Đánh giá TV QLED 8K mới nhất của Samsung: “Giấc mơ 8K đã trở thành hiện thực”

17/09/2018 19:30 PM | Công nghệ

Trong khi các hãng TV khác chỉ tập trung phát triển phần cứng và chưa thể vượt qua bài toán nội dung, Samsung lại dùng phần mềm kết hợp với phần cứng để giải được bài toán này một cách trọn vẹn.

Samsung sẽ tung dòng sản phẩm TV 8K ra thị trường vào tháng 10 này với màn ra mắt của QLED TV 8K 85-inch. Chiếc TV từng được gọi là Q9S khi xuất hiện tại CES hồi đầu năm, nay sẽ chính thức có tên gọi là Samsung 85-inch Q900FN QLED 8K TV, và sẽ là một phần trong dòng TV QLED cao cấp của Samsung. Đây sẽ là chiếc TV 8K đầu tiên trên thế giới dành cho người tiêu dùng đại chúng.

Samsung không phải là công ty duy nhất đang phát triển TV 8K. Nhiều hãng khác cũng đã quảng cáo TV 8K. Nhưng trong khi các đối thủ đều chỉ có các bản mẫu TV nhằm mục đích trưng bày và biểu diễn sớm hơn, thì Samsung lại đánh bại họ về thời gian tung sản phẩm ra thị trường: đến lúc này, tất cả các hãng đều chưa công bố kế hoạch bán ra các sản phẩm tương tự! Lý do vì sao thì bạn hãy đọc hết bài sẽ hiểu: Samsung có những lợi thế sau: trí tuệ và nguồn lực.

Samsung sẽ bán ra toàn bộ các mẫu TV 8K tại nhiều thị trường trên toàn cầu, nhưng người Mỹ sẽ chỉ được lựa chọn một mẫu duy nhất là Q900FN 85-inch mà thôi. Chiếc TV mới này không chỉ có số điểm ảnh gấp 4 lần 4K, đạt độ phân giải 7680 x 4320, mà còn được tích hợp tính năng kéo dãn hình ảnh tiên tiến sử dụng AI cùng một loạt các tính năng cao cấp khác, bao gồm hỗ trợ HDR và độ sáng tối đa 4.000 nits.

Một số người đã được thấy tận mắt và trải nghiệm chiếc TV 8K này của Samsung tại triển lãm thương mại IFA ở Berlin, và xác nhận những tuyên bố của hãng điện tử Hàn Quốc là hoàn toàn chính xác. Nhưng liệu nó có xứng với mức giá khá cao đi kèm hay không? Hãy cùng tìm hiểu xem.

Độ phân giải tốt hơn, đèn nền sáng hơn, chất lượng QLED

Tấm nền 85-inch của Q900FN có hơn 30 triệu điểm ảnh, nhưng đó không phải là thứ duy nhất Samsung mang đến cuộc chơi.

Tấm nền 8K này còn có tần số làm tươi 120Hz, tương đương với các TV cao cấp khác - các mẫu cao cấp nhất thường có tần số làm tươi 120Hz, nhưng đại đa số các mẫu TV khác trên thị trường chỉ dừng lại ở mức 60Hz mà thôi.

Samsung cũng nâng cấp khả năng hỗ trợ các nội dung HDR. Q900FN có độ sáng tối đa 4.000 nits và hiển thị được 100% màu sắc. Nghe có vẻ như chiếc TV này sẽ có độ sâu màu 12-bit, và nếu vậy, có một số câu hỏi chưa có đáp án liên quan các chuẩn HDR được hỗ trợ. Hiện tại, chuẩn duy nhất hỗ trợ cả độ sáng và khả năng hiển thị màu sắc như đã nói ở trên là Dolby Vision - chuẩn mà Samsung luôn tránh xa để sử dụng định dạng HDR10+ của chính mình. Samsung nói định dạng TV mới hỗ trợ Q HDR 8K, và nó được dựa trên nền tảng HDR10+, do đó chúng ta có thể đoán rằng có một phiên bản HDR10+ được tăng cường sẽ xuất hiện cùng chiếc TV mới này.

Đại diện của Samsung cũng không tiết lộ số vùng đèn nền cụ thể được sử dụng trên TV mới, nhưng nói rằng nó được trang bị đèn nền “Direct Full Array Elite”. Trước đây, Samsung từng quảng cáo thuật toán tăng cường ánh sán tiên tiến của mình, với khả năng điều chỉnh đèn nền để giảm thiểu hiện tượng quầng sáng không mong muốn xung quanh các vật thể, trong khi vẫn mang lại đầy đủ độ sáng và độ tương phản sắc sảo. Điều này giúp TV QLED thế hệ mới có thể thể hiện được màu đen sâu thẳm đến hoàn hảo.

Samsung chỉ nói rằng số lượng vùng mờ hiện tại tương đương với các mẫu màn hình QLED. Tuy nhiên, trong một lần demo TV 8K trước đây, một đại diện Samsung tiết lộ rằng màn hình sử dụng một biến thể của công nghệ microLED của hãng nhằm mang lại 22.000 vùng sáng riêng biệt.

Kéo giãn hình ảnh bằng AI

Dù độ phân giải 8K là một bước tiến ấn tượng đối với các màn hình dành cho người tiêu dùng, nó thực ra lại được tạo thành bằng cách xếp nhiều điểm ảnh hơn vào một màn hình lớn hơn thay vì cải thiện đáng kể mật độ điểm ảnh. Cải tiến thực sự ở đây không phải là màn hình mà là trong quá trình xử lý hình ảnh trên màn hình đó.

Bất kỳ ai sử dụng màn hình 8K sẽ thấy một vấn đề mà 4K cũng đang gặp khó: sự thiếu hụt các nội dung UltraHD. Dù nội dùng 8K chắc chắn sẽ sớm xuất hiện, thì Samsung tìm cách đi trước với giải pháp biến toàn bộ các loại nội dung, từ video 720p đến các bộ phim 4K mới nhất, trở nên đẹp hơn khi xem trên các màn hình lớn hơn, độ phân giải cao hơn. Tại IFA vừa qua, chúng ta đã được chứng kiến tính năng kéo giãn hình ảnh này hoạt động ra sao trong một đoạn demo: mức độ chi tiết và sắc nét trở nên tốt hơn đáng kể so với hình ảnh được kéo dãn trên các TV hiện tại, hiển thị nội dung nguồn ở độ phân giải 720p trông đẹp ngang ngửa nhiều đoạn video 4K khác.

Để làm được như vậy, Samsung kết hợp giữa sức mạnh xử lý và machine learning. Q900FN sẽ được trang bị vi xử lý 8K Quantum Processor mới của Samsung vốn được nâng cấp mạnh mẽ về khả năng kéo giãn hình ảnh. Nhưng đây không phải là giải pháp tạm thời, làm một lần rồi thôi, để rồi khi các đối thủ tìm ra một giải pháp tốt hơn, những người đầu tiên mua TV của Samsung sẽ cảm thấy bị bỏ lại đằng sau. Thay vào đó, Samsung có dự định liên tục cập nhật trải nghiệm sử dụng AI để luôn mang lại kết quả kéo dãn và cải thiện hình ảnh tốt nhất trong suốt vòng đời của chiếc TV.

Phương thức kéo giãn hình ảnh bằng AI vượt trội hơn nhiều so với phương thức kéo giãn hình ảnh thông thường. Thay vì ngoại suy các điểm ảnh bổ sung thông qua kỹ thuật nhân đôi đơn giản nhằm biến những điểm ảnh đang có trông to hơn, hay kỹ thuật khử răng cưa giúp làm mượt các cạnh của chủ thể, Samsung hứa hẹn một loạt các cải thiện nhằm làm bất kỳ nội dung nào trông cũng đẹp khi hiển thị ở độ phân giải 8K. Samsung khẳng định quá trình xử lý trên TV của hãng sẽ không chỉ mang lại độ phân giải và độ sắc nét tốt hơn mà còn cải thiện chiều sâu, độ sinh động và độ chi tiết.

Samsung hiện duy trì (và đang mở rộng rất nhanh) một cơ sở dữ liệu khổng lồ các nội dung video, với hàng triệu mẫu video ở nhiều độ phân giải khác nhau. Bằng cách huấn luyện các thuật toán machine learning so sánh sự khác biệt giữa các mẫu phân giải, Samsung đang tinh chỉnh những công cụ kéo giãn hình ảnh tối thượng của mình, mang lại những hình ảnh như đời thực mà không cần biết độ phân giải hay video nguồn.

Tất nhiên, quá trình này bao gồm nhiều thủ thuật xứ lý truyền thống, như kéo giãn và giảm nhiễu - vốn loại bỏ nhiễu hình và các cạnh răng cưa - cũng như thêm vào các nội dung và chi tiết không hề có trong video nguồn. Và quá trình này áp dụng đối với bất kỳ và mọi loại nội dung, từ các đĩa DVD và Blu-ray đến các nội dung stream và game console. Mọi thứ được trình chiếu trên TV sẽ được tăng cường để trông đẹp nhất trên màn hình 8K.

Phương thức mới này sử dụng một cơ sở dữ liệu gồm nhiều tập hợp các mẫu độ phân giải thấp và cao để giúp AI hiểu được nó đang thấy gì, thay vì chỉ chỉnh sửa các điểm ảnh đang có sẵn, và từ đó chèn vào các họa tiết, làm sắc các chi tiết hình ảnh đang được trình chiếu ở độ phân giải thấp hơn. Cơ sở dữ liệu chủ của Samsung cung cấp các nguyên liệu thô cho machine learning - vốn sẽ liên tục cải tiến trong quá trình “học”, có nghĩa là thuật toán này sẽ không “tĩnh” mà sẽ cải tiến theo thời gian.

Video độ phân giải SD đây sao?

Các bản cập nhật firmware vốn thường được dùng để cập nhật các chức năng TV thông minh và vá các lỗ hổng bảo mật nay sẽ bao gồm cả các bản cập nhật cho tính năng kéo giãn hình ảnh bằng AI.

Samsung đã cho thấy hiệu quả của việc kéo giãn hình ảnh trên một chiếc TV 4K và chiếc TV 8K mới tại quầy trưng bày của mình ở triển lãm thương mại IFA ở Berlin tuần qua. Một đoạn video clip chuẩn, độ phân giải 729 x 420 trích xuất từ hai nhà đài nổi tiếng chuyên phát các bản tin thời sự khi trình chiếu trên TV 4K sẽ thấy hiện tượng vỡ hình rõ rệt. Trong khi trên chiếc TV 8K, hình ảnh người phụ nữ trong clip trông mềm mại và sáng hơn - thậm chí chúng ta còn không nhận ra rằng đó là một video độ phân giải thấp nữa! Trong khi đó, một video Full HD, độ phân giải 1929 x 1080 cho thấy cảnh các tòa cao ốc nhìn từ trên không và cảnh những bông hoa tím nhìn cận cảnh trông khá nhiễu hạt trên TV 4K, nhưng lại được kéo giãn ra cực kỳ rõ ràng và trong trẻo trên TV 8K.

Có thể thấy, TV 8K mới của Samsung có đủ khả năng để xử lý tác vụ kéo giãn hình ảnh một cách dễ dàng - mọi video đều trông mượt mà và sắc nét. Không biết liệu một chiếc TV 8K 85-inch có đặt vừa trong nhà bạn hay không, nhưng nếu mọi thứ trông quá đẹp như vậy mà không muốn mang nó về nhà thì quả là phí!

Các tính năng cao cấp

Là một phần của dòng sản phẩm QLED, Samsung tất nhiên cũng trang bị cho Q900FN mọi tính năng cao cấp từng có trên các mẫu TV flagship của hãng. Gã khổng lồ 85-inch này sẽ có chế độ hình nền Ambient Mode, cho phép bạn hiển thị các nội dung nghệ thuật, thời gian thực như thời tiết, các bản tin thời sự, và các hình ảnh trang trí khác khi không sử dụng TV. Khá thú vị là với kích cỡ to lớn như vậy, bạn có thể biến TV thành một chú tắc kè hoa, hiển thị một hình ảnh trùng màu với màu tường đằng sau, khiến nó như hòa làm một với không gian khi không sử dụng.

Người dùng Q900FN sẽ không phải lo ngại về vấn đề dây nhợ với One Connect Box và Invisible Connection của Samsung - vốn sử dụng một chiếc hộp riêng biệt để kết nối TV với các thiết bị gắn ngoài và loa thanh thông qua một sợi cáp nhỏ duy nhất.

Q900FN tất nhiên là một chiếc Smart TV, và nó hỗ trợ One Remote của Samsung, nền tảng Smart TV cực kỳ xuất sắc là Tizen, tương thích với Smart Things và có trợ lý giọng nói Bixby.

Ngày ra mắt và giá

Samsung chưa công bố mọi chi tiết liên quan ngày ra mắt của Q900FN, nhưng chúng ta được biết nó sẽ rơi vào đâu đó trong tháng 10. Trong khi một số TV có kích cỡ 80-inch hoặc lớn hơn chỉ có thể được mua trực tiếp từ các nhà sản xuất, thì đại diện Samsung cho biết Q900FN sẽ được bài bán tại nhiều cửa hàng bán lẻ, và quá trình phân phối của nó sẽ tương tự như các mẫu còn lại trong dòng QLED.

Câu hỏi lớn nhất lúc này là giá. Samsung chưa công bố giá, nhưng họ nói rằng giá TV 8K sẽ tương đồng với các mẫu còn lại trong dòng QLED. Xét việc chiếc Q9F màn hình 88-inch, độ phân giải 4K có giá 19.999 USD, có thể đoán được mẫu 8K màn hình 85-inch cũng sẽ có mức giá lên đến 5 con số khá đắt đỏ như vậy!

A.D

Cùng chuyên mục
XEM