đến vậy sao?

Một doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng nhân viên quản lý điều hành. Có một mẩu giấy ở dưới đất bên trong phòng phỏng vấn. Các ứng viên hoặc là không nhìn thấy, hoặc là nhìn thấy và bỏ qua nó.

Chỉ có một người duy nhất, áo quần xộc xệch, gương mặt lầm lì, cúi gập người xuống để nhặt mẩu giấy đó lên. Khi chuẩn bị bỏ mẩu giấy đó vào thùng rác, nhà tuyển dụng mới ôn tồn bảo: "Xin anh hãy đọc to nội dung ghi bên trong tờ giấy".

Anh đọc, trong lòng mừng rỡ: "Chúc mừng bạn đã trúng tuyển vị trí quản lý điều hành".

Câu chuyện giả tưởng này, cũng như rất nhiều câu chuyện khác, được tạo ra để lái mọi người theo hướng hiểu: "Yếu tố quyết định thành công của bạn là phẩm chất đạo đức, chứ không phải năng lực bạn đang có.

Tư tưởng này thực sự đã được tiêm nhiễm và đầu độc không biết bao nhiêu người… Làm việc gì cũng phải đặt cái đức lên đầu, sau đó mới tính đến những chuyện khác. Một ví dụ điển hình cho lối sống này: Tài xế Grab có thái độ không tốt, khách hàng chỉ phàn nàn chứ không xếp hạng 1 sao cho chuyến đi, vì "lo" anh ta mất công ăn việc làm.

Đạo đức quan trọng, nhưng không bắt buộc phải có - Trong công việc, những người hay giảng giải về đạo đức, đa phần là những kẻ sống không ra gì? - Ảnh 1.

(1) Đạo đức không phải gốc rễ của mọi vấn đề

Tôi không hề phủ nhận tầm quan trọng của đạo đức. Đương nhiên tôi vẫn thích giao du với những người tốt bụng hơn những kẻ xấu tính. Ở đây, tôi chỉ muốn nói, đạo đức không phải cái rốn của vũ trụ. Đạo đức quan trọng thật, nhưng không bắt buộc phải có trong mọi hoàn cảnh.

Quay lại ví dụ trên: Tài xế Grab có thái độ không tốt, bạn liệu có xếp hạng 1 sao cho người tài xế ấy không?

Đây là câu trả lời mang tính "chuẩn mực" của rất nhiều người: Nếu chỉ dựa vào 1 chuyến đi để xếp hạng người tài xế ấy thì thật xấu tính. Hãy thử đặt mình vào vị trí của họ xem. Lúc bạn nghỉ ngơi, họ vẫn đang hùng hục làm việc. Họ gắt gỏng với chúng ta, có thể vì họ đang mệt mỏi, cũng có thể vì họ đang muốn được về nhà với vợ con. Thay vì trách móc, chúng ta nên tha thứ cho họ.

Nhưng công việc là công việc, không làm thì thôi, đã làm thì phải làm cho thật chuyên nghiệp. Nếu một người làm không tốt, bạn phải nghiêm khắc phê bình, góp ý để người ta tiến bộ, chứ không thể nào dễ dàng bỏ qua chỉ vì "thương" họ làm việc vất vả được.

Dưới đây là câu bình luận đã từng nhận được rất nhiều lượt thích trên mạng xã hội:

Khi vào nhà hàng, ai cũng phải tiêu tiền. Đây không phải những đồng tiền từ trên trời rơi xuống, họ phải rất vất vả mới kiểm được nó. Họ chấp nhận trả tiền cho người khác để được phục vụ tận tình đến nơi đến chốn, chứ không phải trả tiền để nhận về thái độ hời hợt, khó chịu của người được cộp mác "người phục vụ" kia. Vì vậy, nếu quyền lợi của họ bị xâm phạm, họ nên khiếu nại. Mất lòng trước, được lòng sau, còn hơn là im ỉm cho qua chuyện.

Tôi không có ý nói khi bạn là người trả tiền, bạn được làm bất kì điều gì bạn muốn. Điều tôi muốn truyền đạt ở đây, là khi chúng ta thiết lập một mối quan hệ mua bán, và người bán làm không tốt phần việc của mình, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của bạn, bạn không nên nhẹ nhàng cho qua, mà phải làm rõ ngọn ngành. (Tất nhiên bạn cũng có thể cho qua. Sau cùng thì, đó là lựa chọn của bạn).

Khi làm bất cứ việc gì, phải làm cho thật chuyên nghiệp, không nên để những vấn đề như tình cảm, đạo đức xen vào.

Đạo đức quan trọng, nhưng không bắt buộc phải có - Trong công việc, những người hay giảng giải về đạo đức, đa phần là những kẻ sống không ra gì? - Ảnh 2.

(2) Chuẩn mực đạo đức do chúng ta tự đề ra theo cảm tính. Vậy dựa vào đâu để áp đặt "đạo đức" của bạn lên người khác?

Trên đời này, cách đơn giản nhất để có thể dè bỉu và chê bai một người là đào sâu những vấn đề liên quan đến đạo đức trong những việc họ làm.

Các chuẩn mực đạo đức mang nặng tính chủ quan, nhưng lại được áp dụng như một công cụ đầy khách quan để đánh giá một con người là tốt hay xấu trong xã hội hiện đại. Không có gì sai khi bạn sử dụng những tiêu chuẩn về đạo đức của bạn để đánh giá con người bạn, nhưng khi sử dụng những tiêu chuẩn đó để phán xét cuộc sống của người khác thì thật không đúng chút nào.

Có câu chuyện này xin được chia sẻ với các bạn:

Một người quyết định nghỉ việc. Theo quy định, nhân viên phải làm đơn xin nghỉ trước 1 tháng. Nhưng kể từ khi xin nghỉ đến lúc anh ta thu dọn đồ đạc xong xuôi để chuyển sang làm ở một công ty mới, chỉ mất vỏn vẹn 2 tuần.

Việc nghỉ đột xuất này của anh đã làm cho lượng công việc mà các nhân viên khác phải đảm nhiệm tăng lên.

Nhiều người tỏ thái độ bất mãn, nói xấu anh ta, thậm chí có người còn gửi thư nặc danh tới công ty anh ta đang làm để tố cáo, cố gắng vạch trần bản chất thật của anh.

Cuối cùng, ông chủ mới của anh kết luận: "Người này làm vậy chẳng qua cũng chỉ vì muốn đảm nhiệm một chức vụ cao hơn, anh ta là người có tinh thần cầu tiến. Xét về năng lực thì anh ta không có vấn đề gì, nhưng người này không trung thành với công ty, vì vậy không thể tin tưởng được."

Đây là một ví dụ điển hình của việc lấy tiêu chuẩn đạo đức của bản thân để đánh giá, bình phẩm người khác.

Nếu phàm việc gì cũng lấy đạo đức, nhân phẩm, tính cách làm yếu tố xét duyệt đầu tiên, tôi dám khẳng định xã hội này không thể phát triển. Nếu chúng ta phớt lờ những yếu tố về trình độ chuyên môn để tôn thờ nét đẹp của đạo đức, xã hội này mãi mãi cũng chỉ "tốt nước sơn", chứ không bao giờ có thể "tốt gỗ".

Con người thực sự rất phức tạp, vì vậy sẽ không công bằng khi chỉ dùng những tiêu chuẩn đạo đức do một ai đấy đặt ra để làm thang đo duy nhất đánh giá một người là tốt hay xấu.

Giả sử bạn đang làm cho một công ty A. Nếu bây giờ bạn được mời làm việc ở một công ty B, lương cao hơn, chế độ đãi ngộ tốt hơn, công việc lại nhẹ nhàng không áp lực, bạn sẽ quyết định thế nào: Tiếp tục ở lại công ty A vì chữ "tình", hay chuyển sang công ty B làm việc?

Có nhiều người sẽ trả lời: "Tôi sẽ làm ở công ty B. Nhưng trước đó tôi sẽ xin nghỉ việc theo đúng quy trình, thủ tục ở công ty cũ. Chỉ khi thu xếp ổn thoả với công ty cũ xong, tôi mới chuyển."

Lý thuyết là thế, nhưng khi cơ hội xuất hiện ngay trước mắt mình, tôi tin sẽ chẳng thiếu người nhanh tay chộp lấy cơ hội, chuyển sang công ty mới như anh chàng trong câu chuyện trên. Sau cùng thì, cơ hội thường chỉ đến một lần, đúng không nào?

Nhưng suy cho cùng, đây là lựa chọn nghề nghiệp của mỗi người, hoàn toàn chẳng liên quan gì đến vấn đề về đạo đức.

Mà cho dù liên quan đến vấn đề về đạo đức, bạn cũng chẳng có tư cách gì để dùng chuẩn mực đạo đức của bạn để đánh giá một người khác là tốt hay xấu cả.

Lí do thứ nhất, bởi bạn không thể nào chắc chắn đạo đức của mình có phải là "chuẩn mực" hay không.

Lí do thứ hai, bởi tư tưởng của bạn dễ dàng bị dao động khi có thêm những yếu tố ngoại cạnh. Bạn có thể cho rằng hành động trộm cắp là xấu, nhưng bạn lại coi "cướp của nhà giàu để chia cho người nghèo" là một hành động nhân đạo, phải không?

Nếu nhìn đời qua lăng kính đạo đức của bạn, người xấu xuất hiện đầy rẫy, còn người tốt thì sẽ "thoắt ẩn thoắt hiện".

Đạo đức quan trọng, nhưng không bắt buộc phải có - Trong công việc, những người hay giảng giải về đạo đức, đa phần là những kẻ sống không ra gì? - Ảnh 3.

(3) Sự bào mòn đạo đức lớn nhất là cố gắng đặt đạo đức lên hàng đầu

Điều mà tôi cố gắng nhấn mạnh từ đầu đến giờ, đó là nếu bạn dùng tiêu chuẩn đạo đức của bạn để đánh giá người khác, bạn sẽ không bao giờ thấy được bức tranh toàn cảnh.

Nếu một cá nhân sử dụng những lý lẽ về đạo đức để đánh giá một người là tốt hay xấu, là phù hợp hay không phù hợp với công ty, doanh nghiệp của họ, cá nhân ấy hoặc là người quá non nớt, yếu kém về mặt trình độ, hoặc là một người xảo quyệt, bụng đầy mưu mô, toan tính.

Khi xem phim, chúng ta luôn dễ dàng xác định được ai là người hoàn toàn tốt, ai là người xấu đơn thuần. Nhưng ngoài đời khác phim nhiều lắm.

Không có một người tốt nào chưa từng làm điều xấu.

Không có một người xấu nào chưa từng làm điều thiện.

Vì vậy chúng ta không thể dùng những tiêu chuẩn đạo đức để xem xét một hành động cụ thể, rồi sau đó vội vã rút ra kết luận về phẩm chất, tính cách một người.

Những người luôn miệng nói về đạo lý, khuyên một người đáng lẽ nên làm thế này, thế kia, tôi cho rằng đa phần toàn là những kẻ không ra gì.

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Đình Trọng

Cùng chuyên mục
XEM