Đại biểu Quốc hội: Nên có mức trần với thẩm quyền tự quyết về quản lý đất đai của Tp. HCM

14/11/2017 16:19 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong phiên làm thảo luận về Tờ trình về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh do Chính phủ trình lên Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đoàn Bình Phước cho rằng cần cân nhắc xem xét kỹ hơn.

Nên có mức trần về quản lý đất đai

Theo đó, đại biểu Tuấn Anh cho rằng phạm vi điều chỉnh theo không chỉ dừng ở cơ chế đặc thù, nên chăng cơ chế đặc thù của Tp. HCM nên bổ sung thêm việc sắp xếp bộ máy, tổ chức hành chính nhà nước. Bên cạnh cơ chế về kinh tế phải có ưu đãi về kiện toàn tổ chức bộ máy. Luật tổ chức chính quyền địa phương có quy định nhưng cơ chế đặc thù phải có quy định, phải có tính vượt trội có thể ra ngoài các quy định thông thường của tỉnh, thành phố khác.

Bên cạnh đó cũng có ông Tuấn Anh cũng nêu ra ý kiến từ Ủy ban thường vụ Quốc hội trong phiên thảo luận trước đó cho rằng nên chăng chú trọng vượt trội cả về văn hóa xã hội. Dẫn chứng cụ thể như việc bỏ qua quy định về các ca sĩ hải ngoại muốn về Tp.HCM biểu diễn thì phải qua Bộ nên chăng giao cho Tp.HCM được phép cấp thẩm quyền cho họ được biểu diễn.

Về quản lý đất đai, đại biểu đoàn Bình Phước cho biế báo cáo thẩm tra của Uỷ ban tài chính nêu rất rõ ràng, nên cân nhắc. Theo luật quy định cấp thẩm quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ nay nếu giao hoàn toàn cho Tp.HCM thì có thể Thủ tướng sẽ mất quyền. "Tuy nhiên về mặt pháp lý thì được bởi đây là Chính phủ ủy quyền cho Tp. Tuy nhiên nên chăng có mức trần trên 10 ha là bao nhiêu?", ông Tuấn Anh đặt câu hỏi. Ngay sau đó đại biểu này nêu ra 2 phương án nên xem xét: Trên 10-100 ha là Tp.HCM được quyền xem xét giải quyết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thứ 2, trên 100 ha trình Chính phủ quyết định.

Tăng thuế có ngược với mục tiêu thu hút đầu tư?

Về quản lý ngân sách nhà nước, góp ý về khoản 1 ông Tuấn Anh cho rằng hầu như nội dung là chính sách thuế theo đề xuất của Chính phủ chỉ có tăng chứ không giảm.

"Nếu tình hình tăng như này có thể đi hơi ngược với mục tiêu của chúng ta phải thu hút đầu tư của doanh nghiệp, tạo ra môi trường thông thoáng vào Tp. Tăng mức thuế này liệu các doanh nghiệp có hứng thú nữa hay không?", đại biểu này đặt câu hỏi. Theo ông nên tăng thuế với các đối tượng có thu nhập cao hoặc ản hưởng đời sống hàng ngày như rượu bia, thuốc lá,… chính sách thuế khác nên giữ nguyên, xem xét để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Tp.HCM.

Ngoài ra đại biểu đoàn Bình Phước cũng đề nghị xem xét tăng thuế nên có lộ trình, tăng như nào cho phù hợp, nên có mức trần, tăng ở mức độ nào Tp.HCM được phân quyền, mức nào cần báo cáo Chính phủ xem xét.

Cũng về quản lý kinh tế, Tờ trình có quy định TP. Hồ Chí Minh sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do Tp quản lý và ngân sách thành phố để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập và 02 bệnh viện tuyến cuối của Thành phố. Ngân sách trung ương sẽ không bổ sung cho Thành phố 18.800 tỷ đồng từ nguồn thu cổ phần hóa để thực hiện các dự án này như dự kiến trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

"Chúng ta nói rằng cần tạo ra cơ chế vượt trội. Cho phép thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước do Thành phố quản lý, chưa biết nguồn thu bao nhiêu nhưng giữ lại 18.800 tỷ đồng liệu có phù hợp không?", đại biểu Tuấn Anh băn khoăn

Theo đó đại biểu này ủng hộ báo cáo thẩm tra của Ủy ban cho rằng không nên thu lại khoản này mà để phục vụ cho dự án chống ngập và 2 bệnh viện tuyến cuối của Thành phố.

Về điều 6, khoản 3 của tờ trình đề xuất Tp. HCM chủ động mức thu nhập bình quân tăng thêm, đây là điều khuyến khích nhưng đại biểu đoàn Bình Phước cho rằng nên đặt ra nguyên tắc không làm thay đổi mức lương cơ bản. "Khẳng định tăng thu nhập bình quân tăng thêm chứ không phải tăng lương cơ bản cũng như cần quy định mức trần là bao nhiêu", ông Tuấn Anh đề xuất.

Ngoài ra ông Tuấn Anh cũng góp ý thêm một số điều khoản cần cân nhắc sắp xếp lại để không trùng lặp với luật cũng như có thể gộp chung với nhau vì cùng thể hiện cùng nội dung. Với hiệu lực thi hành nên là 15/1/2018 cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật cũng như không nên quy định cứng nhắc 5 năm. Theo đó đại biểu này cho rằng nên chia thành 2 giai đoạn thí điểm như báo cáo của Ủy ban tài chính ngân sách là giữa năm 2020 sơ kết và cuối năm 2022 tổng kết.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM