Đằng sau chuyện một quản lý tập đoàn Daewoo mất việc vì vợ lỡ mặc áo lông chồn

04/06/2017 10:30 AM | Sống

Một quốc gia của những người tiêu dùng chi tiêu vượt mức của mình chính là một quốc gia đang gặp rắc rối.

Trong cuốn sách hồi ký viết năm 1989, nhà sáng lập tập đoàn Daewoo Kim Woo Chung từng kể lại trường hợp một vị quản lý đã mất việc vì thói phung phí của... người thân trong gia đình người này, khiến không ít người ngạc nhiên. Cụ thể là trong một buổi sinh hoạt xã hội dành cho các lãnh đạo công ty, và vợ của một ông đã xuất hiện trong chiếc áo khoác lông chồn.

"Tôi biết rất rõ rằng ông này không có khả năng mua nổi áo lông chồn cho vợ mình với mức lương của ông ấy. Họ cũng có đến vài chiếc xe hơi trong nhà. Rõ ràng những người này đang sống quá khả năng của mình, dĩ nhiên trừ phi họ còn có gì đó phụ thêm vào. Và vì ông này đang làm việc ở bộ phận mua hàng nên nhiều người nghĩ tư cách của ông ấy có vấn đề.

Tôi không thể không cảm thấy rằng thói phung phí như thế có thể dễ dàng trở thành một căn bệnh lây lan cho những nhân viên khác, cho nên tôi ra lệnh kín đáo điều chuyển ông kia khỏi vị trí đang làm.

Theo tất cả những gì tôi biết, không có lời bào chữa nào cho việc vợ ông ấy mua một chiếc áo khoác lông chồn cả. Rồi ông ấy rời khỏi công ty", Kim Woo Chung viết.

Ông cho rằng trách nhiệm của một người đối với xã hội tăng lên tương xứng với tài sản của người ấy. Mọi thứ chúng ta có đến với chúng ta từ và qua xã hội. Điều này đúng cả với tài sản, danh tiếng và quyền lực. Và xã hội không trao những thứ đó cho chúng ta để chúng ta sử dụng cho riêng mình. Xã hội trao cho chúng ta để chúng ta có thể đáp lại xã hội một cách thích đáng.

Quan điểm của ông cho rằng càng có nhiều tiền thì các bạn càng cần tằn tiện, và càng phải có trách nhiệm dẫn dắt xu hướng xã hội theo hướng lành mạnh bằng việc nỗ lực làm việc hơn những người khác và tằn tiện hơn những người khác.

Nỗi lo về một xã hội phung phí

Từ hiện tượng tại Daewoo, Kim Woo Chung lo ngại rằng xã hội Hàn Quốc thời điểm bấy giờ giàu có hơn trước kia, nhưng chưa đến mức có thể phung phí. Bởi đất nước hiện đang ở giao lộ giữa hướng phát triển thành một quốc gia tiên tiến hoặc giẫm chân tại chỗ.

"Mấy năm qua, đất nước Hàn Quốc chúng ta đã trở nên khá phồn thịnh. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.000 đô-la. Đường xá có rất nhiều xe cộ, chúng ta có những cửa hàng lớn chất đầy hàng hóa tốt, cơ hội du lịch nước ngoài cũng mở ra cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên, tiếc thay, một trong những hệ lụy của sự thịnh vượng mới nổi này chính là tình trạng chi tiêu lãng phí, một khuynh hướng đang lan tràn trong xã hội như một căn bệnh lây lan. Mặc dù chúng ta đã thịnh vượng hơn, nhưng chắc chắn tôi không nghĩ đã đến lúc chúng ta phung phí.

Mặc dù thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 5.000 đô-la nhưng tôi không nghĩ tình hình giống như khi Nhật Bản đạt đến mức 5.000 đô-la. Tôi cảm thấy rằng thực tế chúng ta đang sống với mức thu nhập bình quân chỉ 2.000 đô-la. Khi xem xét mức lạm phát và giá trị giữa đồng won Hàn Quốc và đồng đô-la, con số 5.000 đô-la của chúng ta gần với mức 2.000 đô-la nếu so sánh với mức chuẩn của Nhật Bản thời đó.

Nhưng mức tiêu thụ của chúng ta thì ngang bằng với Nhật Bản hiện nay. Chúng ta đang tiêu xài rất lớn so với thu nhập bình quân đầu người.

Bất kỳ ai kiếm được 2.000 đô-la nhưng lại tiêu 10.000 đô-la cũng sẽ gặp rắc rối. Người nào kiếm ra 2.000 đô-la cũng chỉ nên chi tiêu dưới 2.000 đô-la. Như thế mới hợp lý, và như thế mới tạo ra cuộc sống gia đình tốt đẹp và một quốc gia lành mạnh", ông lấy dẫn chứng.

Một khi người dân bắt đầu tiêu tiền thì rất khó dừng họ lại. Khi họ đã được nếm trải thứ gì đó lớn hơn và tốt hơn, sẽ rất khó quay trở lại. Chẳng hạn, rất khó, gần như không thể, để một người đang sống trong ngôi nhà rộng rãi chuyển sang một nơi chật hẹp hơn. Và chẳng có gì bất tiện hơn với một người có xe hơi riêng phải chuyển sang dùng phương tiện công cộng.

Ông cho rằng tiêu dùng thái quá rất nguy hiểm, và nó trở thành một thói quen xấu. Một quốc gia của những người tiêu dùng chi tiêu vượt mức của mình chính là một quốc gia đang gặp rắc rối.

Tuy nhiên, hiểm họa không đến từ việc lãng phí tiền bạc. Chi tiêu thái quá ảnh hưởng đến đạo đức chung, người dân trở nên giảm quyết tâm làm việc chăm chỉ, và họ quan tâm nhiều hơn đến hưởng thụ ngay lúc này. Họ muốn chơi nhiều hơn là họ muốn làm việc, và họ trở thành con mồi của sự lười biếng và phung phí mà xa rời đức tính cần cù và tiết kiệm. Thay vì tích góp từng tí một thông qua những nỗ lực lành mạnh, họ sẽ tìm kiếm vận may từ trên trời rơi xuống.

Tất cả những điều này chỉ dẫn tới tha hoá và suy đồi bản chất con người và cuối cùng là cả một dân tộc và quốc gia.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM