Đại sứ Mỹ tại Việt Nam không phải từ chức theo yêu cầu của Donald Trump

07/01/2017 19:04 PM | Nhân vật

Ngài Ted Osius, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho biết, ông không nằm trong diện phải từ chức trước ngày 20/1 theo yêu cầu nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra.

Ngày 5/1, New York Times dẫn nguồn tin cho biết, đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Donald Trump vừa ra chỉ thị cho tất cả các đại sứ chính trị của Mỹ ở nước ngoài từ chức trước ngày tân tổng thống nhậm chức (20/1), điều chưa từng có tiền lệ trong nhiều thập kỉ qua.

“Yêu cầu của chính quyền tương lai dành cho các đại sứ được bổ nhiệm chính trị. Là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, tôi không nằm trong diện bị yêu cầu từ chức. Tôi sẽ tiếp tục hoàn tất nhiệm kỳ đại sứ của mình ở Việt Nam”, Đại sứ Ted Osius cho biết thông qua cuộc trao đổi trên Facebook Messenger.

Là nhà ngoại giao dạn dày kinh nghiệm, ông Ted Osius được bổ nhiệm vị trí Đại sứ Mỹ tại Việt Nam ngày 18/11/2014, sau khi đánh bại 3 ứng viên khác trong một cuộc biểu quyết ở Thượng viện Mỹ. Nhiệm kỳ của ông tại Việt Nam kéo dài 3 năm, tương đương tháng 11/2017.

Đại sứ Ted Osius là người có nhiều kinh nghiệm hoạt động ngoại giao tại Việt Nam. Năm 1996, ông có mặt trong đoàn quan chức Mỹ đầu tiên tới Việt Nam sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ năm 1995. Năm 1997, ông là Tuỳ viên Chính trị đầu tiên tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành phố Hồ Chí Minh và đảm trách nhiệm vụ này trong một năm.

Đại sứ Ted Osius từng thực hiện hành trình vượt 1.930 km từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh bằng xe đạp. Ông cũng là người kêu gọi Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam và tham gia nhiều hoạt động cộng đồng. Ông cũng tỏ ra là người am hiểu văn hoá Việt Nam khi thả cá chép vào ngày 23 tháng Chạp, gói bánh chưng hay viết thư pháp mừng năm mới cũng như đi chùa báo hiếu cha mẹ trong lễ Vu Lan. Đại sứ Ted Osius có thể sử dụng tốt tiếng Việt.

Khác với các đại sứ chuyên nghiệp, đại sứ chính trị được bổ nhiệm nhờ mối quan hệ gần gũi với tổng thống. Theo thông lệ, họ sẽ rời vị trí sau khi tổng thống đương nhiệm hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đều dành một khoảng thời gian nhất định trước khi thay thế các đại sứ chính trị - thường đại diện cho nước Mỹ ở các quốc gia có quan hệ chiến lược như Anh, Đức, Canada…. Quãng thời gian này giúp tìm ra ứng viên thay thế phù hợp và cũng để gia đình các đại sứ có thời gian chuẩn bị. Bộ máy chuyển giao quyền lực của ông Donald Trump gây chú ý vì yêu cầu các Đại sứ chính trị từ chức ngay lập tức, điều dẫn tới sự phản kháng của nhiều người vì lý do gia đình.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM