Đặc phái viên của Thủ tướng, ông là ai?

22/04/2016 20:34 PM | Xã hội

Đặc phái viên của Thủ tướng là người giúp Thủ tướng xử lý công việc ở những lĩnh vực cụ thể và có chức năng, quyền hạn như một người giúp việc bình thường. Họ không có quyền huy động công an, quân đội hỗ trợ và cũng không được hưởng các chế độ VIP như mấy tay lừa đảo đưa ra để hù dọa địa phương, doanh nghiệp gần đây...

Cơ quan Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa bắt đối tượng Trần Kiều Hưng vì đã dùng giấy tờ giả, mạo danh Đặc phái viên của Thủ tướng. Khi bị bắt ngày 19.4, trên người tên Hưng có tờ "Công lệnh" ghi tên Trần Kiều Hưng, với chức vụ Phó cục trưởng Cục Quản lý kinh tế Chính phủ kiêm Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Công lệnh chữ ký và con dấu đỏ giả mạo của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (cấp ngày 31.12.2015 thời hạn đến ngày 30.6.2016).

Nội dung tờ “Công lệnh” của đối tượng Trần Kiều Hưng nêu: Người mang "Công lệnh" được ưu tiên đặc biệt khi tham gia giao thông; được hưởng chế độ VIP và ưu tiên tại các cảng hàng không trong nước khi đi công tác bằng máy bay; Được quyền điều động các lực lượng vũ trang tại các địa phương khi làm nhiệm vụ đặc biệt…

Không chỉ tên Hưng, trước đó cũng từng có một số đối tượng mạo danh là Đặc phái viên của Thủ tướng để dọa nạt, lừa đảo doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước ở địa phương nhằm trục lợi tiền của. Đặc phái viên của Thủ tướng là người như thế nào, có chức năng, quyền hạn gì mà tên Hưng lại mạo danh và thực tế đã qua mặt được rất nhiều cơ quan chức năng ở các tỉnh thành?

Về vấn đề này, sáng 22.4, trao đổi với phóng viên Dân Việt, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên là Đặc phái viên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Trong các quy định của nhà nước và các bộ luật hiện hành không có, không quy định chức danh Đặc phái viên của Thủ tướng.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cụ thể, Thủ tướng là người có quyền bổ nhiệm một cá nhân làm Đặc phái viên của Thủ tướng để giúp Thủ tướng giải quyết, xử lý một số vấn đề cụ thể nào đó.

Ví dụ, tướng Đồng Sỹ Nguyên từng là Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn khi nghỉ hưu được Thủ tướng cử làm Đặc phái viên của Thủ tướng đặc trách theo dõi Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và theo dõi việc xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Ông Hà Quang Dự, nguyên Bộ trưởng phụ trách công tác Thanh niên và Thể thao sau đó là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao được cử là Đặc phái viên của Thủ tướng về một số vấn đề liên quan đến thể thao, thanh niên...

Hoặc như ông Vũ Khoan, khi nghỉ hưu được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cử làm Đặc phái viên của Thủ tướng về các vấn đề đối ngoại. Ông Khoan có trách nhiệm góp ý với Thủ tướng về các chủ trương, hoạt động đối ngoại lớn, các văn kiện chính trị đối ngoại trọng yếu...

Theo nguyên Đặc phái viên Thủ tướng Vũ Khoan, các đặc phái viên được Thủ tướng chọn là những người thường đã cao tuổi nhưng còn có sức khỏe, hiểu biết và có uy tín để đảm trách được các công việc cụ thể mà Thủ tướng giao phó. "Các đặc phái viên thường là những người đã nghỉ hưu, hầu như không có ai đang công tác hoặc đương chức mà được cử làm đặc phái viên của Thủ tướng cả. Đặc phái viên của Thủ tướng khác với thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng. Đặc phái viên thì có thể xử lý, quyết định một công việc cụ thể nào đó, còn thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng chủ yếu nghiên cứu, đề xuất chính sách mà thôi"- ông Vũ Khoan nói.

Vậy quyền hành của các Đặc phái viên này như thế nào? Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Khoan cho biết: Không có quyền hành gì đặc biệt cả. Họ chỉ như những người giúp bình thường khác của Thủ tướng". Ông Vũ Khoan cũng chia sẻ, thời ông làm Đặc phái viên cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quyền của ông là được xử lý công việc liên quan tới các sự kiện trong năm APEC Việt Nam 2006, đặc biệt là những sự kiện trong tuần lễ cấp cao.

Ông cũng là người hỗ trợ Thủ tướng và Ủy ban Hợp tác kinh tế quốc tế xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện cam kết về việc gia nhập WTO; phân giới cắm mốc với Trung Quốc và Campuchia... Các công việc có liên quan đến các vấn đề nêu trên, những đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ tham khảo ý kiến ông Vũ Khoan trước khi trình Thủ tướng...

Cũng theo chia sẻ của ông Vũ Khoan, khi thực hiện các công việc đó, ông được nhận một khoản phụ cấp hàng tháng, có xe đi lại và phòng làm việc. "Đặc phái viên của Thủ tướng làm gì được huy động an ninh, quân đội và được hưởng các chế độ VIP như mấy tay lừa đảo đem ra lòe thiên hạ. Là lừa đảo thì chúng thích nói thế nào thì nói thôi, Đặc phái viên hoàn toàn không có các quyền hạn như vậy"- nguyên Đặc phái viên Vũ Khoan khẳng định.

Được biết, không chỉ ở Việt Nam sử dụng Đặc phái viên, ở nhiều nước trên thế giới cũng sử dụng chức danh này. Chẳn hạn như ở Mỹ, việc sử dụng đặc phái viên đã có từ thời Tổng thống Jefferson (1801-1809).

Tuy nhiên, phải tới thế kỷ XX, theo đà phát triển của kỹ thuật thông tin và giao thông vận tải, đồng thời lực lượng của Mỹ ngày một hùng mạnh, Nhà Trắng bắt đầu can dự vào nhiều sự kiện của cộng đồng quốc tế thì việc tổng thống sử dụng đặc phái viên bắt đầu tăng lên.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan sinh ngày 7.10.1937 tại huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (cũ). Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Khoan là Phó thủ tướng đảm trách các vấn đề đối ngoại của Chính phủ. Với lý do tuổi cao, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 11 đã nhất trí phê chuẩn ông Khoan thôi vị trí Phó thủ tướng.

Theo Nguyên Khôi

Cùng chuyên mục
XEM