Đằng sau lời quảng cáo phát âm "chuẩn" ở các trung tâm tiếng Anh: Không phải cứ có chứng chỉ là dạy tốt!

25/08/2017 14:27 PM | Kinh doanh

Nhiều trung tâm hiện nay đưa ra những lời mời hấp dẫn như “giao tiếp chuẩn giọng Mỹ với 100% giáo viên bản ngữ”, “dạy và sửa đến khi phát âm chuẩn mới tốt nghiệp”, “tự tin giao tiếp sau 4-6 tháng”,…để tăng cường thu hút học viên. Tuy nhiên chất lượng thật sự chỉ có người trong cuộc mới hiểu.

Là sinh viên năm 2 khoa điện tử - viễn thông một trường đại học khối kỹ thuật trên địa bàn Hà Nội, Xuân Thắng (Hải Phòng) quyết định đầu tư học tiếng Anh ngay từ hè năm nhất để chuẩn bị dần cho con đường du học thạc sĩ. Sau khi được bạn bè tư vấn, Thắng lựa chọn học phát âm trước, vì theo cậu bạn này “trong 4 kỹ năng, nói là khó nhất, mà muốn nói tốt thì phải phát âm đúng đã”.

Với chi phí hơn 2 triệu cho một khóa phát âm trong 40 giờ trên lớp, tương đương 5 giờ/tuần, sau 2 tháng theo học, Thắng tự nhận mình đã biết "bật âm cuối, nối âm, nhấn trọng âm từ,...và có thể nghe một số đoạn hội thoại trên phim Mỹ".

“Mình phát hiện ra mình nghe kém vì mình nói sai nhiều, thành ra lúc nghe không nhận ra âm nào với âm nào; may mà đi học để chỉnh sửa kịp thời. Giờ thì mình đang học thêm khóa giao tiếp nâng cao trong vòng 3 tháng, hy vọng xong là nói chuyện với Tây thoải mái”, cậu bạn hào hứng chia sẻ.

Khi tiếng Anh ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong học tập, công việc, giao tiếp quốc tế, thì việc học tiếng Anh không chỉ dừng lại ở giỏi ngữ pháp, viết bài luận hay,... nhiều người Việt đang đầu tư khá nhiều tiền cho những khóa học phát âm, giao tiếp. Tuy nhiên với “ma trận” trung tâm cùng các hình thức quảng cáo đa dạng như hiện nay, lựa chọn nhiều khi chỉ mang tính “may rủi”.

Không có kết quả tốt như trường hợp của Thắng, chị Hồng (Long Biên) cho biết, chị có gửi con trai 5 tuổi đi học nói tại một trung tâm gần nhà để tiện việc đưa đón. Ban đầu chị cũng hơi ngần ngại khi biết trung tâm chủ yếu là giáo viên Việt Nam, nhưng được chủ cơ sở cam kết "giáo viên đều có bằng cấp sư phạm, nói tiếng Anh chuẩn như người nước ngoài, lại là người Việt nên dễ trao đổi với học sinh...", chị đã đồng ý.

“Sau hai tuần học, tôi tá hỏa khi biết những từ đơn giản như ‘cat’ (con mèo) hay ‘monkey’ (con khỉ) con cũng phát âm sai. Tôi đến trung tâm tìm hiểu xem nguyên nhân do con mình hay giáo viên, thì mới biết, bạn giáo viên vừa tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Pháp, đang học thêm chứng chỉ sư phạm”.

Chị Hồng cũng cho biết sau lần đó, chị quyết định để con ở nhà, tự bật các chương trình hoạt hình và video tiếng Anh đơn giản trên Youtube để con bắt chước nói theo. “Khi nào thằng bé lớn, tự đi học được, thì tìm trung tâm khác xa nhà vậy”.

"Không phải cứ có chứng chỉ là dạy tốt"

Trao đổi với chúng tôi, một giảng viên tiếng Anh từng có thời gian dài học tập và công tác ở nước ngoài, hiện là chủ của 6 cơ sở dạy tiếng Anh trên địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc giáo viên phát âm không chuẩn, theo anh, không phải hiện tượng quá phổ biến.

“Thường thì các giáo viên dạy speaking (nói) có phát âm khá tốt. Chỉ những giáo viên dạy đọc, viết thì phát âm có thể sai, nhưng đấy là chuyện bình thường, vì họ dạy chuyên về kỹ năng khác”.

Cũng theo anh, bản chất việc phát âm chuẩn đã là việc khó, vì phụ thuộc nhiều vào xuất phát điểm của giáo viên. Nếu giáo viên ấy được đào tạo trong môi trường nói tiếng Anh một thời gian dài, hoặc chủ động trau dồi qua việc nói chuyện trực tiếp với người nước ngoài, xem nghe các video của người bản xứ thì việc phát âm chuẩn dễ dàng hơn. “Còn nếu không chú ý, họ vẫn có thể là giáo viên giỏi tiếng Anh nói chung nhưng phát âm không chuẩn”.

Một thực tế là hiện nay nhiều trung tâm tiếng Anh chỉ tuyển giáo viên có chứng chỉ quốc tế, nhưng các chứng chỉ này cũng có nhiều loại, nhiều yếu tố cấu thành khác nhau. Ví dụ chứng chỉ IELTS 8.0 (điểm tối đa 9.0) là tổng điểm trung bình của cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, trong đó phần nói chỉ được 6.5 nhưng các phần còn lại cao thì điểm vẫn cao. Hay như chứng chỉ dạy tiếng Anh TESOL, dạy nói chỉ là một phần, bên cạnh các kiến thức về phương pháp truyền đạt, tổ chức lớp, khơi dậy hứng thú cho học sinh,... Không phải lúc nào giáo viên sở hữu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cũng là giáo viên phát âm chuẩn, nói tốt.

“Mình nghĩ câu chuyện ở đây thế nào là ‘chuẩn’. Rất khó để phát âm chuẩn 100% như người Anh, người Mỹ nhưng cũng phải gần giống vậy. Đối với người làm nghề dạy nói thì càng phải cố gắng gần với chuẩn nhất, vì cái sai của mình sẽ ảnh hưởng đến người khác, mà khi dạy học sinh với số lượng lớn thì lại càng nguy hiểm”, giảng viên này kết luận.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM