Đại biểu Quốc hội băn khoăn về 2 phương án nguồn vốn đầu tư dự án sân bay Long Thành

13/11/2017 11:29 AM | Kinh tế vĩ mô

Trong phiên họp sáng ngày 13/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Về nguồn vốn để đầu tư cho dự án, theo nghị quyết 26 Quốc hội thì nguồn vốn để thực hiện, bố trí cho dự án giải phóng mặt bằng chỉ là 5.000 tỷ đông. Như vậy, dự án còn thiếu gần 18.000 tỷ đồng để thực hiện.

2 phương án bổ sung nguồn vốn thiếu hụt được dự án đưa ra là huy động từ nguồn ngân sách dành cho các dự án trọng điểm quốc gia hoặc huy động từ nguồn ngân sách dự phòng. Tuy nhiên đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Tp. Hà Nội cũng bày tỏ băn khoăn về 2 phương án này.

Điều đại biểu này nhắc tới đầu tiên là nguyên tắc chi phải có trong dự toán. Theo đó, cách đây 1 năm trong kỳ họp tháng 10 Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn. Và trong luật đầu tư công trung hạn cũng như trong luật ngân sách, trong hiến pháp đề ra nguyên tắc cơ bản là Chi đều phải có trong dự toán. Và khi trình về dự án này Chính phủ đề cập đến con số 5.000 tỷ đồng đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên hiện nay sau 1 năm trong tờ trình của Chính phủ cho biết còn thiếu 23.000 tỷ đồng và đề nghị Quốc hội cho phương án xử lý.

"Tôi nghĩ trong tình huống như vậy việc có một phương án xử lý là bắt buộc, cần thiết. Tuy nhiên tôi nghĩ đầu tư công trung và dài hạn là một dự toán cho cả giai đoạn 5 năm. Và khi trình Chính phủ đã cân nhắc, Quốc hội đã cho ý kiến. Về nguyên tắc chúng ta phải tuân thủ con số đầu tư công trung hạn đã đề ra là 5.000 tỷ đồng. Vì vậy ngày hôm nay khi bàn về nguồn vốn để cân đối nguồn lực thêm 15.000, 18.000 hay 23.000 tỷ đồng tôi nhớ lại rằng đã xem xét phương án đó cách đây 1 năm. Khi chúng ta đã cân nhắc, đã đưa ra thì cần thực hiện", đại biểu này nhấn mạnh.

Cụ thể về 2 phương án mà Chính phủ trình đại biểu này cho rằng cần phải lựa chọn một trong 2 và không có giải pháp nào khác. Tuy nhiên bà Mai vẫn lo ngại với 2 phương án đưa ra.  Với phương án 1 theo tờ trình của Chính phủ cũng như trong báo cáo, dự kiến bố trí 15.000 tỷ đồng trong 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia theo nghị quyết 26.

Về con số 80.000 tỷ đồng đưa ra trước đây, có 70.000 dự kiến phân bổ cho đường cao tốc bắc nam. Trong tờ trình về đường cao tốc bắc nam, Chính phủ đề xuất chỉ dùng 55.000 tỷ, còn 15.000 tỷ đầu tư cho các dự án quan trọng cấp bách mà không thể không dừng lại được. Theo đó có 4 dự án đường sắt và 10 dự án đường bộ mà theo tờ trình dự án cao tốc bắc nam nói cũng rất rõ.

Theo bà Mai, nếu như sử dụng nguồn lực 15.000 tỷ này đầu tư cho dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đồng nghĩa với việc cần phải bố trí nguồn lực khác. Và tạm thời chưa có nguồn lực để bố trí cho 4 dự án đường sắt và 10 dự án đường bộ nói trên. Nếu nói về tính cấp thiết thì theo như tờ trình của Chính phủ sẽ bố trí cho 4 cầu yếu mà Quốc hội đã đi giám sát và nếu không xây dựng thì sẽ ảnh hưởng tới tính an toàn của cả hệ thống đường sắt. Tương tự với 10 dự án đường bộ nếu dừng lại cũng sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả thi công, lãng phí rất lớn.

"Do vậy ở phương án 1, cần tính toán hợp lý. Theo tôi tính toán 15.000 tỷ đồng trong số 70.000 tỷ đồng này cũng chưa thực sự hợp lý", đại biểu Mai nhận xét.

Về phương án 2 bố trí 17.000 tỷ từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn, tại phiên thảo luận kinh tế đại biểu này cũng đã nêu băn khoăn của mình. Trong tờ trình Chính phủ nêu trước mắt chưa sử dụng nguồn lực dự phòng. Về vấn đề này trong tờ trình khác nhau Chính phủ cũng có quan điểm khác nhau. Trong nghị quyết 25 và 26 của Quốc hội cũng đưa ra nguyên tắc chưa sử dụng trong trường hợp chưa sử dụng nguồn lực dự phòng khi chưa cân đối được nguồn lực.

"Phải chọn 1 trong 2 phương án, để dự án triển khai được tôi cho rằng cũng chưa có phương án nào tối ưu, tuy nhiên về cách làm chúng ta đã ban hành nghị quyết mang tính dài hạn như nghị quyết đầu tư công trung hạn khi đề ra con số cụ thể thì trong lúc triển khai cố gắng tối đa để sự điều chỉnh hạn chế ở mức thấp nhất và quán triệt nguyên tắc mọi khoản chi phải trong dự toán", Đại biểu Mai đề nghị.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM