Đại chiến gia tộc LG: Con trai nuôi thừa kế toàn bộ tài sản từ cố Chủ tịch, 5 năm sau mẹ và 2 chị gái phát hiện ra sự thật động trời, đế chế 10 tỷ USD sắp bị chia lại?

19/12/2023 15:23 PM | Kinh doanh

Kịch tính hơn cả phim: Đế chế LG nguy cơ sắp phải chia lại 5 năm sau ngày cố Chủ tịch qua đời.

Đại chiến Chaebol Hàn Quốc: Đế chế 10 tỷ USD của LG đứng trước nguy cơ vỡ vụn vì những tình tiết mới bất ngờ khi người mẹ kiện đứa con đòi quyền thừa kế - Ảnh 1.

Tờ New York Times (NYT) cho hay khi Cựu Chủ tịch Koo Bon Moo của tập đoàn LG-Hàn Quốc qua đời vào năm 2018, công chúng hầu như nhận định người kế thừa di sản đế chế Chaebol này sẽ là Koo Kwang Mo, đứa cháu được nhận làm con nuôi của gia đình.

Đế chế 10 tỷ USD của LG vốn được điều hành bởi gia tộc Koo kể từ khi được ông Koo In Hwoi thành lập từ năm 1947. Tuy nhiên gia tộc này có truyền thống "gia trưởng" cực kỳ nặng khi chỉ truyền thừa kế cho con trai trưởng.

Thế nhưng khi Cố chủ tịch Koo Bon Moo mất đi người con cả vào năm 1994, gia đình này đã không còn trưởng nam nào kế thừa như truyền thống, qua đó buộc ông Koo phải nhận đứa cháu làm con nuôi để thừa kế di sản.

Mọi chuyện đã chẳng có vấn đề gì nếu Cố chủ tịch Koo Bon Moo không qua đời ở tuổi 73 mà không để lại di chúc chính thức. Chính sự kiện này đã châm ngòi cho cuộc chiến quyền thừa kế sau này khi Cố chủ tịch Koo Bon Moo nắm giữ đến 1,5 tỷ USD tài sản trong LG cũng như 11% cổ phần của công ty.

Đại chiến Chaebol Hàn Quốc: Đế chế 10 tỷ USD của LG đứng trước nguy cơ vỡ vụn vì những tình tiết mới bất ngờ khi người mẹ kiện đứa con đòi quyền thừa kế - Ảnh 2.

Ông Koo Kwang Mo (thứ 2 từ trái sang) ngồi cùng các đại diện Chaebol Hàn Quốc khác như Lotte, Huyndai, SK và Samsung

Sau khi hất cẳng thành công người chú Koo Bon Joo của gia tộc khỏi vị trí điều hành LG, người cháu Koo Kwang Mo giờ đây phải đối mặt với vụ kiện của mẹ nuôi và 2 người chị trong gia đình sau 5 năm kể từ ngày bố nuôi qua đời.

Cáo buộc của người mẹ và 2 người con gái cho thấy đương kim Chủ tịch Koo Kwang Mo cùng các giám đốc điều hành cấp cao đã "ăn cắp" tài sản thừa kế của họ nhằm kiểm soát công ty.

Mặc dù vậy, vợ của Cố chủ tịch Koo Bon Moo, bà Kim Young Sik cho biết mình cùng 2 người con chỉ muốn lấy lại số tài sản thừa kế đáng lẽ thuộc về họ chứ không có ý định kiểm soát hoạt động của LG.

Rắc rối di chúc

Tờ NYT cho hay tập đoàn LG là một trong những Chaebol lớn ở Hàn Quốc khi kiểm soát đến 11 công ty con, bao gồm LG Chem-hãng nguyên vật liệu, hóa chất lớn nhất nước, và LG Electronics-hãng điện tử và đồ gia dụng nổi tiếng toàn cầu.

Bản thân gia tộc Koo cũng là một trong số ít các gia tộc giàu có nhất Hàn Quốc, xứng vai cùng gia tộc Lee điều hành tập đoàn Samsung.

Tuy nhiên cái chết không di chúc cùng một người con nuôi đã khiến đế chế LG lâm vào nguy cơ vỡ vụn khi con cháu tranh giành quyền thừa kế.

Bản ghi âm bí mật của người vợ Cố chú tịch Koo Bon Moo, bà Kim Young Sik cùng 2 người con gái là Koo Yeon Kyung và Koo Yeon Sue cho thấy đích thân Chủ tịch Koo Kwang Mo đã cầu xin người thân không thách thức quyền thừa kế của mình vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của LG cũng như uy quyền của vị giám đốc này trong công ty, qua đó tác động xấu đến công việc kinh doanh.

"Dư luận công chúng là thứ đáng sợ nhất. Mọi người sẽ nhìn vào việc này như thế nào? Họ sẽ bảo con là kẻ ích kỷ hoặc chê bai con vì có vẻ đã không chăm lo tốt cho mẹ và chị nuôi", bản ghi âm cho thấy lời của Chủ tịch Koo Kwang Mo.

Ngoài ra, đơn kiện của bà Kim còn cáo buộc Cựu trợ lý cho Cố chủ tịch Koo Bon Moo, ông Ha Beom Jong đã gây hiểu lầm cho gia đình vì ám chỉ rằng có di chúc để lại mọi tài sản cho người con nuôi Koo Kwang Mo.

Theo luật pháp Hàn Quốc, nếu không có di chúc thì người vợ sẽ được hưởng 1/3 số tài sản của chồng quá cố, phần còn lại sẽ được chia đều cho 2 người con gái và ông Kwang Mo. 

Đại chiến Chaebol Hàn Quốc: Đế chế 10 tỷ USD của LG đứng trước nguy cơ vỡ vụn vì những tình tiết mới bất ngờ khi người mẹ kiện đứa con đòi quyền thừa kế - Ảnh 3.

Người chị cả Koo Yeon Kyung (áo trắng) cùng mẹ, bà Kim Young Sik (ngồi) và người em Koo Yeon Sue

Tuy vậy bản thân bà Kim và 2 người con lại bị lừa đồng ý một bản thỏa thuận để lại 75% bất động sản cho Kwang Mo, đồng thời ký văn bản đồng ý cho vị Chủ tịch mới nhận được số cổ phần lẫn tài sản chi phối LG.

Chính vì sự bất công này mà bà Kim đã đâm đơn kiện nhằm đòi lại quyền lợi cho mình.

"Chúng tôi không thể chấp nhận quyền lợi hợp pháp của mình bị coi rẻ chỉ vì chúng tôi là phụ nữ", người vợ của Cố chủ tịch Koo Bon Moo cho biết.

Áp lực sinh con trai

Tập đoàn LG được thành lập bởi Koo In Hwoi, người cụ của Chủ tịch Koo Kwang Mo hiện nay. Thương hiệu này là hãng đầu tiên sản xuất kem đánh răng, radio và máy giặt ở Hàn Quốc.

Khi Cố chủ tịch Koo Bon Moo tiếp quản công việc kinh doanh vào năm 1995, thương hiệu LG đã xâm nhập vào mọi mặt đời sống người dân Hàn Quốc. Ông Koo Bon Moo là cháu của nhà sáng lập Koo In Hwoi và là người con trai cả trong 6 anh em gia đình khi đó.

Tại thời điểm đó, LG đã xâm nhập vào mảng bất động sản, xây dựng cùng nhiều ngành nghề khác ở Hàn Quốc.

Thành công tiếp quản LG nhưng đời sống riêng tư của Cố chủ tịch Koo Bon Moo lại không như ý. Ngay trước khi trở thành Chủ tịch, ông Bon Moo đã mất người con trai 19 tuổi vì bị đau tim, khiến gia đình chỉ còn 1 người con gái mà không có nam giới thừa kế nào cả.

Trước áp lực từ truyền thống, người vợ Kim Young Sik đã cố sinh thêm nhưng lại chỉ đẻ ra một cô con gái nữa ở tuổi ngoài 40.

"Nỗi đau mất con của cha mẹ tôi càng gia tăng vì vấn đề kế vị. Truyền thống gia đình tôi là như vậy. Tôi từng cảm thấy tội lỗi vì đã không sinh ra là con trai", người con gái thứ 2 tên Yeon Sue cho biết.

Vì không có con trai nối dõi nên gia đình bà Kim đã bị bố chồng, nhà sáng lập Koo In Hwoi gây áp lực để nhận nuôi đứa cháu Kwang Mo, vốn là con trai cả của người em chồng Koo Bon Neung.

"Đối với bố chồng tôi, việc có con trai nối dõi cực kỳ quan trọng", bà Kim nhớ lại.

Đại chiến Chaebol Hàn Quốc: Đế chế 10 tỷ USD của LG đứng trước nguy cơ vỡ vụn vì những tình tiết mới bất ngờ khi người mẹ kiện đứa con đòi quyền thừa kế - Ảnh 4.

Bà Koo Yeon Kyung

Năm 2014, Cố chủ tịch Koo Bon Moo ở tuổi 72 vẫn có vẻ khỏe mạnh và đi leo núi vào cuối tuần. Thế nhưng đây lại là lúc ông phát hiện mình mắc ung thư não. Ca mổ đầu tiên vào tháng 4/2017 diễn ra suôn sẻ nhưng sau ca phẫu thuật thứ 2 vào tháng 12 cùng năm, ông Bon Moo bị di chứng đến mất khả năng nói.

Kể từ đó, sức khỏe của vị Cố chủ tịch này suy giảm nhanh chóng và qua đời vào tháng 5/2018.

Giả mạo?

Sau khi Cố chủ tịch Koo Bon Moo qua đời, một cuộc đấu ngầm bắt đầu dậy sóng trong đế chế LG. Ban đầu khi còn đau ốm, đế chế của ông Bon Moo thực chất được điều hành bởi người em trai Koo Bon Joon, vốn đang quản lý những mảng đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho tập đoàn.

Bản thân ông Koo Kwang Mo khi đó chỉ mới 40 tuổi và dù làm giám đốc cấp cao trong LG suốt 10 năm qua nhưng không hề có nhiều quyền lực hay thậm chí là tiếng nói trong tập đoàn.

Dẫu vậy mọi thứ đã thay đổi khi Cố chủ tịch Bong Moo qua đời. Người vợ Kim đã cáo buộc bản thân ông Kwang Mo và bố ruột đã câu kết để chiếm đoạt quyền kiểm soát LG. Những người này đã phá khóa két sắt của Cố chủ tịch ở văn phòng lẫn nhà riêng mà thực chất không có chìa khóa hay được ủy quyền.

Sau đó trợ lý của Cố chủ tịch Koo Bon Moo là ông Ha đã đến thông báo với gia đình rằng có di chúc để lại toàn bộ tài sản, cổ phần cho ông Kwang Mo, phù hợp với phong tục kế thừa con trai trưởng của LG. Tuy nhiên trợ lý Ha sau đó đã chối bỏ trước tòa về việc từng nói là có di chúc.

"Người đàn ông cha tôi tin tưởng nhất và được cho là biết tất cả mọi chuyện đã đến cho chúng tôi biết rằng có một bản di chúc, qua đó để lại mọi thứ cho Kwang Mo", người con gái lớn Koo Yeon Kyung nói với giới truyền thông.

Xin được nhắc rằng tập đoàn LG có đến 220.000 nhân viên và ban tài chính của công ty không chỉ làm việc với sổ sách doanh nghiệp mà còn quản lý cả tài sản cá nhân, con dấu của gia tộc Koo dựa trên sự ủy quyền lẫn tin tưởng.

Trong phiên tòa, trợ lý Ha cho biết dù không có di chúc nhưng đã có một bản thỏa thuận sơ bộ có chữ ký của Cố chủ tịch Bon Moo chỉ vài ngày trước ca phẫu thuật cuối cùng. Tuy nhiên sau khi đưa cho gia đình chủ tịch xem thì chúng đã bị tiêu hủy theo quy trình thường lệ.

Trái lại, bà Kim và 2 người con gái đều nói rằng họ chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ thứ tài liệu nào như thế.

Đại chiến Chaebol Hàn Quốc: Đế chế 10 tỷ USD của LG đứng trước nguy cơ vỡ vụn vì những tình tiết mới bất ngờ khi người mẹ kiện đứa con đòi quyền thừa kế - Ảnh 5.

Bà Koo Yeon Sue, người con gái thứ 2 của Cố chủ tịch Koo Bon Moo

Phân chia tài sản

Bản thân người vợ Cố chủ tịch ở tuổi 71 đã bị yêu cầu ký thỏa thuận từ bỏ quyền thừa kế bất cứ cổ phần nào mà người chồng để lại nhằm đảm bảo sự chuyển giao quyền lực cho người con nuôi Kwang Mo, đồng thời tránh được thách thức từ người chú Koo Bon Joon vốn đang nắm quyền lực trong tập đoàn.

Yêu cầu kỳ lạ này khiến bà Kim phải hỏi lại trợ lý Ha về việc có thật sự Cố chủ tịch Bon Moo không muốn để lại bất kỳ cổ phần nào cho 2 người con gái hay không. Kết quả là cuối cùng ông Kwang Mo đã đồng ý để lại 1/5 số cổ phần của Cố chủ tịch quy đổi sang tiền với tổng giá trị tương đương 270 triệu USD cho 2 người chị em gái.

Trước tòa, những người phụ nữ nhà Koo này cho biết họ không bao giờ dám đặt câu hỏi với Cố chủ tịch khi ông còn sống về vấn đề thừa kế. Bản thân họ cũng kỳ vọng rằng người con nuôi Kwang Mo sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ như truyền thống Hàn Quốc.

Chính vì vậy mà bà Kim và 2 người con gái không có nhiều nghi ngờ gì về sự thừa kế của Kwang Mo. Người con gái lớn Yeon Kyung cho hay bản thân mình được thông báo rằng các điều khoản thừa kế phải được giữ bí mật tối đa nên cô đã không hỏi ý kiến chồng hay luật sư riêng.

Những điều khoản thỏa thuận chỉ được đọc cho người mẹ và 2 cô con gái đúng 1 lần và họ chưa bao giờ được lưu giữ bản sao.

Theo những điều khoản này, bà Kim và 2 người con gái sẽ được nhận một số tiền mặt thừa kế từ Cố chủ tịch Bon Moo cùng một số khoản đầu tư cũng như ngôi biệt thự tại Seoul.

Trong khi đó Kwang Mo sẽ thừa kế phần lớn cổ phiếu và phải trả hàng trăm triệu USD tiền thừa kế. Theo luật pháp Hàn Quốc, thuế thừa kế cho các tài sản trên 2,3 triệu USD sẽ ít nhất là 50% trở lên.

Hất cẳng người chú

Theo NYT, cơn đau đầu của Kwang Mo lúc đầu là người chú Bon Joon khi ông mới là vị giám đốc có uy quyền và đang điều hành tập đoàn kể từ khi Cố chủ tịch đau ốm. Tại thời điểm đó, Kwang Mo chỉ sở hữu 6,1% cổ phần LG trong khi người chú Bon Joon nắm giữ đến 7,6% cùng ghế điều hành quản lý.

Đại chiến Chaebol Hàn Quốc: Đế chế 10 tỷ USD của LG đứng trước nguy cơ vỡ vụn vì những tình tiết mới bất ngờ khi người mẹ kiện đứa con đòi quyền thừa kế - Ảnh 6.

Cố Chủ tịch Koo Bon Moo của LG

Tuy nhiên sau khi nhận được phần thừa kế, cổ phần Kwang Mo nắm giữ tăng lên 15% và ông nhanh chóng tuyên bố trở thành Chủ tịch mới của LG vào tháng 6/2018, chỉ 1 tháng sau khi người bố nuôi mất.

Mặc dù người chú Bon Joon đồng ý từ bỏ quyền lực nhưng ông cũng không chịu ra đi tay trắng. Vào tháng 11/2020, LG tuyên bố tách 5 mảng kinh doanh con để thành lập một tập đoàn mới với Bon Joon làm Chủ tịch.

Động thái này vấp phải sự chỉ trích cực kỳ gay gắt từ nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ khi chúng gây ảnh hưởng đến lợi ích tập đoàn. Tuy nhiên trợ lý Ha, hiện đã trở thành Giám đốc tài chính (CFO) của LG thì lại cho rằng việc làm này nhằm hạ thấp rủi ro cho công ty.

Nghi ngờ

Người con gái lớn Yeon Kyung cho hay cô bắt đầu có nghi ngờ khi bị khóa thẻ tín dụng vì mắc quá nhiều khoản nợ mà bản thân cô không hề sử dụng. Nhận ra bản thân cùng mẹ và chị em gái quá mù mờ về tình hình tài chính cũng như các khoản thừa kế, cô Kyung và bà Kim bắt đầu điều tra.

Lúc này 3 mẹ con mới phát hiện họ đang phải thanh toán nhiều khoản thuế thừa kế cho Kwang Mo một cách phi lý, trong khi người con nuôi này đáng lẽ phải trả khoản thuế này vì được thừa hưởng phần lớn cổ phiếu LG.

Thế nhưng khi nói chuyện với ban tài chính công ty, những gì họ nhận được chỉ là sự cản trở. Các nhân viên cho biết bản sao thừa kế đã được giữ ở "một nơi rất xa Seoul" và cần mất vài tuần mới lấy được về.

Sau đó khi tổng hợp tình hình tài chính, 3 mẹ con bà Kim nhận ra Kwang Mo cũng nhận được nhiều tiền mặt và tài sản hơn là chỉ cổ phiếu như lúc đầu họ nghĩ.

"Mọi thứ bắt đầu có vẻ lạ. Đó là tài sản của gia đình nhưng thực sự là chúng tôi không rõ mình có bao nhiêu tiền", người con gái Yeon Kyung nói.

Trước những nghi ngờ này, 3 mẹ con bà Kim bắt đầu bí mật ghi âm lại những cuộc trò chuyện với Kwang Mo và cựu trợ lý Ha từ năm 2022.

Những đoạn ghi âm cho thấy các cuộc trao đổi ngày càng căng thẳng, thậm chí là cãi vã kịch liệt, qua đó cho thấy rạn nứt trong gia tộc họ Koo.

Cuối cùng vào tháng 1/2023, Chủ tịch Kwang Mo đã phải gửi 1 lá thư cho bà Kim, thừa nhận rằng việc rút tiền của 3 mẹ con để trả tiền thuế cho mình là hành vi ngoài mong đợi. Bản thân Kwang Mo không hay biết rằng mình không đủ tiền trả thuế thừa kế cổ phần LG nên các nhân viên đã "tự ý" dùng tiền thừa kế của 3 mẹ con thay thế.

Tuy nhiên Kwang Mo cho biết những nhân viên này chỉ "mượn" và có kế hoạch trả lại cho 3 mẹ con sau đó.

Đại chiến Chaebol Hàn Quốc: Đế chế 10 tỷ USD của LG đứng trước nguy cơ vỡ vụn vì những tình tiết mới bất ngờ khi người mẹ kiện đứa con đòi quyền thừa kế - Ảnh 7.

Căn biệt thự Seoul mà bà Kim Young Sik ở cùng 2 người con gái, nơi tổ chức buổi lễ Chuseok gần đây.

Đồng thời trong bức thư, Kwang Mo đề nghị bà Kim và 2 chị em gái không thách thức quyền thừa kế của mình để tránh làm ảnh hưởng đến danh tiếng LG.

"Nếu các bậc cha chú đều muốn đòi hỏi quyền lợi của mình theo luật thừa kế thì quyền kiểm soát LG đã không thể truyền lại cho thế hệ thứ 4 như hiện nay", Chủ tịch Kwang Mo viết.

Mặc dù vậy, bà Kim cùng 2 người con gái không bị thuyết phục nên đã đâm đơn kiện chỉ 1 tháng sau đó.

Khó xử

Vào tháng 9/2023, gia tộc Koo với hơn 100 thành viên tụ tập làm lễ Chuseok truyền thống của người Hàn Quốc. Tuy nhiên những người tham gia cho biết cảnh Chủ tịch Kwang Mo ôm người mẹ và 2 chị em gái đầy gượng gạo đã bị mọi người chú ý. Bản thân người con nuôi này thậm chí tránh nhìn mặt người thân trong gia đình và tự nhốt mình trong phòng riêng.

"Kwang Mo chẳng thèm nhìn mặt chúng tôi, nó chỉ đến và nhanh chóng rời đi sau đó", bà Kim nói.

*Nguồn: NYT

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM