Đang yên đang lành chồng bất ngờ thất nghiệp, kiếm ít tiền hơn: Các cặp đôi đã làm gì?

28/10/2023 21:31 PM | Sống

Khủng hoảng tài chính là điều mà nhiều vợ chồng trẻ phải đối diện trong cuộc sống hôn nhân.

Trường hợp vợ hoặc chồng bỗng dưng sụt giảm thu nhập là điều không cặp đôi nào muốn trong cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên chuyện tiền bạc khó có thể nói trước. Đối diện với tình huống nhạy cảm này, nếu vợ chồng trẻ không xử lý tốt có thể dẫn đến nhiều mâu thuẫn không đáng có.

Hãy cùng gặp hai cặp đôi dưới đây để xem họ giải quyết như thế nào khi "nguồn thu" của gia đình bỗng nhiên sụt giảm và cách họ cùng nhau vượt qua khó khăn này nhé.

Chồng gặp khủng hoảng tài chính vẫn "cắn răng" chịu trận một mình và cái kết

Đó là trường hợp của vợ chồng Minh Nhật (SN 1994) và vợ người Nga tên Kira (SN 1997). Hiện, Minh Nhật đang làm sáng tạo nội dung, quản lý và kinh doanh một công ty chuyên về Marketing, ngoài ra còn đầu tư tài chính. Trong khi đó, Kira là một mẫu ảnh tự do và sản xuất nội dung Trên TikTok. 

Ngay khi bắt đầu mối quan hệ, Minh Nhật luôn có suy nghĩ tiêu tiền cho những người mình yêu thương và trân trọng thì không có gì phải nghĩ. Cũng vì thế, Kira gần như không có áp lực tài chính nào. Kể cả khi có thu nhập không ổn định, cô nàng vẫn có sự hẫu thuận của chồng cho việc chi tiêu và mua sắm cá nhân.

Cách vợ chồng tháo gỡ áp lực khi gia đình kiếm ít tiền hơn: Chi tiêu tiết kiệm, nói chuyện thẳng với đối phương - Ảnh 1.

Kira và Minh Nhật (Ảnh: NVCC)

Trước khi kết hôn, cặp đôi đã bàn bạc về tài chính khá kỹ lưỡng. Đầu tiên, họ thống nhất công khai các khoản thu nhập của mình cho đối phương. Tiếp theo, chồng sẽ là người quản lý tiền  vì Minh Nhật am hiểu về tài chính, đồng thời chi tiêu tính toán kỹ càng hơn so với vợ.

Dù đã tính toán khá kỹ lưỡng, tuy nhiên khi biến cố xảy ra trong cuộc sống hôn nhân thì cả hai mới nhận ra nhiều bài học. Đó là thời điểm 2 năm sau kết hôn, công việc của Minh Nhật rơi vào khó khăn.

Bấy giờ, anh chàng cần dùng số tiền lớn để xử lý công việc và khoản tiền này chiếm phần lớn trong chi tiêu của gia đình. Dù gặp khó khăn song Minh Nhật chọn cách im lặng giải quyết mọi chuyện. Anh không dám chia sẻ với vợ vì sợ cô lo lắng. Để rồi Kira vẫn hồn nhiên, tiêu tiền như mọi khi và không nghĩ gì nhiều.

Minh Nhật nhớ lại: "Mình cứ im im, xong vừa stress tiền nong, vừa áp lực vì sợ khi đó vợ có nhu cầu gì thì mình lại không thể đáp ứng. Khoản tiền cho giải trí cũng hạn chế không dám tiêu. Thật sự lúc đó mình đã rơi vào tình trạng nhắm mắt tiêu bừa, có cả lo lắng lẫn mệt mỏi nếu khi đó vợ hỏi tiền".

Đợi đến khi công việc thuận buồm xuôi gió thì Minh Nhật mới nói với vợ về cái khó của mình. Không chỉ động viên chồng, Kira cũng bày tỏ rằng nếu có khó khăn thì anh chàng nên nói ra, để cô nàng còn biết tiết chế lại chi tiêu.

"Sau lần đó, lâu lâu Kira lại hỏi mình về công việc dạo này thế nào, để ý hơn đến thu chi của chồng và hạn chế mua sắm hơn hẳn. Mình chỉ nghĩ sao không nói ra sớm hơn để nhẹ gánh chứ sao gồng mãi được!", Minh Nhật chia sẻ. 

Cách vợ chồng tháo gỡ áp lực khi gia đình kiếm ít tiền hơn: Chi tiêu tiết kiệm, nói chuyện thẳng với đối phương - Ảnh 2.

Minh Nhật rút ra bài học: Nếu gặp khó khăn về tài chính thì cần trao đổi thẳng thắn với vợ (Ảnh: NVCC)

Vợ chồng cùng tháo gỡ áp lực khi rơi vào cảnh thất nghiệp

Phương Anh (SN 1994, Lâm Đồng) là giáo viên cấp 2, còn chồng làm bên kỹ thuật. Thời gian đầu mới cưới nhau, Phương Anh nhận lương 6 triệu đồng/tháng, trong khi chồng kiếm trung bình 12 - 15 triệu đồng/tháng. Bấy giờ, chi tiêu trong giai đình thoải mái vì tổng thu nhập của họ ổn định, đồng thời cả cặp đôi đều biết lo lắng cho tài chính của gia đình.

Biến cố xảy đến khi gần đây, họ quyết định mua đất và cần vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng. Nhưng không may là ngay sau đó, chồng của Phương Anh rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Cũng vì thế, cặp đôi phải cắt giảm chi tiêu tối đa và học cách thông cảm cho đối phương.

Bấy giờ, chồng cô nàng chỉ đưa cho vợ 1-2 triệu đồng/tháng, bởi anh còn phải dành tiền để lo làm ăn lại. Khoản tiền này cộng thêm tiền lương của Phương Anh chỉ đủ để lo chi tiêu cơ bản trong gia đình.

"Những lúc nghèo khó thế này thì thói quen tiết kiệm trong mình trỗi dậy. Tụi mình cũng động viên nhau để vượt qua lúc ngặt nghèo này. Đây coi như cũng là cơ hội để tụi mình gỡ rối cùng nhau trong vấn đề tài chính: Thông cảm cho nhau, và thấu hiểu những khúc mắc mà cả hai đang có", Phương Anh nhớ lại.

Cách vợ chồng tháo gỡ áp lực khi gia đình kiếm ít tiền hơn: Chi tiêu tiết kiệm, nói chuyện thẳng với đối phương - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Để cùng nhau vượt qua giai đoạn chồng thất nghiệp, họ đã duy trì nhiều chính sách tiết kiệm.

Cô nàng kể lại: "Lúc trước tụi mình hay ăn uống bên ngoài, cũng thích mua sắm lung tung trên mạng. Nhưng bây giờ cắt hết: Không ăn tiệm, không mua đồ mới. Một ngày quy định chỉ mua trong 100k. Sáng bước ra đường chỉ bỏ đúng 100k trong ví để mua đồ ăn cho cả nhà, ưu tiên đồ ăn cho con. Trái cây nào rẻ thì mua nhiều để dành ăn, gom rau củ dập do vận chuyển mà người ta loại ra về gọt để muối dưa. Một số siêu thị hay bán giảm giá 50% sau 9h tối hoặc sáng sớm, mình thường canh mua lựa đồ tốt.

Về phần con cái, mình cũng không cho con đi học thêm ngoài nữa mà tranh thủ dạy kèm buổi tối. Những chi tiêu tốn kém bên ngoài của 2 vợ chồng đều cắt đến mức tối đa".

Sau biến cố này, Phương Anh cho hay cô nàng đã học thêm được nhiều điều về cách quản lý tài chính trong gia đình. Cô cho rằng khi hai vợ chồng gặp khó khăn, điều cần làm là tìm cách giải quyết và đối diện trực tiếp với vấn đề. Như gia đình Phương Anh, cô nàng chọn cách cân đối lại các hạng mục chi tiêu, cắt giảm những khoản tiền không cần thiết, nhưng đồng thời cũng phải tìm cách để duy trì mức sống ổn định cho gia đình.

Thêm vào đó, vợ chồng không nên giấu giếm những cảm xúc tiêu cực nếu như nguồn thu của cả hai chênh lệch. "Khi tụi mình ngồi xuống và cùng nhau công khai chuyện tiền bạc, mâu thuẫn gia đình theo đó cũng ngày một ít đi", cô nàng chia sẻ.

Theo Vân Anh

Cùng chuyên mục
XEM