Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg: "Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Thụy Điển - Việt Nam, tôi mới 2 tuổi"

22/03/2019 09:36 AM | Kinh doanh

"Thời khắc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Thụy Điển - Việt Nam tôi không nhớ lắm, vì tôi mới 2 tuổi. Nhưng tôi nhớ những ngày đầu kết nối Internet, có lẽ cách đây 20 - 25 năm, sau khi bật máy tính, mở một trang báo tôi thích đọc, để đó và quay trở lại máy tính sau 30ph thì may ra trang báo mới load", ông Pereric Högberg - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam - chia sẻ.

"Thuỵ Điển từ một nước nghèo nhất Châu Âu đã trở thành một nền kinh tế hoàn toàn dựa trên trí thức. Tại sao điều này diễn ra? Tôi tin rằng một trong những lý giải cho thành công này là sự cởi mở và khả năng thích nghi trong xã hội Thụy Điển", Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg chia sẻ tại Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 (VIF19) diễn ra mới đây.

Sự cởi mở ấy, con người Thụy Điển có được, nhờ 2 yếu tố:

- Thụy Điển có tốc độ Internet cao thứ 4 thế giới.

- 94% người dân Thụy Điển sử dụng Internet.


"Một xã hội thông minh chỉ có thể đạt được khi có những công dân thông minh và am hiểu công nghệ"

Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg: Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Thụy Điển - Việt Nam, tôi mới 2 tuổi - Ảnh 1.

"Việc ứng dụng rộng rãi công nghệ và Internet đã giúp Thụy Điển thúc đẩy văn hóa cởi mở, tiếp cận thông tin, đổi mới sáng tạo, và tinh thần khởi nghiệp, nhờ đó tạo ra những phát minh, sự tăng trưởng và thịnh vượng cho đất nước Thụy Điển như ngày hôm nay", Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg khẳng định khi nói về tầm quan trọng của Internet và công nghệ số hóa trong việc cải thiện đời sống người dân và xây dựng thương hiệu về tính cạnh tranh của một quốc gia.

"Một xã hội thông minh chỉ có thể đạt được khi có những công dân thông minh và am hiểu công nghệ".

Được tổ chức lần thứ 2 kể từ năm 2017, VIF19 là một trong những sự kiện quan trọng nhằm kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Thụy Điển và Việt Nam (1969 – 2019).

"Thời khắc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Thụy Điển - Việt Nam tôi không nhớ lắm, vì tôi mới 2 tuổi (ông Pereric sinh năm 1967 - PV). Nhưng tôi nhớ những ngày đầu kết nối Internet, có lẽ cách đây 20 - 25 năm, sau khi bật máy tính, mở một trang báo tôi thích đọc, để đó và quay trở lại máy tính sau 30ph thì may ra trang báo mới load", ông Pereric chia sẻ.

Giờ tốc độ của Internet đã có sự nhảy vọt, giúp chúng ta tăng cường sự tiếp cận thông tin. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng chứng kiến mặt trái của xã hội chúng ta như tội phạm, bạo lực, sự hận thù trên mạng xã hội.

"Để tạo ra một tương lai số tốt đẹp hơn, chúng ta đều cần phải hợp tác với nhau. Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tất cả mọi người cần hợp tác để tạo ra sự đổi mới sáng tạo bền vững và tăng cường sự bình đẳng… Không có giải pháp nào là đầy đủ ngoại trừ việc tăng cường đối thoại giữa các bên liên quan. Chúng ta cần đi một chặng đường rất dài", Đại sứ Pereric nói.

"Thụy Điển luôn là một trong những nước hàng đầu thế giới về việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đó là nhờ vào tính truyền thống của chúng tôi về sự tự do biểu đạt, là sự tò mò, luôn đặt câu hỏi, tìm ra sự thật và tìm ra cách làm mới để phát triển xã hội với niềm tin vững chắc vào sự bình đẳng, trao đổi tự do và tôn trọng quyền con người".


2 từ giúp Thụy Điển xây dựng e-Government thành công

Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg: Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Thụy Điển - Việt Nam, tôi mới 2 tuổi - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính phủ điện tử (e-Government) thành công, ông Pereric cho biết đối với Thụy Điển, Chính phủ điện tử chỉ thành công nếu dựa trên 2 yếu tố cốt lõi:

- Lòng tin (Long-term Trust)

"Nếu không có lòng tin, chúng tôi rất khó xây dựng được Chính phủ điện tử như ngày nay. Lấy ví dụ việc đóng thuế, tất cả người dân đều đóng thuế qua hệ thống thu thuế điện tử. Điều này có thể thực hiện được vì họ biết thông tin về sở thuế, biết được nền kinh tế trong năm vừa qua hoạt động thế nào, ước lượng được khoản thuế mình đóng khoảng bao nhiêu... Điều này hoàn toàn dựa trên lòng tin của người dân", ngài đại sứ nói.

Thụy Điển những năm gần đây luôn nằm trong top những nước có mức thuế suất thu nhập cá nhân cao nhất thế giới, với mức thuế đánh lên thu nhập người dân lên tới gần 57%.

"Với hoạt động nộp thuế như vậy, không chỉ tôi mà cả ông Mike (ông Micheal Croft - đại diện UNESCO tại Việt Nam) cũng làm", ông Pereric nói.

- Trách nhiệm giải trình: Thụy Điển thực hiện trách nhiệm giải trình hết sức minh bạch, cho phép người dân tiếp cận tất cả thông tin.

"Khi người dân cho rằng "Tôi đã tiếp cận toàn bộ thông tin minh bạch và đầy đủ", chúng ta có thể hoàn toàn xây dựng được Chính phủ điện tử".

"Với 2 yếu tố cơ bản đó. Thuỵ Điển đã tiến tới mức đạt được nền quản trị điện tử tốt và xây dựng được e-Government lan sang cả lĩnh vực giáo dục, y tế, thuế, cũng như trao đổi, giao tiếp, tương tác giữa Chính phủ và công dân", ngài đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam chia sẻ.

Ông Vũ Thế Bình, Tổng Thư kí Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng để phát triển chính phủ điện tử, Việt Nam có 2 thách thức lớn nhất. Một là tính minh bạch về chính sách, độ mở của dữ liệu. Hai là tính công bằng.

"Dữ liệu mở với nhóm này, thì có mở với nhóm kia hay không", ông Bình đặt vấn đề.

VIF19 do Đại Sứ quán Thụy Điển và Ủy ban Nhân dân Hà Nội đăng cai tổ chức. Các đơn vị đồng tổ chức và đối tác quan trọng khác bao gồm Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Đại học Lund (Thụy Điển) và Hiệp hội Internet Việt Nam.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM