Đẳng cấp của Amazon: 10 năm trước bị UPS, FedEx cười nhạo, giờ đây thành hãng giao hàng lớn nhất nước Mỹ

28/11/2023 15:20 PM | Kinh doanh

Dù đạt được thành tích đáng nể nhưng Amazon thậm chí "không thèm" ăn mừng.

Tờ WSJ đưa tin, Amazon.com đã giành ngôi vương là doanh nghiệp giao hàng lớn nhất nước Mỹ, vượt qua cả UPS và FedEx, xét về khối lượng bưu kiện.

Theo dữ liệu nội bộ của Amazon, gã khổng lồ thương mại điện tử của Mỹ đã giao nhiều gói hàng đến các hộ gia đình ở Mỹ vào năm 2022 hơn UPS, sau khi vượt qua FedEx vào năm 2020. Điều đáng nói là Amazon đang trên đà nới rộng khoảng cách với các đối thủ hơn nữa trong năm nay. 

Một thập kỷ trước, Amazon vẫn là khách hàng lớn của UPS và FedEx. Khi ấy, một số giám đốc điều hành của các công ty này và cả các nhà phân tích đã chế nhạo quan điểm cho rằng một ngày nào đó Amazon có thể thay thế họ. Sự tăng trưởng vượt bậc của Amazon kết hợp với những thay đổi chiến lược tại FedEx và UPS đã làm thay đổi cán cân.

Trước Lễ tạ ơn năm nay, Amazon đã giao hơn 4,8 tỷ gói hàng ở Mỹ và các dự đoán nội bộ của công ty dự đoán rằng họ sẽ giao khoảng 5,9 tỷ gói hàng vào cuối năm nay. Năm ngoái Amazon đã vận chuyển 5,2 tỷ gói hàng.

Số liệu của Amazon chỉ bao gồm các gói hàng mà Amazon vận chuyển từ đầu đến cuối. UPS và FedEx bao gồm cả các gói hàng mà họ giao cho dịch vụ bưu chính để giao hàng tới điểm cuối.

UPS cho biết khối lượng vận chuyển nội địa của họ trong năm nay khó có thể vượt quá con số 5,3 tỷ của năm ngoái, bao gồm cả các gói hàng được giao cho khách hàng thông qua dịch vụ bưu chính. Trong chín tháng đầu năm nay, UPS đã xử lý khoảng 3,4 tỷ bưu kiện trong nước.

Khối lượng bưu kiện Chuyển phát nhanh và Đường bộ nội địa của FedEx đạt khoảng 3,05 tỷ trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/5/2023.

Khi thị phần giao hàng của Amazon tăng lên, FedEx và UPS cho biết trong những năm gần đây họ không chạy đua về số lượng mà thay vào đó tập trung vào việc cung cấp các bưu kiện có lợi nhuận cao hơn. FedEx chia tay Amazon vào năm 2019. Amazon hiện chiếm khoảng 11% doanh thu của UPS.

Tờ WSJ nhận định, dù đạt được cộc mốc đáng kinh ngạc trong mảng hậu cần nhưng Amazon không có bất kỳ sự phô trương nào.

Cựu giám đốc hậu cần cấp cao của Amazon cho biết: "Không có nhiều giá trị được nhận thấy trong việc nỗ lực trở thành công ty lớn nhất trong mảng này". Một người nhớ lại, thay vì ăn mừng đánh dấu bước nhảy vọt trên bảng xếp hạng, các giám đốc điều hành của Amazon đã chỉ đập tay nhau và quay trở lại làm việc.

Tổng khối lượng bưu kiện đã giảm trong năm nay do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho hàng hóa và chuyển chi tiêu sang dịch vụ, du lịch và giải trí.

Việc Amazon vươn lên trở thành nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng đầu từng bị các CEO ngành hậu cần coi là lố bịch. Vào năm 2016, Giám đốc điều hành lúc đó của FedEx, Fred Smith, đã bác bỏ quan điểm cho rằng Amazon trở thành mối đe dọa đối với gã khổng lồ hậu cần. Smith cho biết vào thời điểm đó: "Rất có thể, những nhà cung cấp chính các lô hàng thương mại điện tử trong tương lai gần sẽ là UPS và FedEx".

Vào thời điểm Smith đưa ra nhận xét, Amazon đang ở vị trí thứ ba sau UPS và FedEx. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, công ty đã tạo dựng nền tảng, xây dựng một trong những mạng lưới hậu cần lớn nhất thế giới.

Năm 2018, Amazon đã triển khai một chương trình trong đó các doanh nhân có thể bắt đầu nhượng quyền thương mại của riêng mình để cung cấp các gói hàng trên Amazon với giá chỉ 10.000 USD. Chương trình này có những điểm tương đồng với đơn vị Ground của FedEx, đơn vị này cũng sử dụng mô hình nhà thầu cho các tuyến địa phương. Các cựu giám đốc điều hành cho biết chương trình Amazon có khoảng 200.000 tài xế ở Mỹ, giúp công ty nhanh chóng tăng tốc số lượng gói hàng có thể giao mỗi ngày.

Đầu đại dịch, Amazon đã nhìn thấy thời điểm quan trọng để mở rộng phạm vi tiếp cận thương mại điện tử của mình. Công ty đã mở hàng trăm nhà kho, trung tâm phân loại và cơ sở hậu cần khác, gần như tăng gấp đôi quy mô mạng lưới của mình từ khi bắt đầu đại dịch đến cuối năm 2021. Việc xây dựng phần lớn được dẫn dắt bởi cựu Giám đốc điều hành bộ phận tiêu dùng của Amazon, Dave Clark, người trước đó có vai trò là kiến trúc sư chính của mạng lưới hậu cần của Amazon.

Amazon đã chuyển sang khu vực hóa mạng lưới hậu cần của mình để giảm khoảng cách các gói hàng di chuyển khắp nước Mỹ nhằm nỗ lực đưa sản phẩm đến tay khách hàng nhanh hơn và cải thiện lợi nhuận. Giám đốc tài chính Amazon Brian Olsavsky cho biết trong bản ghi âm cuộc họp toàn công ty hồi đầu tháng này rằng: "Những cải thiện về tốc độ giao hàng này là động lực tăng trưởng chính và dẫn đến tần suất mua hàng của các thành viên Prime của chúng tôi tăng lên".

Một phát ngôn viên của Amazon cho biết tiến độ giao hàng của họ phần lớn nhờ vào chương trình nhượng quyền tuyến đường. Bà nói thêm, công ty sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác giao hàng và nhà vận chuyển khác để giúp giải quyết công suất bổ sung.

FedEx cho biết họ đang tập trung vào thị trường thương mại điện tử ngoài Amazon. Người phát ngôn của FedEx cho biết: "Chiến lược của chúng tôi là dân chủ hóa thương mại điện tử. Bà nói thêm rằng FedEx đã chiếm thị phần trong các phân khúc thị trường gói hàng nội địa Mỹ trong năm nay.

Trong những năm gần đây, UPS tập trung vào các bưu kiện có lợi nhuận cao hơn từ các phân khúc khách hàng khác, bao gồm cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các doanh nghiệp nhỏ hơn, đồng thời đã giảm bớt năng lực giao hàng ít lợi nhuận hơn đến các địa chỉ dân cư. Một phát ngôn viên của UPS cho biết: "Amazon là một khách hàng quan trọng và mối quan hệ của chúng tôi mang lại lợi ích chung".

Mặc dù Amazon đã vượt qua cả hai công ty trong lĩnh vực giao hàng tận nhà, nhưng hãng này vẫn chưa thể tái tạo phạm vi phủ sóng toàn cầu. Brian Ossenbeck, nhà phân tích tại JP Morgan cho biết: "Amazon rất giỏi trong mạng lưới một chiều, vận chuyển hàng hóa với tốc độ nhanh hơn nhưng lại không có phạm vi phủ sóng nhận và giao hàng như nhau".

Theo: WSJ

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM