Đại gia Việt đã rót hơn 21 tỷ USD ra nước ngoài, đổ tiền nhiều nhất vào lĩnh vực nông nghiệp

18/02/2017 08:00 AM | Kinh doanh

Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài gần 1.200 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 21,4 tỷ USD, tính đến tháng 1/2017.

“Tính đến hết tháng 1/2017, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 1.188 dự án tới 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 21,4 tỷ USD”, ông Đoành Thanh Nghị, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tại Hội thảo đầu tư bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam ở tiểu vùng Mekong.

Thị trường chủ yếu là Lào (270 dự án; 5,12 tỷ USD); Campuchia (191 dự án; 2,89 tỷ USD), một số quốc gia như Mỹ, Nga, Châu Phi…

Trong số các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông lâm nghiệp tại Lào và Campuchia, chủ yếu là các dự án đầu tư trồng cao su. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có 72 dự án đầu tư trồng cao su, với tổng vốn đầu tư đăng ký của nhà đầu tư Việt Nam là gần 2,2 tỷ USD.

Trong số đó, 2 doanh nghiệp nổi bật nhất là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Hoàng Anh Gia Lai.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hiện đầu tư 23 dự án trồng cao su tại Lào và Campuchia với tổng diện tích đăng ký gần 140.000 ha, trong đó tại Campuchia là gần 115.000 ha và Lào là gần 25.000 ha. Tập đoàn đã trồng được khoảng 117.000 ha cao su với vốn đầu tư thực hiện khoảng 16.000 tỷ đồng, diện tích cao su đưa vào khai thác gần 13.000 ha.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai hiện có 4 dự án đầu tư trồng cao su tại Lào và Campuchia với diện tích cao su đăng ký khoảng 39.000 ha cao su. Tổng số diện tích cao su đã trồng tại Lào và Campuchia là gần 35.000 ha (Lào gần 21.000 ha; Campuchia gần 14.000 ha); số diện tích cọ dầu đã trồng là hơn 25.000 ha (Lào hơn 7.000 ha; Campuchia hơn 18.000 ha).

TS. Phạm Quang Tú, đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhận định: "Các DN Việt đầu tư vào các nước Lào, Campuchia mới chỉ dừng lại nhiều ở nông nghiệp, lâm nghiệp. Các ngành khai thác khác có giá trị gia tăng chưa nhiều, mới chỉ có viễn thông, bất động sản ”.

Bên cạnh những thành tựu như giúp xóa đói giảm nghèo hay cải thiện cơ sở hạ tầng, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tiềm ẩn những rủi ro do sự khác biệt về văn hóa, pháp luật và môi trường. Những khác biệt này có thể dẫn đến các tranh chấp và qua đó ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam trong khu vực.

[Inside Factory] Cao su - "nồi cơm" chính trong tương lai của bầu Đức và HAGL

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM