Đại gia bán lẻ Nhật Takashimaya đã vươn đến những thị trường hàng đầu thế giới như thế nào?

08/08/2016 12:03 PM | Kinh doanh

Takashimaya có lợi thế vượt trội so với đối thủ nhờ chiến lược đa dạng hóa và thay đổi kịp thời.

Xem các bài trước:

P1: Nếu Aeon đã khiến người Việt thích mê, thì Takashimaya sẽ làm chúng ta "điên đảo"

P2: Takashimaya - Đại gia bán lẻ Nhật mới vào Việt Nam: "Phượng hoàng lửa" từ đống tro của 2 cuộc Thế chiến


Thập niên 1950 và 1960, Takashimaya bắt đầu mở rộng thêm hoạt động kinh doanh. Năm 1956, Takashimaya là tập đoàn Nhật đầu tiên trở thành thành viên của Hiệp hội kinh doanh siêu thị quốc tế thuộc Intercontinental, tổ chức quản lý rất nhiều các chuỗi trung tâm mua sắm sang trọng trên khắp thế giới. Cũng trong năm này, mối quan hệ với Intercontinental đã giúp Takashimaya trở thành tập đoàn Nhật đầu tiên tổ chức hội chợ hàng nhập khẩu tại Nhật.

Takashimaya cũng đồng thời tổ chức triển lãm ảnh khảo cổ học cùng với nhiều buổi triển lãm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của thế giới. Năm 1958, Takashimaya mở gian hàng đầu tiên tại trung tâm mua sắm sang trọng của thế giới New York Fifth Avenue sau đó là đến nhiều gian hàng khác tại hàng loạt kinh đô thời trang lớn của thế giới như New York, Paris, Milan và London.

Công ty Takashimaya Shoji Limited được thành lập năm 1959 để kinh doanh hàng mang thương hiệu riêng của hãng. Từ năm 1960 đến năm 1989, Takashimaya đã cho ra đời khoảng 34 sản phẩm mang thương hiệu riêng bao gồm quần áo, giầy dép, trang sức kim cương, đồ nội thất với mục tiêu tập trung bán cho nhóm khách hàng giàu có nhất trên thị trường.

Takashimaya sau đó thành lập thêm một số công ty khác trong lĩnh vực bất động sản như Koei Real Estate. Cuối thập niên 1960, Takashimaya lập ra trung tâm thương mại đầu tiên tại khu vực ngoại ô Tokyo có tên Tamagawa Shopping Centre. Trung tâm thương mại này có diện tích mặt sàn lên đến 48.000 m2.

Năm 1971, Takashimaya lập ra tập đoàn Hi-Land, tổ chức cho phép thành viên trong hệ thống cùng chia sẻ nguồn hàng kinh doanh, tư vấn lẫn nhau, hỗ trợ về trang thiết bị và tài chính. Tất cả các gian hàng và trung tâm mua sắm thuộc Takashimaya đều là thành viên của tập đoàn này. Ngoài ra, tập đoàn còn kết nạp thêm nhiều thành viên khác không thuộc Takashimaya.

Cho đến tận cuối thập niên 1970, Takashimaya là tập đoàn bán lẻ duy nhất của Nhật thành công tại cả vùng Kanto và Kansai của Nhật bao gồm 14 tỉnh lớn trong đó có 2 trung tâm kinh tế quan trọng nhất nước là Tokyo và Osaka. Tuy nhiên doanh số bán hàng tại từng cửa hàng riêng lẻ của Takashimaya lại không cao bằng doanh số trung bình của các cửa hàng trong khu vực như Daimaru tại Osaka và Kyoto hay Mitsukoshi tại Tokyo.

Đầu thập niên 1990 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Seibu tại Tokyo nhưng Seibu chỉ có thể cạnh tranh được với Takashimaya ở phân khúc khách hàng trung lưu chứ không thể cạnh tranh được với Takashimaya trong phân khúc khách hàng cao cấp.

Takashimaya có lợi thế vượt trội so với đối thủ nhờ chiến lược đa dạng hóa và thay đổi kịp thời.

Không chỉ mở ra thêm nhiều cửa hàng kinh doanh đồ nhập khẩu và nhà hàng, Takashimaya còn tích cực giới thiệu thêm nhiều thương hiệu ngoại vào Nhật. Năm 1959, Takashimaya giành được chứng nhận cho phép hãng sản xuất và bán sản phẩm của Pierre Cardin, đến năm 1990, hãng đã có được giấy phép phân phối độc quyền khoảng 15 sản phẩm ngoại nhập trong đó bao gồm Fauchon và Emanuel Ungaro. Hãng đồng thời nhập khẩu thêm nhiều thương hiệu rượu và hàng gia dụng châu Âu.

Năm 1990, Takashimaya vẫn đẩy mạnh bán hàng từ xa. Từ năm 1899, Takashimaya đã cho phép khách đặt hàng qua thư. Từ thập niên 1980, Takashimaya tiếp tục mở rộng thêm việc in catalog quảng cáo để chào hàng cho khách. Doanh số bán hàng qua thư của Takashimaya cao thứ 3 tại Nhật. Còn đối với bán hàng qua catalog, ở thời điểm 1990, Takashimaya in đến 1,4 triệu catalog để bán hàng và đạt doanh thu hơn 65 tỷ yên.

Cuối thập niên 1980, kinh tế Nhật có quá nhiều vấn đề rắc rối tiềm ẩn như một quả bom chờ phát nổ. Môi trường lãi suất thấp, dòng vốn đổ mạnh vào thị trường chứng khoán và bất động sản gây nhiễu loạn. Giá nhà đất và bất động sản tăng chóng mặt.

Đầu thập niên 1990, bong bóng trên các thị trường vỡ. Lãi suất tăng vọt, dòng tiền cạn kiệt, giá chứng khoán và bất động sản rớt thê thảm. Tiêu dùng giảm mạnh tác động tiêu cực đến Takashimaya và cả các công ty đối thủ. Năm 1992, lợi nhuận tập đoàn giảm 74% và đến năm 1993, lợi nhuận giảm 78%.

Dù có rất nhiều khó khăn tài chính nhưng đến năm 1993, Takashimaya vẫn mở thêm gian hàng mới tại New York Fifth Avenue thay thế cho cửa hàng đã mở từ trước đó. Với vị trí đắc địa và diện tích mặt bằng lên đến 20.500 feet vuông (~1.900 m2) bán các sản phẩm gia dụng, trang trí nội thất, phòng tranh, gian hàng này đã mang lại doanh thu khủng cho Takashimaya.

Khi mà những khó khăn của kinh tế Nhật vẫn kéo dài, đến năm 1995, Takashimaya buộc phải lên kế hoạch cải tổ và tái cơ cấu lại công việc kinh doanh và giảm chi phí hoạt động. Đầu tiên, Takashimaya sáp nhập 6 công ty thành viên đang đảm nhiệm vai trò quản lý các trung tâm mua sắm. Takashimaya đồng thời cắt giảm mạnh chi phí quảng cáo và vận chuyển sản phẩm. Takashimaya đưa ra nhiều chiến lược giúp tăng doanh số bán hàng, ví như kéo dài thời gian bán hàng và cung cấp thêm nhiều chủng loại sản phẩm mới.

Nỗ lực không ngừng của Takashimaya đã mang đến “trái ngọt”. Doanh số bán hàng của tập đoàn trong năm 1996 tăng 26% nhưng lợi nhuận ròng tăng 208% so với năm tài khóa trước đó. Đến năm 1997, lợi nhuận ròng vẫn tăng nhưng ở mức độ thấp hơn. Đến năm 1998, kinh tế Nhật lại lâm vào cảnh khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu. Lợi nhuận ròng của Takashimaya giảm đến 18% trong năm 1998. Takashimaya lại phải đưa ra kế hoạch cải tổ lần thứ 2.

Kế hoạch cải tổ lần này có điểm khác biệt so với tất cả những lần trước. Takashimaya ký kết thỏa thuận hợp tác với Mitsukoshi, tập đoàn kinh doanh siêu thị lớn thứ 2 tại Nhật để cùng hợp tác với nhau trong lĩnh vực phân phối, mua hàng và thông tin quản lý siêu thị. Thỏa thuận hợp tác này đã giúp Takashimaya tiết kiệm được hàng tỷ yên. Đến đầu năm 2001, đánh giá được hiệu quả của mô hình hợp tác này, Daimaru và Matsuzakaya cũng cùng gia nhập.

Năm 2001, khi kế hoạch tái cơ cấu kết thúc, tình hình kinh tế Nhật vẫn không có dấu hiệu sáng sủa hơn, thất nghiệp cao và niềm tin người tiêu dùng sụt giảm. Tập đoàn lập tức đưa ra thêm kế hoạch cải tổ mới, đó là đầu tư nâng cao hiệu suất bán hàng của những trung tâm mua sắm sẵn có tại những khu vực đô thị lớn như Tokyo, Yokohama, Shinjuku, Osaka và Kyoto. Đồng thời, Takashimaya đẩy mạnh bán dòng sản phẩm mang thương hiệu tập đoàn, sa thải bớt một số nhân viên và giảm chi phí hoạt động.

Chính nhờ những biện pháp mạnh tay trên mà trong khi nhiều đối thủ thua lỗ hoặc bắt buộc phải thu hẹp mạnh quy mô để giữ được lợi nhuận thì công việc kinh doanh của Takashimaya vẫn ổn định và thậm chí vẫn tiếp tục mở rộng hệ thống.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM