Đằng sau một gia đình không êm ấm là cha mẹ thích đổ lỗi cho nhau: Để con trẻ được sống hồn nhiên đúng tuổi, cha mẹ cần tránh 4 thói quen độc hại này

11/11/2019 11:13 AM | Sống

Để chữa lành vết thương của con trẻ, trước tiên phải chữa lành tâm lý của bố mẹ và hàn gắn những rạn nứt của một gia đình không êm ấm.

Vài năm trước, căn hộ tôi sống sát vách với căn hộ của một cặp vợ chồng rất ghét nhau. Đôi này có hai con, một bé gái 9 tuổi và một cậu con trai lúc đó mới lên 3. Vợ chồng nhà này có thói quen rất xấu là hay la mắng nhau trước mặt lũ trẻ. Cô vợ gọi chồng là "thằng kh**" còn anh kia toàn quát vợ là "con ch*". Lũ trẻ đang độ tuổi đến trường và khi đến lớp chúng có đủ kiểu biểu hiện bất thường so với những đứa trẻ cùng tuổi. Cậu con trai thường xuyên đánh bạn, tần suất và cường độ vô cùng đáng ngại đối với một đứa trẻ mới lẫm chẫm biết đi. Cô con gái thì bướng bỉnh và vô lễ.

Cơ bản thì hành vi, sức khỏe tinh thần của con cái chính là tấm gương phản chiếu những vấn đề của cả gia đình. Trong trường hợp này, nguồn cơn cậu con trai hay đánh bạn và cô con gái bướng bỉnh là những gì diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của gia đình hai em.

Bất lực trước những phàn nàn giáo viên gửi về, vợ chồng người hàng xóm mời tôi sang nhà nghĩ cách chỉnh đốn thái độ của lũ trẻ. Khi tôi nói trẻ con học cách giao tiếp từ người lớn trong nhà, chúng sẽ nghĩ gì khi lúc nào cũng thấy bố mẹ cãi nhau, cô vợ phì cười: "Cô cứ nói linh tinh", và trao cho anh chồng ánh nhìn sắc lẻm trong khi anh này thì chối: "Bọn tôi có mấy khi cãi nhau trước mặt mấy đứa đâu."

Ngay lập tức, thằng nhỏ 3 tuổi đang cắm cúi chơi điện thoại bật dậy đấm túi bụi vào không khí còn cô con gái 9 tuổi mắt rời TV và nhướn mày: "Thật ạ?!!"

Vấn đề bắt nguồn từ người làm cha mẹ và cách giải quyết cũng phải từ cha mẹ mà ra. Có điều người lớn thích đổ tội cho nhau nhiều hơn là thừa nhận ảnh hưởng của mình trong một gia đình không êm ấm. Con hư vậy là do nhà trường, mắng con vừa bướng vừa ương chứ hiếm khi nhìn lại mình và công nhận mình là nguyên nhân của mọi chuyện.

Với bất kỳ gia đình không êm ấm nào bạn cũng đều thấy những dấu hiệu độc hại đến khó tin. Chỉ một đặc điểm thôi đã đủ gây chuyện lớn, không may là chúng thường xuất hiện theo cả "combo".

1. Gia đình không êm ấm không bao giờ chịu trách nhiệm

Bạn đã bao giờ gặp một người không bao giờ có lỗi chưa? Bất kể trong hoàn cảnh nào họ cũng là nạn nhân, mọi chuyện là tại người khác hết, đối phương luôn là người sai. Những người này là chuyên gia đổ tội và chối tội, bạn sẽ chẳng bao giờ nghe thấy họ nói lời xin lỗi.

Cha mẹ tốt luôn có những hành vi đúng mực để làm gương cho con cái, bao gồm cả việc thừa nhận khi họ làm sai. Một số người cho rằng lời xin lỗi là biểu hiện của sự yếu đuối nhưng sự thật ngược lại. Người lớn luôn luôn chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Sao chúng ta có thể hy vọng các con chấp nhận mọi hậu quả chúng gây ra trong khi chúng ta không làm được điều tương tự?

Hơn cả việc nói lời xin lỗi, cha mẹ không biết chịu trách nhiệm thực chất là những học sinh không tuân thủ nội quy hồi còn đi học. Họ luôn có lý do, luôn biện minh cho mọi hành vi xấu của mình. Bạn từng thấy phụ huynh đến trường và cãi nhau với hiệu trưởng bao giờ chưa? Con tôi không bao giờ làm thế này thế kia hết…

Đằng sau một gia đình không êm ấm là cha mẹ thích đổ lỗi cho nhau: Để con trẻ được sống hồn nhiên đúng tuổi, cha mẹ cần tránh 4 thói quen độc hại này - Ảnh 1.

2. Gia đình không êm ấm lúc nào cũng cãi nhau, cãi nhau về mọi thứ

Nếu bạn lớn lên trong một gia đình lúc nào cũng cãi vã, bạn thấy chuyện đó bình thường. Sự thật không phải như vậy. Rất nhiều cha mẹ cãi nhau, điều này không hẳn là vấn đề nghiêm trọng. Vấn đề trở nên nhức nhối khi cha mẹ không ý thức được việc mình cần tránh cãi vã trước mặt con cái.

Trong những gia đình không êm ấm, việc này thường xuyên như cơm bữa. Một đứa trẻ 8 tuổi ngày ngày chứng kiến cha mẹ hét vào mặt nhau thì có thể học cách giao tiếp lành mạnh ở đâu? Kết quả là trẻ con cũng cãi vã nhiều như cha mẹ chúng, rồi người lớn cãi nhau với trẻ con…

Hãy nói chuyện người lớn khi không có mặt các con. Nếu các bố mẹ không thể làm chuyện đơn giản đó thì nên nén máu nóng của mình lại. Cãi nhau trước mặt trẻ con là hình thức bạo hành cả về tinh thần và lời nói; cha mẹ cũng không thể dạy con cách xử lý mâu thuẫn khi mình là những tấm gương tệ hại như vậy.

Cha mẹ cãi nhau với con thì thua 100%. Điều họ không nhận ra là cãi vã phục vụ hai mục đích khác nhau phụ thuộc vào độ tuổi. Đối với người lớn, cãi vã là một cách (tiêu cực) thể hiện lập trường và chứng minh cho đối phương là họ đang sai. Đối với trẻ con, cãi vã là cách để các con gây sự chú ý. Giây phút bạn hét lên là bạn đã thua rồi đấy.

3. Gia đình không êm ấm đối xử với những đứa trẻ như những người lớn

Có trên có dưới, ranh giới rõ ràng là đặc điểm quan trọng của một gia đình êm ấm, mỗi thành viên với những lứa tuổi cụ thể sẽ có vai trò của riêng mình. Theo lẽ thường tình, người lớn phải cư xử như người lớn và trẻ con được cư xử như trẻ con. Với những gia đình không êm ấm, trật tự này có thể bị đảo ngược.

Đó là khi cha mẹ khiến các con phải tiếp xúc với những điều không phù hợp với lứa tuổi của các em. Tôi từng biết một em bé 9 tuổi chịu trách nhiệm thanh toán các hóa đơn của gia đình khi người thu tiền đến nhà và một bà mẹ đơn thân 45 tuổi phải xin phép cậu con trai 11 tuổi mỗi khi đi hẹn hò. Thông thường thì con cái của các cặp vợ chồng ly dị thường làm cầu nối đưa thông tin qua lại giữa hai bên hay làm trọng tài cho nhiều thỏa thuận giữa người lớn. Những chuyện này thực chất không phải là chuyện trẻ con phải quan tâm.

Trong mắt người ngoài, những đứa con "già dặn" có vẻ rất "ngoan". Tuy nhiên, khi người lớn đòi hỏi các em phải thực hiện những nghĩa vụ của người lớn, các em có thể trở thành nạn nhân của sự lo lắng và căng thẳng vì các em thiếu những kỹ năng, hiểu biết và sự ổn định về tâm lý để đối phó với những vấn đề của người lớn.

Khi gặp căng thẳng, người lớn biết cách giải tỏa để cân bằng cảm xúc của mình. Họ có thể tám chuyện với đồng nghiệp, gặp gỡ bạn bè hay đến phòng tập gym. Trẻ con thì không biết những điều đó, kết quả là các em "nổi dậy". Những đứa trẻ gặp rắc rối trong việc kiểm soát cảm xúc hay giao tiếp thường do các em căng thẳng vì phải gánh vác những trách nhiệm và vai trò không phù hợp với lứa tuổi.

Việc giao việc cho các con là rất cần thiết để rèn cho con tính tự lập. Dọn phòng, làm bài tập, quét sân vườn, trông em là những việc cơ bản trẻ em nên làm nhưng quyết định xem cha mẹ có được làm điều này điều kia hay thanh toán hóa đơn thì không. Trẻ em phải được ngây thơ đúng tuổi.

Đằng sau một gia đình không êm ấm là cha mẹ thích đổ lỗi cho nhau: Để con trẻ được sống hồn nhiên đúng tuổi, cha mẹ cần tránh 4 thói quen độc hại này - Ảnh 2.

4. Cuối cùng, gia đình không êm ấm thường là mầm mống của ngược đãi

Ngược đãi có nhiều hình thức: thể chất, tình dục, lời nói và hình thức phổ biến nhất là ngược đãi tinh thần. Pháp luật sẽ can thiệp nếu bố mẹ dùng đòn roi "dạy dỗ" con quá khắc nghiệt nhưng chưa có hình thức xử lý nào dành cho ngược đãi tinh thần. Ngược đãi tinh thần có thể khó xác định hơn nhưng chắc chắn nguy hiểm hơn. Một số ví dụ của ngược đãi tinh thần là:

- Cha mẹ dùng thuốc cấm, xem phim đồi trụy, thực hiện hành vi phạm pháp trước mặt con cái.

- Cha mẹ kéo con nhỏ vào những vấn đề của người lớn như tiền bạc, hóa đơn, rắc rối về luật pháp.

- Vợ chồng cãi vã thậm chí dùng bạo lực với nhau trước mặt con cái.

- Cha mẹ dọa đuổi con ra khỏi nhà.

- Cha mẹ bỏ bê con cái.

- Cha mẹ đổ tội cho con cái.

Trẻ em có thể trải qua mọi vấn đề về sức khỏe tâm thần, từ trầm cảm nhẹ đến loạn thần. Tất nhiên là người lớn cũng có thể gặp những vấn đề tương tự. Điều khác biệt là sức khỏe tâm thần của trẻ em thường phản ánh những xáo trộn trong môi trường các em đang sống.

Để chữa lành vết thương của con trẻ, trước tiên phải chữa lành tâm lý của bố mẹ và hàn gắn những rạn nứt của một gia đình không êm ấm. May mắn là việc này hoàn toàn khả thi. Bước khó khăn nhất, cũng là bước đầu tiên mà các bậc cha mẹ cần vượt qua là thừa nhận (có thể) chính cha mẹ là nguồn cơn của mọi vấn đề.

Phương Thảo

Cùng chuyên mục
XEM