Đài Loan và bài học từ 'đảo rác' thành thiên đường sống sạch, một số giải pháp cực kỳ hữu hiệu Hà Nội có thể làm theo ngay

14/01/2019 09:46 AM | Xã hội

Nếu bạn không phải người Đài Loan, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy công việc đổ rác là điều khó khăn nhất ở đây vì chúng đòi hỏi sự phân loại quá phức tạp và có thể "ăn phạt" nếu không chịu làm.

Mới đây, vụ việc người dân chặn khu xử lý rác thải Nam Sơn đã thu hút được sự chú ý của dư luận khi hành động này có thể khiến Hà Nội bị quá tải rác. Trên thực tế không riêng gì Hà Nội, nhiều thành phố khác cũng đã từng đau đầu với vấn đề xử lý rác thải cũng như ô nhiễm môi trường, nhất là tại các nơi đông dân cư.

Tuy nhiên để nói về những thành phố xử lý thành công rác thải, chuyển mình từ một nơi ô nhiễm thành một địa điểm sống sạch sẽ có lẽ phải kể đến Đài Loan. Trước năm 1984, người dân nơi đây vẫn đổ rác bừa bãi và mọi chuyện chỉ thay đổi khi chính quyền thực hiện một loạt các chính sách sáng tạo trong tái chế cũng như xử lý rác.

Đổ rác cũng là một "nghệ thuật"

Mỗi ngày, những chiếc xe màu vàng như xe bán kem phát nhạc cổ điển chạy quanh Đài Loan khiến nhiều du khách phải chú ý. Tuy nhiên chúng không phải là xe bán kem mà là những chiếc xe đổ rác được trang bị loa phát những bản nhạc được yêu thích.

Mục đích chính của việc làm trên làm trên là để giảm số lượng côn trùng, động vật có hại hay mùi hôi thối quanh các điểm đổ rác công cộng. Bằng việc phát các bản nhạc gây hứng thú, người dân sẽ mang rác từ nhà đổ trực tiếp lên xe. Tất nhiên việc thu gom rác này tuân theo những lịch trình thường xuyên nên người dân có thể chuẩn bị sẵn túi rác.

Ngoài những bản nhạc cổ điển, các xe rác này còn phát nhạc Giáng sinh hay nhạc Tết truyền thống trong các dịp lễ để phù hợp với không khí xung quanh.

Đổ rác nghe nhạc cổ điển ở Đài Loan

Mặc dù vậy, đây chưa phải là điểm khiến mọi người ngạc nhiên nhất về Đài Loan. Với diện tích 35.804 km2 và dân số hơn 23 triệu người, Đài Loan đã từng là thiên đường của rác thải khi hòn đảo này ngập trong rác. Dẫu vậy, nhờ những chính sách quản lý hiệu quả, việc xử lý rác thải tại đây đã làm cả thế giới phải ngạc nhiên.

Đài Loan hiện đang dần nổi tiếng toàn cầu về tái chế rác với tỷ lệ 55% vào năm 2015 theo số liệu của Cục Bảo vệ Môi trường Đài Loan (EPA), cao hơn nhiều so với mức 5% của năm 1998.

Tỷ lệ này đã đưa Đài Loan lên ngang hàng với những nơi tái chế rác thải nổi tiếng khác như Áo, Đức và Hàn Quốc. Con số này cũng cao hơn mức 35% tái chế của Mỹ. Tỷ lệ xả rác bình quân đầu người mỗi ngày ở đây đã giảm từ 1,143 kg/người/ngày năm 1998 xuống chỉ còn 0,387kg/người/ngày năm 2013.

Việc Đài Loan tăng cường tài chế rác thải là điều dễ hiểu khi các bãi chôn rác của họ sẽ quá tải trong vòng 6 năm tới, trong khi các khu vực bất động sản ngày càng đắt đỏ và khan hiếm.

Trước tình hình trên, chính quyền cam kết sẽ tăng cường các chính sách bảo vệ môi trường và tái chế rác.

Đài Loan hiện có một chiến lược toàn diện nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc phân loại rác thải và tài chế rác, đồng thời cũng có nhưng chế tài nghiêm khắc đối với người vi phạm.

Tại thành phố Đài Bắc, có khoảng hơn 4.000 điểm chở rác mà người dân có thể tra cứu bằng ứng dụng smartphone, qua đó xác định xe chở rác đã đến địa điểm nào để đổ rác.

Ngoài ra, các xe chở rác cũng có phân loại chỉ chở một số loại rác nhất định, như rác rải thực phẩm đã hoặc chưa qua xử lý, rác nhựa, nilon hoặc các loại rác thủy tinh, kim loại...

Đài Loan và bài học từ đảo rác thành thiên đường sống sạch, một số giải pháp cực kỳ hữu hiệu Hà Nội có thể làm theo ngay - Ảnh 2.
Đài Loan và bài học từ đảo rác thành thiên đường sống sạch, một số giải pháp cực kỳ hữu hiệu Hà Nội có thể làm theo ngay - Ảnh 3.
Đài Loan và bài học từ đảo rác thành thiên đường sống sạch, một số giải pháp cực kỳ hữu hiệu Hà Nội có thể làm theo ngay - Ảnh 4.

Bên cạnh đó, người dân nào không muốn phân loại phải bỏ tiền mua loại túi riêng với giá khoảng 3 cent cho túi nhỏ và 7 USD cho 5 túi to.

Trường hợp những người dân cố tình vi phạm, như phân loại rác sai hoặc vứt rác bừa bãi sẽ bị xử phạt nghiêm khắc, như bị phạt tiền vào khoảng 184 USD cho mỗi lần vi phạm hoặc bị công khai chỉ trích trên các phương tiện truyền thông.

Một yếu tố nữa góp phần làm nên thành công của ngành tái chế rác tại Đài Loan là sự tài trợ của những nhà sản xuất hoặc kinh doanh sản phẩm tài chế, như các công ty nước ngọt có sử dụng nguyên liệu nhựa tái chế PET để đóng chai.

Nguồn tài chính tài trợ này cũng góp phần trợ cấp cho những người bị ảnh hưởng từ ngành tái chế rác thải, như những người nhặt rác rong hay những hộ gia đình lấy thức ăn thừa để chăn nuôi lợn.

Số liệu của Bộ kinh tế Đài Loan năm 2012 cho thấy doanh thu của các công ty xử lý rác thải vào khoảng 2,2 tỷ USD.

Dẫu vậy, chương trình tái chế của Đài Loan mới áp dụng hiệu quả tại các vùng đô thị như Đài Bắc với 67% hay Đài Bắc mới với 63,5%. Trong khi những vùng hẻo lánh, nông thôn có ít nguồn hỗ trợ tài chính hơn và có tỷ lệ tái chế cũng thấp hơn.

Thêm vào đó, nguồn thu từ việc bán túi rác không tái chế không đủ bù đắp cho ngân sách chương trình tái chế rác thải và chính quyền Đài Loan buộc phải trợ cấp thêm.

Dù gặp một số khó khăn nhưng rõ ràng việc mạnh tay thúc đẩy tái chế rác thải đã đem lại hiệu quả cho Đài Loan. Hiện tượng vứt rác bừa bãi ngày càng giảm và môi trường tại đây dần được cải thiện.

Sự chuyển mình đầy kỳ tích

Nỗ lực làm sạch môi trường và tái chế rác thải tại Đài Loan đã được bắt đầu từ cuối thập niên 90 khi nhiều chính trị gia và nhà hoạt động xã hội biểu tình phản đối tính trạng ô nhiễm công nghiệp ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Trước năm 1984, phần lớn người dân Đài Loan vẫn đổ rác gần nơi sinh sống, sau đó chính phủ mới có các chương trình liên quan đến chôn lấp rác thải rắn. Đến thập niên 1990, Đài Loan bắt đầu chuyển sang công nghệ đốt rác nhằm tiết kiệm diện tích đất, đồng thời ban hành Luật tái chế chất thải vào năm 1998. Hiện Đài Loan đã có 26 lò đốt rác, qua đó cung cấp năng lượng cho các nhà máy nhiệt điện.

Bước sang thập niên 2000, Cục bảo vệ môi trường Đài Loan tăng cường khuyến khích người dân không sử dụng những đồ dùng 1 lần. Các siêu thị cũng yêu cầu khách hàng trả thêm tiền nếu mua túi nilong. Các sản phẩm đóng gói cũng được kêu gọi giảm kích cỡ để tiết kiệm tài nguyên.

Đài Loan và bài học từ đảo rác thành thiên đường sống sạch, một số giải pháp cực kỳ hữu hiệu Hà Nội có thể làm theo ngay - Ảnh 5.
Đài Loan và bài học từ đảo rác thành thiên đường sống sạch, một số giải pháp cực kỳ hữu hiệu Hà Nội có thể làm theo ngay - Ảnh 6.

Từ năm 2003, Đài Loan đã đẩy mạnh nguyên tắc "không rác thải" cũng như thực hiện chính sách giảm thiểu chất thải xuống mức tối thiểu, phục hồi tài nguyên, thúc đẩy tái chế, tiêu dùng xanh…

Bên cạnh đó, do thủy ngân khó phân hủy trong các bãi rác thải và làm ô nhiễm nặng môi trường nên vào năm 2007, Đài Loan hạn chế sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm có chứa thủy ngân, đồng thời siết chặt các mặt hàng có liên quan đến hóa chất này như pin mangan kẽm. Năm 2011, việc nhập khẩu và buôn bán nhiệt kế thủy ngân bị cấm toàn diện.

Ngày nay, luật pháp Đài Loan quy định người dân phải phân rác thải thành 3 loại là rác thường (có thể bị phân hủy), rác có thể tái chế và rác thải nhà bếp. Thậm chí, thành phố Đài Bắc còn phân loại thêm rác thô (dùng cho phân bón) và rác thực phẩm đã qua chế biến (dùng làm thức ăn cho lợn). Hiện Đài Loan có tới 14 loại rác tái chế được hướng dẫn cụ thể cho người dân trước khi phân loại đổ rác.

Đặc biệt, việc chính phủ có những động thái tích cực nhằm cải thiện môi trường nhưng gặp một số khó khăn đã nhận được sự đồng tình cũng như giúp đỡ từ người dân. Các tổ chức xã hội như Tzu Chi Foundation dã tự động tổ chức hơn 4.500 trạm rác tái chế trên toàn Đài Loan và kêu gọi các cựu binh và người già tham gia lao động tình nguyện.

Bà Kao Ah-yeh, một phụ nữ 82 tuổi đang làm việc ở một trung tâm tái chế rác ở quận Neihu cho biết mình đã tham gia tình nguyện được 8 năm.

"Tôi làm việc này là để cứu trái đất. Tôi có 5 người con và công việc này sẽ đem lại lợi ích cho chúng", bà Kao nói.

Trưởng dự án môi trường của tổ chức Tzu Chi, ông Jong-Yan Leou cho biết nhóm đã thu thập và xử lý được khoảng 100.000 tấn rác thải tái chế trong năm 2015, chiếm 3% tổng số rác tái chế tại Đài Loan. Nguồn tiền thu được từ công việc này được dùng để giúp đỡ những người vô gia cư và đầu tư lại cho các trạm rác tái chế của nhóm.

Đài Loan và bài học từ đảo rác thành thiên đường sống sạch, một số giải pháp cực kỳ hữu hiệu Hà Nội có thể làm theo ngay - Ảnh 7.
Đài Loan và bài học từ đảo rác thành thiên đường sống sạch, một số giải pháp cực kỳ hữu hiệu Hà Nội có thể làm theo ngay - Ảnh 8.

Hiện nay, nhiều khu vực dân cư tại Đài Loan đã lắp camera nhằm đảm bảo các hộ dân thực hiện đúng quy trình phân loại rác thải. Những người vi phạm lần đầu sẽ được nhắc nhở bằng thông báo, nếu tái diễn thì họ sẽ bị phạt.

Từ năm 2012, các camera an ninh tại Đài Loan đã bắt được hơn 56.000 vụ vi phạm về xử lý rác. Chính phủ cũng khuyến khích người dân tố cáo khi tặng 50% phí phạt cho người tố giác.

Theo thông tin của một đài truyền hình địa phương, một tiểu thương chợ đêm đã thu được 21.460 USD tiền thưởng vì đã giúp đỡ bắt phạt 4.900 trường hợp vi phạm trong vòng 10 tháng, dù người này nhiều lần bị mắng chửi và đe dọa.

Dẫu vậy, dù nói thế nào Đài Loan cũng đã có bước chuyển mình thành công trong việc xử lý rác thải, cũng như là một tấm gương sáng cho nhiều nơi khác noi theo.

Thu Anh

Cùng chuyên mục
XEM