Dân thiếu gạo, dầu ăn... phải mua chợ đen đắt gấp 20 lần: Dấu hiệu cho một cuộc khủng hoảng mới ở Cuba?

11/10/2017 08:35 AM | Kinh tế vĩ mô

Với mô hình kinh tế phi thị trường, Cuba đang gặp khá nhiều rắc rối bởi không sản xuất đủ nhu yếu phẩm cho người dân.

Gabriel và Leo là những công dân người Cuba. Trong khi Gabriel là một công nhân bảo hành ở bệnh viện với mức lương 576 Pesos (23 USD)/tháng thì Leo đang điều hành một công ty có lợi nhuận 20.000 USD/tháng cùng 11 nhân viên.

Tuy nhiên, điểm chung của 2 người này là họ đều cảm thấy khó khăn khi mua sắm ở Cuba do tình trạng thiếu nguồn cung. Đối với Gabriel, ông chỉ có thể mua được vài bịch cà phê, nửa chai dầu ăn và ít gạo ở siêu thị, số hàng còn lại buộc phải mua ở chợ đen với giá đắt gấp 20 lần.

Trong khi đó, Leo cũng gặp tình cảnh tương tự khi không tìm thấy đủ nguồn cung trong nước cho việc kinh doanh hoặc không lấy được giấy phép nhập khẩu chúng. Điều này buộc ông Leo phải ra nước ngoài 2-3 lần mỗi tháng để tìm đầu vào. Điều thú vị là ông Leo phải mua chúng và đóng gói sao cho hải quan không phát hiện ra bởi những nguyên liệu này thuộc dạng cấm nhập khẩu dù chúng chẳng gây hại gì.

“Chuyện này cứ như thể bạn đang vận chuyển cocaine vậy”, ông Leo nói với tờ Economist.

Dân thiếu gạo, dầu ăn... phải mua chợ đen đắt gấp 20 lần: Dấu hiệu cho một cuộc khủng hoảng mới ở Cuba? - Ảnh 1.

Câu chuyện mở cửa thị trường

Việc mở cửa thị trường có lẽ sẽ giúp những doanh nghiệp như của ông Leo kinh doanh tốt hơn và thuê thêm được nhân viên hoặc giúp các lao động như ông Gabriel có thêm thu nhập. Tuy nhiên chính quyền Lahabana lại không thấy như vậy. Tháng 8 vừa qua, Cuba quyết định ngừng cấp phép hoạt động kinh doanh mới cho hơn 20 loại hình, như kinh doanh nhà hàng, cho thuê phòng du lịch, dịch vụ sửa chữa thiết bị điện tử hay dạy âm nhạc.

Mặc dù gần 600.000 lao động trong các mảng kinh tế tư nhân như chủ nhà hàng, khách sạn vẫn có thể tiếp tục kinh doanh như thường nhưng rõ ràng động thái ngừng cấp mới sẽ tạo nên sự phân cách trong xã hội giữa những người nghèo và giới tư nhân.

Tình hình Cuba hiện nay đang khá rối ren khi nhà lãnh đạo Raul Castro đang dần chuyển giao quyền lực cho thế hệ kế tiếp. Như vậy Cuba đã chấm dứt thời kỳ 60 năm nằm dưới sự dẫn dắt của anh em nhà Castro kể từ năm 1959. Hiện chưa rõ những nhà lãnh đạo mới có quan điểm thế nào về điều hành kinh tế hay quan hệ ngoại giao với Mỹ nhưng sự biến động của chính trường Mỹ hiện nay đang tác động xấu tới Cuba.

Mặc dù Cựu tổng thống Barack Obama đã có một số động thái cải thiện quan hệ nhưng Tổng thống Donald Trump lại có quan điểm cứng rắn hơn với Cuba hiện nay. Nhà Trắng hiện đang lên kế hoạch siết chặt người Mỹ đến thăm Cuba nhằm hạn chế dòng vốn chảy về thị trường này.

Trong khi đó, cơn bão Irma đổ bộ vào Cuba đầu tháng 9 này đã hủy hoại nhiều resort cũng như ảnh hưởng đến hệ thống điện năng trên cả nước. Với thâm hụt ngân sách vào khoảng 12% GDP từ đầu năm đến nay, Cuba hiện không có nhiều tiền để có thể tái thiết lại những cơ sở hạ tầng đã bị hủy.

Dân thiếu gạo, dầu ăn... phải mua chợ đen đắt gấp 20 lần: Dấu hiệu cho một cuộc khủng hoảng mới ở Cuba? - Ảnh 2.

Những đối tác thương mại lớn của Cuba như Venezuela cũng đang gặp rắc rối. Chương trình đổi dầu lấy bác sĩ hay dịch vụ y tế của Cuba và Venezuela đang suy giảm nghiêm trọng. Kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã giảm từ 8,5 tỷ USD năm 2012 xuống chỉ còn 2,2 tỷ USD năm 2016. Hiện Cuba đang phải mua nhiên liệu với mức giá thực tế trên thị trường và dù ngành du lịch đang bùng nổ trên khắp thế giới nhưng nguồn thu từ dịch vụ, bao gồm cả mảng y tế nổi tiếng của Cuba lại tiếp tục suy giảm từ năm 2013.

Với mô hình kinh tế phi thị trường, Cuba đang gặp khá nhiều rắc rối bởi không sản xuất đủ nhu yếu phẩm cho người dân. Ví dụ trong mảng nông nghiệp, việc thiếu đất trồng cùng những nguồn đầu vào khác như máy móc, phân bón, giống… khiến sản lượng vô cùng thấp. Dẫu vậy, chính phủ vẫn quy định mức giá bán sản phẩm thấp dưới mức thị trường, tạo nên tình trạng siêu thị thiếu hàng trong khi giá chợ đen lại vô cùng đắt đỏ. Hiện Cuba vẫn phải nhập khẩu tới 80% lương thực.

Vào tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng kinh tế Ricardo Cabrisas phát biểu rằng những chính sách thắt chặt chi tiêu công có thể tiết kiệm 1,5 tỷ USD nhập khẩu trong năm 2017. Tuy nhiên đây không phải biện pháp lâu dài bởi nhu cầu trong người dân là có thực và năng lực sản xuất của Cuba hiện vẫn chưa đủ để đáp ứng.

Năm 2016, GDP của Cuba giảm 0,9% và nhiều chuyên gia dự đoán cơn bão Irma cùng suy giảm nhập khẩu sẽ khiến nền kinh tế này có 1 năm 2017 tồi tệ.

Con đường cải cách nào cho Cuba?

Hiện Cuba đang lâm vào mớ bòng bong khi không thể tìm được đường lối phát triển kinh tế hữu hiệu. Theo lý thuyết, thu hút đầu tư nước ngoài là một lựa chọn thông minh nhưng hệ thống hành chính quan liêu cồng kềnh đáng gây khó cho các nhà đầu tư. Một văn kiện có thể cần sự cho phép của nhiều bộ ngành khác nhau trong khi chính phủ quản lý đến giá từng lít dầu diesel cần cho xe tải chở hàng hay nhà đầu tư không thể tự do gửi lợi nhuận về quê nhà.

Trong khoảng tháng 3/2014-11/2016, Cuba chỉ thu hút được 1,3 tỷ USD đầu tư nước ngoài, bằng 1/4 so với mục tiêu đề ra.

Dân thiếu gạo, dầu ăn... phải mua chợ đen đắt gấp 20 lần: Dấu hiệu cho một cuộc khủng hoảng mới ở Cuba? - Ảnh 3.

Đứng trước những khó khăn chồng chất, chính quyền Cuba đã có những cải cách nhất định như cho phép các công ty thực phẩm gửi một phần lợi nhuận của họ ra nước ngoài. Tuy nhiên, những doanh nhân trong nước, các công ty vừa và nhỏ như của ông Leo vẫn đang chờ đợi một cuộc cải cách mạnh mẽ hơn. Xét cho cùng, họ mới là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế nội địa cũng như vực dậy năng lực sản xuất trong nước.

Thêm vào đó, việc kiểm soát tỷ giá đồng Pesos tương đương giá trị đồng USD đang khiến đồng nội tệ bị thổi phồng giá trị, Ngoài chợ đen, 1 USD có thể đổi được đến 24 Pesos hoặc thậm chí nhiều hơn. Chính điều này đang tạo nên rào cản không thể xóa nhòa cho các nhà đầu tư cũng như những du khách đến Cuba bởi họ bị thiệt khi đổi tiền.

Vì những lý do trên, việc điều chỉnh tỷ giá đồng Pesos là điều tất nhiên để thu hút đầu tư nhưng điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều công ty quốc doanh tại Cuba sẽ phá sản, đẩy người lao động ra ngoài đường và thúc đẩy lạm phát trong ngắn hạn. Những quốc gia sử dụng phương thức này thường nhờ cậy đến nguồn lực bên ngoài trợ giúp cho qua thời kỳ khó khăn đến khi những dòng vốn đầu tư nước ngoài có hiệu quả.

Tuy nhiên, do áp lực từ Mỹ, Cuba không thể tham gia Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng thế giới (WB) vốn là các nguồn tài trợ lớn trên thế giới. Bởi vậy biện pháp này cũng lâm vào bế tắc.

AB

Cùng chuyên mục
XEM