Đằng sau sự phục hưng ngoạn mục của ngành đông y Trung Quốc

24/11/2017 10:03 AM | Kinh tế vĩ mô

Số liệu của Viện FII cho thấy doanh số bán thuốc nước tiêm Đông y tại Trung Quốc năm 2016 đã đạt 13 tỷ USD. Hàng loạt những tập đoàn đầu tư như Schroders, UBS, Skagen đã đổ tiền vào những công ty đông y niêm yết trên sàn chứng khoán Trung Quốc.

Vào một sang ngày đông tháng 1/2012, anh Wu Xiaolang, một nông dân 37 tuổi đến một phòng khám đông y gần nhà để xin thuốc chữa đau đầu. Tại đây, anh được tiêm 2 mũi thuốc nước đông y và ngay lập tức tử vong vào chiều hôm đó.

Khám nghiệm tử thi cho thấy anh Wu bị thiệt mạng do dị ứng với một thành phần của thuốc nhưng các bác sĩ không thể xác định được thành phần đó do có quá nhiều loại thảo dược được thêm vào trong 2 mũi thuốc nước đông y.

Câu chuyện của anh Wu chỉ là một phần nổi của tảng bang chìm trong ngành đông y Trung Quốc.

Đông y trỗi dậy

Hàng thế kỷ qua, người Trung Quốc đã sử dụng cây cỏ, các thành phần của động vật để điều chế thành thuốc đông y nhằm chữa bệnh cho bản thân, hình thành nên một hệ thống chữa trị của phương Đông.

Dẫu vậy, sự xâm nhập của Tây y cùng sự phát triển của công nghệ đang khiến ngành Đông y Trung Quốc cũng phải thay đổi để bắt kịp với thị trường, mà tiêu biểu là những mũi tiêm thuốc nước như của anh Wu.

Việc phải sắc thuốc và uống nhiều thang, tốn kém thời gian cũng như lâu trị bệnh đã khiến ngành Đông y Trung Quốc yêu thế hơn Tây y một thời gian dài. Và giờ đây, với sự ủng hộ của chính phủ, các phòng khám Đông y Trung Quốc đang áp dụng nhiều loại công nghệ mới, như cô thuốc thành viên nén hay kết hợp Đông Tây y chữa trị cho bệnh nhân nhằm giành lại thị phần.

Số liệu của Viện FII cho thấy doanh số bán thuốc nước tiêm Đông y tại Trung Quốc năm 2016 đã đạt 13 tỷ USD. Hàng loạt những tập đoàn đầu tư như Schroders, UBS, Skagen đã đổ tiền vào những công ty đông y niêm yết trên sàn chứng khoán Trung Quốc.

Đặc biệt, số chứng chỉ cấp hành nghề đông y vào năm 2011 đã tăng vọt 50% lên tới 452.000. Chính phủ nước này cũng đã cấp chứng chỉ an toàn thực phẩm và dược phẩm cho khoảng 60.000 vị thuốc, gần tương đương với 1/3 số vị thuốc đang lưu thông trên thị trường. Vào năm 2015, số liệu chính thức cho thấy các bác sĩ và bệnh viện đông y đã đón tiếp 910 triệu lượt khám bệnh, tương đương 16% tổng số và tăng 14% so với năm 2011.

Câu chuyện thuốc đông y này thực sự gây ấn tượng với các chuyên gia nước ngoài, nhất là sau khi nhà Thanh sụp đổ vào năm 1911 và nền y học phương Đông này bị các bác sĩ cũng như nền khoa học phương Tây nghi ngờ sâu sắc. Các học giả Phương Tây cho rằng nhu cầu đối với thuốc đông y Trung Quốc ngày càng tăng hiện nay phần lớn là do thu nhập của người dân tăng, qua đó kích thích niềm tin rằng nếu sử dụng những thực phẩm chức năng bổ dưỡng đông y, họ có thể tránh được nhiều bệnh tật.

Đằng sau sự phục hưng ngoạn mục của ngành đông y Trung Quốc - Ảnh 1.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của đông y phải kể đến công của Chủ tịch Tập Cận Bình. Chủ tịch Tập đã gọi đông y là “hòn ngọc của khoa học truyền thống Trung Quốc” và thừa nhận rằng mình có sử dụng thuốc đông y.

“Thuốc đông y đang ở thời kỳ hoàng kim”, Chủ tịch Tập tuyên bố.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc này thậm chí đã kêu gọi những chuyên gia, thầy thuốc đông y tích cực phát triển, truyền bá loại hình chữa bệnh này ra ngoài thế giới. Kể từ năm 2012 khi Chủ tịch Tập lên nắm quyền, chính quyền Bắc Kinh đã liên tục nhấn mạnh rằng thuốc đông y Trung Quốc có vị thế tương đương với cái gọi là “Tây y” và ban hành một loạt chính sách, kế hoạch để phổ biến loại hình chữa bệnh này cho mọi người từ nay đến năm 2020.

Những tài liệu trong Sách Trắng (White Paper) của Trung Quốc cuối năm 2016 cho thấy đông y sẽ đóng vai trò chủ chốt trong quá trình tái cơ cấu ngành y tế do có mức giá cả phải chăng.

Đến tháng 7/2017, lần đầu tiên Trung Quốc ban hành bộ luật đông y, qua đó quy định những tiêu chuẩn về thuốc bắc cũng như những thành phần nguyên liệu được bao gồm trong đó. Bộ luật này cũng quy định cách gieo trồng các vị thuốc, như cấm sử dụng các hóa chất hay quy định tiêu chuẩn sản xuất viên nén thuốc đông y tại các nhà máy.

Số liệu chính thức cho thấy những bệnh nhân nội trú trong các bệnh viện đông y tiêu tốn ít hơn 24% so với các bệnh viện thường. Con số này là 12% đối với bệnh nhân ngoại trú.

Đằng sau sự phục hưng ngoạn mục của ngành đông y Trung Quốc - Ảnh 2.

Khó kiểm soát

Tuy vậy, điều trớ trêu là chất lượng an toàn của những loại thuốc Đông y lại chưa hề được kiểm chứng đầy đủ. Trong hàng trăm loại nguyên liệu thuốc Đông y được bày bán trên thị trường ngày nay, rất nhiều loại chưa được thử nghiệm lâm sàng chặt chẽ trên cơ thể người và hầu hết các bác sĩ chỉ dựa theo những tài liệu cổ hoặc những lý thuyết Đông y để kê đơn để rồi đem lại nhiều hậu quả đáng tiếc.

Theo số liệu chính thức của chính phủ, những vụ dị ứng thuốc hay thậm chí tử vong như trường hợp của anh Wu lên tới 133.000 vụ trong khoảng 2011-2016, đó là chưa kể đến những trường hợp dị ứng nhưng không thông báo đến các cơ quan.

Đứng trước thực trạng phức tạp này, chính phủ Trung Quốc đã ban hành các tiêu chuẩn cho thị trường thuốc Đông y nhưng các chuyên gia cho rằng điều này có thể tốn hàng thập niên do sự phức tạp của ngành này. Rất nhiều dược liệu chỉ được dùng qua các tài liệu cổ mà chưa được kiểm chứng cũng như chứng minh khoa học.

Khi hãng Shineway giới thiệu dòng thuốc nước tiêm Đông y đầu tiên vào thập niên 1990, không có một bản công chứng của phòng khám nào được cung cấp để đảm bảo cho loại thuốc này. Cho đến tận ngày nay, sản phẩm này vẫn được lưu hành mà chưa hề có một nghiên cứu toàn diện mang tính khoa học cho chúng.

Hiện nay, Shineway có doanh số khoảng 160 triệu USD từ các sản phẩm thuốc nước tiêm Đông y và có tổng mức vốn hóa khoảng 770 triệu USD.

Đằng sau sự phục hưng ngoạn mục của ngành đông y Trung Quốc - Ảnh 3.

Số ca phản ứng với thuốc tiêm Đông y Trung Quốc đã tăng gấp đôi từ năm 2011 (nghìn vụ)

Tại những nước phát triển như Mỹ, mỗi loại thuốc trước khi được chào bán phải trải qua rất nhiều xét nghiệm trên hàng nghìn bệnh nhân. Trung Quốc cũng muốn xây dựng hệ thống kiểm duyệt thuốc như vậy nhưng nạn tham nhũng đã khiến hàng nghìn loại thuốc Đông y chưa qua kiểm định chặt chẽ lưu thông trên thị trường từ đầu thập niên 2000.

Quay trở lại câu chuyện của anh Wu Xiaolang, gia đình nạn nhân này đã được bồi thường 24.000 USD do sơ suất của bác sĩ. Theo báo cáo điều tra, các bác sĩ khi kê đơn đã không nhận ra được mối nguy hiểm tiềm ẩn của những loại thuốc tiêm Đông y này.

“Tôi vốn đã mồ côi mẹ, nhưng nay thậm chí tôi đã mất đi cả người cha”, cô con gái 18 tuổi của anh Wu nghẹn ngào nói.

AB

Cùng chuyên mục
XEM