Dành nhiều năm nghiên cứu những người siêu thành công, Google đúc kết ra 6 yếu tố lãnh đạo tương lai nào cũng phải có

09/08/2017 10:29 AM | Sống

Bước chuyển từ một nhân viên thành một nhà quản lý thật không dễ dàng. Trong nhiều trường hợp, những kỹ năng giúp bạn được thăng chức nhiều khi lại không giúp bạn trở thành một nhà quản lý hiệu quả. May sao, chúng ta có Google.

Sử dụng Project Oxygen, một nghiên cứu nội bộ trong đó tiến hành phân tích hơn 10.000 dấu ấn quản trị gồm các bản đánh giá, khảo sát và đề cử cho các phần thưởng dành cho nhà quản lý, Google đã nhận diện được 8 thói quen của các nhà quản lý thành công. Họ cũng thiết kế một hội thảo tập huấn quản lý để chia sẻ những kiến thức và bí quyết về quản trị của mình.

Chúng ta hãy cùng điểm qua 6 phẩm chất quan trọng mà Google muốn nuôi dưỡng ở những nhà quản lý của mình.

1. Nếp suy nghĩ và các giá trị

Google khuyến khích các nhà quản lý xây dựng và nuôi dưỡng một tâm lý cầu tiến. Một người có nét tâm lý này tin rằng trí thông minh có thể trau dồi được. Nếp suy nghĩ đơn giản này giúp cho các lãnh đạo ham học hỏi hơn, luôn tự thách thức chính mình, và đam mê trải nghiệm những điều mới mẻ, và rốt cuộc nó sẽ làm tăng hiệu quả công việc của họ.

Ngoài ra, Google còn khuyến khích các nhà quản lý nhận diện các giá trị và thúc đẩy các giá trị đó theo phong cách quản lý của mình. Quản lý là người phải đưa ra những quyết định khó khăn. Và khi phải đối mặt với sự bất ổn, các giá trị có thể là cơ sở để một nhà quản lý tìm được quyết định đúng đắn.

2. Trí tuệ cảm xúc

Trí tuệ cảm xúc thể hiện ở khả năng nhận biết và hiểu được cảm xúc của mình và người khác, và thúc đẩy nhận thức này để kiểm soát hành vi và các mối quan hệ. Nói cách khác, đó là khả năng tự nhận thức ở trình độ cao.

Những nhà quản lý có khả năng tự nhân thức sẽ đưa ra được những quyết định đúng đắn hơn, giao tiếp hiệu quả hơn, và gần gũi với nhân viên hơn. Theo nghiên cứu của chuyên gia về trí tuệ cảm xúc Daniel Goleman, lãnh đạo dựa trên trí tuệ cảm xúc không chỉ là yếu tố quan trọng nhất chi phối môi trường làm việc mà còn chiếm đến 30% hiệu quả hoạt động của một tổ chức.

3. Chuyển giao quản lý

Khi các quản lý được khuyến khích chia sẻ những khó khăn thử thách của việc chuyển đổi vị trí với những quản lý khác, họ đồng thời cũng nói lên rằng một chút trục trặc hoàn toàn không có vấn đề gì, và thành thật về chuyện đó không có gì đáng xấu hổ. Khi các nhà quản lý cởi mở và chia sẻ những câu chuyện của mình, những người khác có thể đưa ra những lời khuyên và chỉ dẫn. Điều quan trọng là mọi nhà quản lý đều biết được họ không hề đơn độc trong chuyện này. Những người khác cũng gặp phải khó khăn tương tự và có thể giúp đỡ bạn.

4. Khả năng huấn luyện

Qua Project Oxygen, người ta biết được rằng phẩm chất số một của các quản lý thành công là khả năng huấn luyện. Google cho rằng khả năng này thể hiện ở các khía cạnh sau:

• Nhận xét đúng lúc và cụ thể

• Đưa ra nhận xét về khuyết điểm theo hướng xây dựng và quan tâm

• Điều chỉnh hướng tiếp cận cho phù hợp với phong cách giao tiếp của từng người trong các cuộc gặp cá nhân.

• Thường xuyên chủ động lắng nghe, cảm thông và luôn có mặt để giúp đỡ

• Biết rõ hướng suy nghĩ của bản thân và của nhân viên

• Đưa ra những câu hỏi mở để thăm dò sự nhạy bén của nhân viên

5. Phản hồi, nhận xét

Lời nói của các nhà quản lý có thể tạo dựng thành quả hoặc gây nên đổ vỡ. Google hiểu rõ sự nhạy cảm này và khuyến khích các quản lý của mình tỏ ra nhất quán (không thiên vị) khi đưa ra nhận xét về các nhân viên, để luôn cân bằng giữa những nhận xét tiêu cực và tích cực, luôn đáng tin cậy và biết cân nhắc, biết đưa ra những cơ hội phát triển một cách rõ ràng và đầy cảm thông.

6. Khả năng ra quyết định

Để đảm bảo rằng các quyết định không được đưa ra một cách cô lập, Google đã thiết lập một quy trình để giúp các nhà quản lý. Cơ cấu này gồm có hỏi và trả lời:

• Bạn đang giải quyết vấn đề cho ai, và mọi người có đồng thuận không? (Nhận diện và truyền đạt nguyên nhân).

• Tại sao nó lại quan trọng? (Nó có hỗ trợ các mục đích công việc khác không?)

• Ai là người ra quyết định?

• Quyết định sẽ được đưa ra như thế nào?

• Khi nào thì quyết định sẽ được đưa ra?

Ngoài ra, để đảm bảo đưa ra được những quyết định đã cân nhắc kỹ, Google khuyến khích các nhà quản lý thử nghiệm ý tưởng của mình và thu thập nhận xét qua các bước: bảo vệ ý kiến của mình (đưa ra quan điểm cá nhân, lý luận và cung cấp dữ liệu), tiếp thu ý kiến của người khác (thu thập ý tưởng và nhận xét), sau đó tổng hợp lại các phản hồi để đảm bảo một sự thống nhất chung trước khi đưa ra quyết định.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM