Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng: Có thể khởi kiện nước sạch sông Đà, yêu cầu bồi thường

21/10/2019 15:53 PM | Xã hội

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh cho rằng, người dân có thể khởi kiện công ty nước sạch sông Đà, yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ nước nhiễm bẩn vừa qua.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, vụ việc nước sông Đà bị nhiễm bẩn cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh nguồn nước. Tuy vấn đề này không nằm trong phạm trù an ninh quốc gia, nhưng lại tác động lớn đến an ninh quốc gia. Điều đáng nói ở đây là khi sự cố xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng vạn hộ dân nhưng sự vào cuộc của chính quyền không kịp thời.

+ Từ vụ việc này, theo ông cần phải làm gì để đảm bảo an ninh cho nguồn nước, mặt hàng thiết yếu không thể thiếu được trong mọi gia đình?

Theo tôi trước tiên phải có quy định pháp luật về bảo vệ nguồn nước, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân một cách an toàn, và phải có cơ chế xử lý kịp thời các sự cố như vỡ đường ống, hay bị đổ dầu thải. Bên cạnh đó cũng phải đề phòng đến hoạt động phá hoại, đưa chất độc hại vào nguồn nước để có phương án phòng ngừa, xử lý hiệu quả.

Riêng trong việc giải quyết các sự cố, cần phải có các phương án rõ ràng như các phương án về phòng cháy chữa cháy. Cần có tính chủ động, xây dựng các phương án, thậm chí có diễn tập, xử lý các tình huống, tránh tình trạng chậm vào cuộc như vụ việc vừa qua.

Từ vụ việc này cũng cho thấy, đã đến lúc phải có tính kết nối giữa các địa phương với nhau trong việc cấp nước sạch cho người dân. Thậm chí huy động cả nguồn nước từ các địa phương lân cận. Cùng với đó người dân phải có quyền lựa chọn. Tôi có thể mua nước của anh, mua nước của người khác, tránh chuyện độc quyền.

Chúng ta cũng có quy định về giám sát, thanh tra kiểm tra để đảm bảo an ninh nguồn nước, nhưng trong nhiều lĩnh vực, việc thực hiện và giám sát lại không đảm bảo. Và thực tế lâu nay người dân vẫn thường kêu ca “nước sạch nhưng lại không sạch” vì thường xuyên có cặn, có tạp chất, thậm chí có cả sinh vật trong nước… Chính vì vậy, cần phải có giải pháp tổng thể cho vấn đề này.

Liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương, theo ông phải có phương án xử lý như thế nào để làm rõ, và có thể quy trách nhiệm cá nhân khi sự cố như vừa qua xảy ra?

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, yêu cầu về việc này. Với những sự cố như vậy, rõ ràng người đứng đầu địa phương phải vào cuộc ngay lập tức, để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Đây là một yêu cầu với chính quyền, dù người dân là người ký kết hợp đồng với nhà cung cấp, nhưng đây là một loại hàng hóa thiết yếu, có thể thiếu gạo, thiếu hàng hóa khác nhưng không thể thiếu nước.

Chúng ta đều thấy, sự cố diễn ra trong nhiều quận, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm nghìn người dân, thậm chí còn nảy sinh nhiều vấn đề mà người dân bức xúc, có phản ứng dẫn đến mất an ninh trật tự. Rồi một số đối tượng còn lợi dụng sự cố này để đầu cơ, mà thực tế đã xảy ra rồi…. Cũng giống như các sự cố khác, sau này cần có sự phân loại để xử lý. Ở đây có vai trò rất lớn của người đứng đầu địa phương.

Kiện ra tòa, yêu cầu đền bù

Ngoài câu chuyện trách nhiệm của chính quyền địa phương, ở đây còn có trách nhiệm rất lớn của chủ đầu tư, thưa ông?

Liên quan đến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải nghiên cứu lại, đưa ra những quy định rất cụ thể về việc cam kết đảm bảo chất lượng nguồn nước trong hợp đồng. Chẳng hạn đưa ra quy định, anh cấp nước cho tôi đảm bảo, tôi mới trả tiền, nếu không anh phải đền bù thiệt hại cho tôi.

Nhân vụ việc này, tôi đề nghị báo chí lên tiếng, yêu cầu họ đền bù thiệt hại cho người dân. Tôi ủng hộ phương án đưa doanh nghiệp này ra tòa. Bây giờ người dân có thể khởi kiện về dân sự. Hội bảo vệ người tiêu dùng Hà Nội phải đứng ra khởi kiện, giống như vụ Vedan xả thải gây ô nhiễm ở Đồng Nai trước đây.

Vụ việc này đã khởi tố thì phải xác định rõ tội danh, nếu phát hiện đối tượng đổ dầu phải xử lý nghiêm. Còn với doanh nghiệp, Bộ luật Hình sự đã quy định về xử lý pháp nhân rồi, giờ phải nghiên cứu, xem có vi phạm của doanh nghiệp này không để xử lý về hình sự. Nếu không xử lý được hình sự, doanh nghiệp phải có trách nhiệm về dân sự, phải bồi thường.

Nhưng vấn đề ở đây là khó chứng minh được thiệt hại để yêu cầu đền bù?

Tất nhiên muốn họ đền bù phải xác định thiệt hại, và việc này không khó. Ví dụ người dân phải bỏ công sức chầu trực lấy nước, là thiệt hại; người dân phải bỏ tiền ra mua ước là thiệt hại; các hộ kinh doanh cửa hàng ăn vì không có nước, không kinh doanh được cũng là thiệt hại…

Ngoài thiệt hại về sức khỏe, vật chất còn có thiệt hại về mặt tinh thần, điều này luật đã quy định rất rõ. Thậm chí trong trường hợp này, có thể không xác định được vật chất, nhưng buộc anh phải xin lỗi và buộc anh phải có động thái chia sẻ với người tiêu dùng. Trong vụ việc này, theo tôi, công ty cấp nước đã vi phạm hợp đồng. Bởi lẽ, sự cố xảy ra, anh xử lý không đảm bảo, không kịp thời, biết thế mà vẫn cấp nước cho người dân sử dụng. Cũng như trong vụ cháy nhà máy Rạng Đông, phải xử lý triệt để, làm mạnh lên để phòng ngừa, răn đe.

Tại buổi họp báo hôm rồi, chủ đầu tư nói chỉ xin lỗi khách hàng khi có kết luận chính thức, thậm chí còn nói họ mới là người thiệt hại nhất?

Đó là vấn đề về văn hóa doanh nghiệp. Qua báo chí phản ánh, tôi được biết doanh nghiệp này có doanh thu lợi nhuận tốt. Họ nói như vậy thể hiện sự vô tâm, thậm chí là nhẫn tâm, xem khách hàng không phải thượng đế. Việc này phải lên án để tạo ra một văn hóa trong kinh doanh, văn hóa trong doanh nghiệp, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu của người dân.

Lúc này doanh nghiệp phải chia sẻ, thậm chí cúi đầu nhận lỗi, nhưng họ lại có thái độ coi thường người dân như vậy, không thể chấp nhận.

Cảm ơn ông.

Theo Luân Dũng

Cùng chuyên mục
XEM