Đàn ông hay chê phụ nữ là "chúa buôn chuyện", nhưng khoa học chứng minh đó lại là điều tốt đấy

08/03/2017 16:36 PM | Sống

Trái ngược với suy nghĩ không hay về thói buôn chuyện của chị em phụ nữ, các nhà khoa học lại chỉ ra rằng đây là điều rất tốt, rất có lợi cho phụ nữ và thậm chí là cả cho đàn ông.

Buôn chuyện có thể có hại cho các mối quan hệ. Khi chia sẻ những điều không hay về người khác, chúng ta rất có thể sẽ làm tổn hại tình cảm của người khác, làm sói mòn niềm tin và tàn phá tình bạn. Nhưng trái lại, nghiên cứu lại chỉ ra rằng hành vi xã hội này có thể vẫn có mặt tốt.

Đây là một thói quen hoàn toàn không mới của con người. Theo các số liệu thống kê, ngày nay gần 70% các cuộc hội thoại hàng ngày của chúng ta là nói về người khác.

Trong khi buôn chuyện là một việc không được khuyến khích trong một xã hội thông thường, thì ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nó có thể đẩy mạnh các hành vi lành mạnh khác.

Một nghiên cứu mới đây đã kiểm nghiệm xem buôn chuyện tác động ra sao đến mức hormone chịu trách nhiệm cho các cảm xúc như phấn khích, yêu thương và tin tưởng. Nghiên cứu nhỏ gồm các sinh viên nữ trong độ tuổi từ 20-22 này đưa ra kết luận rằng buôn chuyện khiến cơ thể của họ sản sinh ra thêm oxytocin. Loại hormone này chịu trách nhiệm cho hành vi xã hội hòa hợp, vì nó củng cố các quan hệ bạn bè cũng như cảm giác tin tưởng và hào phóng.

Khi những phụ nữ trong nghiên cứu được yêu cầu nói chuyện phiếm về một sinh viên khác, não bộ của họ sản sinh ra oxytocin nhiều hơn so với khi họ nghe tin về một sinh viên khác bị thương và cần họ vỗ về an ủi.

Dựa trên những kết quả này, các nhà nghiên cứu kết luận rằng có thể có một lợi ích tâm lý tiềm tàng nào đó của hành vi buôn chuyện. Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra lợi ích của thói quen tám chuyện. Vào năm 2012 một nghiên cứu tại đại học Berkeley đã kết luận rằng buôn chuyện về người khác sẽ củng cố sự gắn kết xã hội giữa con người với nhau.

Kết quả thu được khiến các nhà tâm lý học tại đại học Berkeley chú ý đến vấn đề phải chăng mỗi câu chuyện phiếm lại có tác động khác nhau, và họ đã nhận diện được một loại buôn chuyện gọi là “buôn chuyện có lợi”. Hình thức giao tiếp này cảnh báo cho người khác biết về những kẻ bất lương hoặc nguy hiểm, chẳng hạn như những đồng nghiệp xấu tính hoặc một người bạn bất tín.

Matthew Feinberg, một nhà tâm lý xã hội và là trưởng nhóm của nghiên cứu ở đại học Berkeley, cho biết: “Chúng ta không nên cảm thấy tội lỗi vì đã buôn chuyện nếu nó giúp ngăn chặn người khác khỏi bị lợi dụng”. Feinberg và các đồng nghiệp kết luận rằng trong những hoàn cảnh cụ thể, buôn chuyện có thể giúp giảm stress, bảo vệ người khác khỏi bị hãm hại, và thậm chí còn kích thích hành vi lương thiện.

Một nghiên cứu khác, thực hiện tại đại học Staffordshire, giới thiệu khái niệm buôn chuyện “tích cực”, chẳng hạn như chia sẻ tin tức về sự thành công của một người nào đó. Các nhà nghiên cứu nhận thấy tham dự vào các cuộc buôn chuyện tích cực còn giúp làm tăng lòng tự trọng và có thể khiến chúng ta cảm thấy được vỗ về ủng hộ bởi những người khác.

Nhưng trong khi buôn chuyện có thể có nhiều lợi ích, bạn cũng đừng quên là nó có nhiều tác hại nếu quá lạm dụng hành vi này.

Những lời tán chuyện tạm thời có thể mang lại cảm giác thoải mái cho chúng ta, nhưng nhiều khi lại có những hậu quả khôn lường cho người mà ta nói xấu sau lưng. Vì thế trước khi để lại những hậu quả không thể sửa chữa được, ta cần cân nhắc xem liệu việc này có mang lại cảm giác tốt cho mình không hay lại khiến một người nào đó gặp bất hạnh.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM