"Đại chiến" thương mại điện tử ở Đông Nam Á: Xin lỗi, Amazon!

09/10/2017 13:54 PM | Kinh doanh

Đi mua sắm trong những trung tâm thương mại có điều hòa mát rượi dường như là “môn thể thao quốc gia” mà người Singapore không dễ từ bỏ.

Mới đây, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon.com Inc. đã chọn Singapore là bàn đạp để bước chân vào mảnh đất màu mỡ Đông Nam Á. Tuy nhiên, công ty lừng danh đến từ nước Mỹ lại gặp phải một vài rào cản khá khó nhằn: đi mua sắm trong những trung tâm thương mại có điều hòa mát rượi dường như là “môn thể thao quốc gia” mà người Singapore không dễ từ bỏ, và các đối thủ cạnh tranh (như Alibaba) thì đã bước chân vào thị trường này từ rất lâu rồi.

Hồi tháng 7, khâu chuẩn bị cho việc giao hàng chưa hoàn tất khiến sự kiện Amazon ra mắt bị trì hoãn. Và đến nay, kể cả khi đã bổ sung cả những đơn hàng giống như website ở Mỹ, Amazon vẫn đang bị bỏ lại phía sau bởi Lazada và công ty mẹ của nó là tập đoàn đến từ Trung Quốc – Alibaba.

Đối với những khách hàng của “đảo quốc sư tử”, thông thường họ chỉ mất vài phút để có thể đi đến 1 cửa hiệu hoặc 1 trung tâm thương mại. Thực tế là ở Singapore có quá nhiều cửa hiệu, đến nỗi các đơn vị vận hành trung tâm thương mại đang phải thu hẹp lại hoạt động sau nhiều năm phát triển quá nóng. Đất nước 5,6 triệu dân tụt hậu khá nhiều so với các nước phát triển khác khi nói về thương mại điện tử. Theo số liệu của Euromonitor International, trong năm ngoái chỉ có 4,6% doanh số bán lẻ của Singapore là giao dịch trực tuyến. Tỷ lệ ở Anh và Mỹ lần lượt là 15% và 10%.

“Singapore là 1 quốc gia có diện tích rất nhỏ, vì thế đi mua sắm là một trong những thú vui được người dân ở đây ưa chuộng”, Chan Hock Fai – chuyên gia của quỹ đầu tư Amundi Asset Management – nói.

Đại chiến thương mại điện tử ở Đông Nam Á: Xin lỗi, Amazon!  - Ảnh 1.

Doanh số bán lẻ trực tuyến trên tổng doanh số bán lẻ ở Singapore so với khu vực châu Á-TBD, Anh và Mỹ.

Báo cáo do Google và Temasek Holdings biên soạn cho thấy thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á sẽ đạt quy mô 88 tỷ USD vào năm 2025. Xét rộng ra ở thị trường châu Á, dù Amazon đã có được chỗ đứng khá vững chắc ở Nhật Bản, thị trường Trung Quốc bị độc chiếm bởi các công ty nội địa như Alibaba và JD.com. Ấn Độ cũng là thị trường mà Amazon đang nhắm tới, và CEO Jeff Bezos đã cam kết rót vào đây 5 tỷ USD để mở rộng hoạt động và đánh bại đối thủ Flipkart Online. Ngoài ra Amazon còn đang nhắm tới thị trường Úc.

Người phát ngôn của Amazon Prime Now cho biết dịch vụ giao hàng nhanh Prime Now đã được triển khai ở 50 thành phố tại 9 quốc gia khác nhau, trong đó Singapore là sự kiện ra mắt lớn nhất từ trước đến nay. “Chúng tôi rất vui vì nhận được phản ứng tích cực từ khách hàng”.

Jun-Yan Ang (29 tuổi) đã quyết định sử dụng dịch vụ Amazon Prime để mua 1 chiếc camera Go-Pro 2 ngày trước khi đi nghỉ. Sau đó anh còn đặt cả rượu vang ướp lạnh cho bữa tiệc và một số thứ đồ dùng hàng ngày khác. Ang nhận xét Amazon Prime Now cần phải cung cấp danh mục sản phẩm đa dạng hơn.

Về quy mô, Lazada vượt trội hơn hẳn khi có tới hơn 30 triệu sản phẩm, trong khi khách hàng của Prime Now chỉ có vài chục nghìn sản phẩm để lựa chọn. Được Rocket Internet thành lập năm 2011, Lazzda hiện có hơn 6,6 triệu khách truy cập duy nhất (unique visitor) mỗi tháng và từ năm 2016 đến nay lượng đơn đặt hàng đã tăng gấp 3 lần.

Một điểm đặc biệt khác của Singapore là mặc dù các nhà bán lẻ trực tuyến mới khai thác thị trường này, người tiêu dùng ở đây đã quá quen với việc mua sắm trực tuyến nhưng là đường xách tay trực tiếp. Đó là lý do giải thích tại sao các cửa hàng trực tuyến của Lazada – Alibaba có 988.000 unique visitor trong tháng 8, theo sau là Amazon với 698.000 và Qoo10 (liên doanh giữa Giosis Pte với eBay) với 432.000. Số liệu này chưa tính đến các đơn đặt hàng thực hiện trên thiết bị di động.

Đại chiến thương mại điện tử ở Đông Nam Á: Xin lỗi, Amazon!  - Ảnh 2.

Lazada đang dẫn đầu thị trường bán lẻ trực tuyến ở Singapore.

Lisa Tan (32 tuổi), cho biết mua sắm trực tuyến thực sự tiện lợi nhưng cô thích mua ở cửa hàng hơn. “Tôi thích những trải nghiệm - nhìn tận mắt, nghe tận tai – mà chỉ có đi mua sắm ở cửa hàng mới có được. Đặc biệt ở Singapore thì mọi thứ đều ở trong tầm tay và rất tiện lợi. Tôi chỉ mua hàng trực tuyến khi không thể mua được thứ đó dễ dàng ở Singapore và cũng chỉ mua ở Taobao và Amazon”.

Quyết định tung ra Prime Now đầu tiên ở Singapore cho thấy nhu cầu phải giao hàng sớm nhất có thể. Thông thường thì Amazon sẽ giới thiệu dịch vụ giao hàng nhanh khi thị trường đã trưởng thành và có thể xây dựng được mạng lưới hậu cần tốt. Ở phiên bản dùng thử hạn chế, khách hàng ở Singapore có thể được giao hàng miễn phí nếu giá trị hóa đơn lớn hơn 29 USD. Trước đó người Singapore phải chịu phí giao hàng khá cao (ship quốc tế) nếu muốn mua hàng trên Amazon.

Ở thị trường Singapore, các nhà bán lẻ trực tuyến khó có thể làm ngơ việc mở 1 cửa hàng vật lý để thu hút người mua sắm. Vivre Activewear, 1 hãng chuyên về quần áo tập thể thao, ban đầu đã mở cửa hàng trực tuyến ở Singapore vào tháng 4/2014 nhưng ngay sau đó đã quyết định mở cửa hàng vật lý vì “khách thích nhìn thấy sản phẩm thực sự”. Theo nhà đồng sáng lập của Vivre Activewear thì hiện 80% doanh thu của hãng đến từ cửa hàng chứ không phải từ website.

Mới đây Lazada cũng đã hợp tác với công ty bất động sản CapitaLand Ltd. để cho phép khách hàng mua hàng online nhưng lấy hàng tại 1 trung tâm thương mại gần đó. Điều này giúp khách có trải nghiệm tốt hơn.

Thương vụ mua lại chuỗi thực phẩm Whole Foods với giá 13,7 tỷ USD chính là ví dụ cho thấy Amazon đang suy nghĩ nhiều hơn đến các cửa hàng vật lý. Ở Ấn Độ, Amazon vừa mua 5% cổ phần của Shoppers Stop với kế hoạch mở các trung tâm trải nghiệm tại các cửa hàng của chuỗi này, cho phép khách dùng thử những sản phẩm được bán trên mạng.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM