Đằng sau chiến lược mở cửa thị trường nhưng buộc chia sẻ công nghệ của Trung Quốc

25/09/2017 14:18 PM | Kinh tế vĩ mô

Trên thế giới hiện nay, các tập đoàn quốc tế đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các công ty Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc không phải là nền kinh tế đầu tiên trên thế giới thực hiện công nghiệp hóa nhưng tốc độ phát triển của nước này lại ở mức nhanh chưa từng có.

Trong chiến dịch bầu cử của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng cam kết sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn như nâng thuế nhập khẩu với các mặt hàng từ Trung Quốc nhằm đối phó với tình trạng thâm hụt thương mại của nước này với nền kinh tế thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, những rắc rối về địa chính trị cũng như khả năng kích động một cuộc chiến toàn diện về kinh tế đã khiến Nhà Trắng do dự.

Trong khi đó, Liên minh Châu Âu (EU) lo ngại sự bành trướng mua bán, sáp nhập (M&A) của Trung Quốc và đã phải siết chặt các quy định về đầu tư của người nước ngoài. Ngoài ra, những động thái nhằm cải cách nền kinh tế đi kèm với bảo hộ của chính quyền Bắc Kinh đang khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài phẫn nộ vì chúng đi ngược lại tinh thần của những hiệp định tự do thương mại.

Thị phần của các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc ở các ngành công nghệ cao

Thị phần của các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc ở các ngành công nghệ cao

Chỉ cách đây hơn 10 năm, những mặt hàng kỹ thuật thấp như móc khóa, tất hay thuốc lá vẫn là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc thì nay quốc gia này đã cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên toàn cầu ở những lĩnh vực công nghệ hàng đầu, từ thanh toán trực tuyến cho đến ô tô lái tự động.

Mặc dù sự cạnh tranh đến từ Trung Quốc sẽ kích thích sáng tạo cũng như phát triển, qua đó đem lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng nhiều chuyên gia cũng lo ngại về vấn đề thiếu công bằng trong cuộc chơi này. Những doanh nghiệp cảm thấy rủi ro khi phải tuân thủ những quy định do người Trung Quốc đặt ra trong khi sự lo lắng về mất việc làm đã khiến hàng loạt chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc lên ngôi ở Phương Tây.

Những tuyệt chiêu của doanh nghiệp Trung Quốc

Trong nhiều năm, chính quyền Bắc Kinh đã có những chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế như giữ đồng Nhân dân tệ ở mức thấp để thúc đẩy xuất khẩu, ưu đãi các tập đoàn quốc doanh lớn bằng những khoản tín dụng lãi suất thấp hay thực hiện những vụ sao chép, ăn cắp công nghệ tinh vi.

Dẫu vậy, tình hình hiện nay đang dần khác khi các công ty tư nhân của nước này dần lớn mạnh và bắt đầu có những bước đi mới, qua đó đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế. Hàng loạt các sản phẩm mới về công nghệ hiện nay của nền kinh tế này đến từ khu vực kinh tế tư nhân thay vì các doanh nghiệp nhà nước.

Trước đây, những vụ đánh cắp thông tin hay sao chép vi phạm bản quyền đã trở thành thương hiệu của các doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy vậy, sự phát triển của nhiều tập đoàn tư nhân lớn trong nước đã khiến nhu cầu bảo vệ trí tuệ và bản quyền tại Trung Quốc ngày càng lên cao. Bản thỏa thuận năm 2015 về sở hữu trí tuệ giữa Trung Quốc và Mỹ là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cách làm giàu bằng ăn cắp bản quyền đã không còn là xu hướng kinh doanh dài lâu tại đây.

Bên cạnh đó, việc các công ty Trung Quốc học được những kỹ thuật từ các liên doanh nước ngoài và bắt đầu sản xuất được các sản phẩm chất lượng với giá rẻ đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế nước này. Ví dụ trong 15 năm qua, mức giá tivi có điều chỉnh lạm phát tại Trung Quốc đã giảm hơn 90% nhờ những sản phẩm nội địa chất lượng tốt có giá phải chăng.

Nhờ khả năng sản xuất các mặt hàng công nghệ giá rẻ mà thị phần xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn cầu đã tăng lên 14%, mức cao nhất mà bất kỳ nền kinh tế nào ngoài Mỹ từng đạt được kể từ năm 1968. Kể từ đây, Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng sang những sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật ngày một cao và cạnh tranh mạnh mẽ với Phương Tây.

Bất kể doanh nghiệp của bạn là nhà sản xuất xe hơi công nghệ cao tại Đức, máy móc thiết bị tại Mỹ hay robot tại Nhật Bản thì khả năng trong tương lai, đối thủ của bạn sẽ là những công ty từ Trung Quốc.

Đằng sau chiến lược mở cửa thị trường nhưng buộc chia sẻ công nghệ của Trung Quốc - Ảnh 3.

Hàn Quốc và Đức là những nước phụ thuộc nhiều nhất vào kế hoạch phát triển "made in China 2025" của Trung Quốc

Hầu như tất cả các chuyên gia, doanh nghiệp đều nhận ra nguy cơ này. Tổng thống Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng nhiều nhà lãnh đạo Phương tây cũng nhận ra được điều này. Dẫu vậy, họ chẳng thế làm được gì nhiều khi Trung Quốc đang là thị trường lớn số 1 thế giới với lượng tài chính khủng đang đầu tư tại mọi nơi trên thế giới.

Để có thể kinh doanh thuận lợi tại Trung Quốc, các doanh nghiệp nước ngoài bị buộc phải giao ra công nghệ của họ cho những công ty nội địa học tập. Những doanh nghiệp quốc tế này cũng trở thành mục tiêu chính cho những quy định khắt khe của chính quyền Bắc Kinh nhưng họ chẳng thể làm gì bởi Trung Quốc là người đề ra luật chơi tại đây.

Made in China

Trong những ngày gần đây, câu chuyện về việc xây dựng đoàn tàu cao tốc nhanh nhất thế giới được đăng tràn lan trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Tuyến tàu cao tốc này nối giữa Bắc Kinh với Thượng Hải có thể chạy mới vận tốc 350 km/h. Đây quả là niềm tự hào của người dân nước này khi họ mới tham gia lĩnh vực trên cách đây 10 năm và hiện đã có đến 20.000km đường tàu cao tốc.

Trên thực tế, thành công trên có sự giúp đỡ rất nhiều của chính phủ chứ không phải do các doanh nghiệp tư nhân. Từ việc hỗ trợ nguồn vốn, buộc các doanh nghiệp nước ngoài chia sẻ công nghệ hay giải phóng mặt bằng… đều được chính phủ đi đầu giải quyết.

Cách đây 2 năm, Trung Quốc tuyên bố kế hoạch “Made in China 2025” với khoảng 10 lĩnh vực kinh tế mới được thêm vào trong chiến lược phát triển trọng tâm. Bản kế hoạch này được ví như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Đức nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp.

Đằng sau chiến lược mở cửa thị trường nhưng buộc chia sẻ công nghệ của Trung Quốc - Ảnh 4.

Đầu năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố thành lập đến 1.113 quỹ đầu tư với tổng số vốn 5,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ (807 tỷ USD) để đầu tư cho dự án “Made in China” này.

Tuy nhiên, sự phát triển này không hoàn toàn là cơ hội đối với những công ty nước ngoài. Khi cơn sốt tàu cao tốc bùng nổ tại Trung Quốc năm 2004, các hãng Siemens của Đức hay Kawasaki của Nhật đã được nhận thầu các dự án với điều kiện chia sẻ công nghệ. Đến hiện nay, những hãng này ngậm ngùi nhận ra thị phần của họ đang bị các hãng nội địa Trung Quốc xâm chiếm với sự trợ giúp từ chính phủ.

Nhiều nước hiện nay như Hàn Quốc hay Đức xem Trung Quốc như là thị trường béo bở để thu lời mà không nhận ra họ đang gián tiếp tạo nên một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng. Ví dụ như mảng thiết bị bán dẫn được Trung Quốc phát triển từ thập niên 1970, trong số 145 tỷ USD chip tiêu thụ năm 2015, chỉ 1/10 trong số đó là được dùng nội địa, còn lại là xuất khẩu sang nước ngoài.

Theo Economist, mặc dù Trung Quốc có thể không thành công hết ở cả 10 lĩnh vực kinh tế mới trong “Made in China” như đã làm với tàu cao tốc nhưng chắc chắn họ có thể làm được ở vài ngành. Khi đó, những tập đoàn Phương Tây từng háo hức đầu tư vào Trung Quốc và chia sẻ công nghệ sẽ phải hối hận vì đã nuôi dưỡng nên một đối thủ đáng gờm.

AB

Cùng chuyên mục
XEM