img
Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho… gà đến đẻ trứng? - Ảnh 1.

Nguyễn Văn Tứ có nước da đen rám nắng đúng chất Nam bộ, áo sơ mi buông thõng ngoài chiếc quần vải tối màu, nhìn qua người đàn ông hơn 30 tuổi này không có dáng dấp gì của một người làm nghề môi giới bất động sản.

Mấy năm trước, anh Tứ vừa làm quản trang vừa có thêm nghề tay trái là "kiếm đất cho người ta coi". Đầu năm nay, anh bỏ hẳn công việc tại nghĩa trang liệt sĩ của huyện bởi mức trợ cấp bèo bọt và một phần bởi lý do đất tăng giá chóng mặt. Theo lời của anh cứ 10 khách đến xem đất thì tới 3 hay 4 người đồng ý giao dịch. "Cứ 10 tỷ thì chủ đất bán được, họ trả cho tui 300 triệu đồng", anh Tứ bật mí về thu nhập từ nghề tay trái nay đã thành nghề chính của mình. 

Cơn sốt đất tại đảo ngọc dễ hình dung hơn qua lời kể của người trong cuộc như anh. Nếu như năm ngoái, con đường đắt nhất Phú Quốc là Trần Hưng Đạo có giá chừng 50-60 triệu đồng/m2, giá một lô đất ven biển có giá từ 50-60 tỷ đồng thì năm nay có tiền cũng chưa chắc mua được. Cách đây 13 năm, một công đất (1.000m2) ở những nơi bình thường chỉ khoảng 15 triệu thì giờ lên tới chục tỷ. Thậm chí khi đất ở phía Nam đảo đã cạn kiệt, cơn sốt đã lên tới bắc đảo- nơi được xem là hoang vu với giá từ 5-6 tỷ đồng.

Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho… gà đến đẻ trứng? - Ảnh 2.

Cuộc sống ở Phú Quốc

Đại công trường nghìn tỷ tại Phú Quốc vẫn miệt mài thi công cũng kéo theo cơ hội đổi đời cho những người như anh Tứ. Theo lời anh, những người đầu tư đất tại Phú Quốc đa phần là người miền Bắc, chủ yếu chia làm hai loại: Một nhóm nhà đầu tư mua đất trong cơn sốt rồi chờ giá lên bán lại, một số khác mua đất để xây resort, bungalow hoặc khách sạn để đón cơn sóng du lịch tại hòn đảo này. 

Những kỳ vọng đón sóng này cũng không phải vô căn cứ bởi Phú Quốc là một trong cái tên đang được Chính phủ xây dựng thành đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt (SEZ) trong dự thảo luật sẽ được trình lên trong phiên họp Quốc hội lần này. Trong phác thảo này, dự kiến Nhà nước sẽ thu được 3,3 tỷ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất từ đảo ngọc. Hệ thống doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030. Thu nhập bình quân đầu người tại Phú Quốc ở mức 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 2030.

Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho… gà đến đẻ trứng? - Ảnh 3.

Cùng với Phú Quốc, 2 địa điểm khác cũng đang được nhắm tới để triển khai mô hình đặc khu, đó là Vân Đồn ở Quảng Ninh và Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa. 3 đặc khu được đặt ở 3 vùng trọng điểm của đất nước, được kỳ vọng sẽ trở thành động lực lan tỏa ra toàn nền kinh tế, đồng thời là "phòng thí nghiệm" cho những chính sách, thể chế mới.

Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho… gà đến đẻ trứng? - Ảnh 4.

Nếu cơn sốt đất trên đảo Phú Quốc mới xuất hiện vài năm trở lại đây thì lần đầu tiên khái niệm "đặc khu kinh tế" được đề ra ở tầm quốc gia, đã là từ 20 năm về trước. Đó là vào năm 1997, khi Nghị quyết trung ương 4 khóa VIII đề ra giải pháp: "... nghiên cứu xây dựng vài đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do ở những địa bàn ven biển có đủ điều kiện". 

Khái niệm này được nhắc lại ở Văn kiện Đại hội X năm 2006, rồi năm 2011. Nhưng trong suốt 20 năm đó, chủ trương đã không thể trở thành chính sách. Thay vào đó, Việt nam vẫn trung thành với các mô hình khu kinh tế tập trung kiểu cũ. Mô hình được đánh giá là "mặc dù đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và cả đất nước nhưng mô hình này hiện không còn mới, kém linh hoạt; cơ chế, chính sách ưu đãi chưa đủ sức cạnh tranh quốc tế".

Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho… gà đến đẻ trứng? - Ảnh 5.

"Chúng ta đã đi quá chậm", ông Trần Duy Đông, vụ trưởng vụ quản lý các khu kinh tế, một trong những người trực tiếp tham gia soạn thảo luật về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt nhận định. Theo ông Đông, những quốc gia xung quanh Việt nam như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Trung Quốc đã hình thành mô hình đặc khu kinh tế từ 40, 50 năm trước, và đã đi trước Việt Nam một khoảng rất xa. "Trung Quốc hiện nay đã phát triển tới phiên bản thứ tư rồi, vậy mà chúng ta vẫn còn đang loay hoay", ông Đông nhận định.

Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho… gà đến đẻ trứng? - Ảnh 6.

Vậy đâu là điểm nghẽn khiến mô hình đặc khu kinh tế vẫn chưa thể triển khai tại Việt Nam? Nếu nghiên cứu, có thế dự thảo luật về đặc khu được trình lên Quốc hội khóa này có rất nhiều điểm mới, mà theo các nhà làm luật lẫn các tổ chức nghiên cứu độc lập như BCG và PWC đánh giá, là có tính đột phá. 

Đó là sự đột phá trong tính mở của dự thảo luật. Theo dự thảo trình lên Quốc hội, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được thu hẹp còn 108 thay vì 243 như hiện nay. Hay giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh theo cơ chế thông qua tòa án, trọng tài nước ngoài. Thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm. Chính sách ưu đãi đầu tư về thuế với doanh nghiệp cũng vượt trội như hưởng thuế suất 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế hay miễn thuế nhập khẩu.

Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho… gà đến đẻ trứng? - Ảnh 7.

Cảng biển Phú Quốc

Về mặt tư pháp, khi các tòa án thuộc tỉnh nhưng lại có thẩm quyền xử lý sơ thẩm trên tất cả các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, đầu tư nước ngoài,… mục tiêu là tạo ra một đầu mối địa phương duy nhất có thể hỗ trợ những DN tìm đến đặc khu kinh tế giải quyết hầu hết mọi việc. Trong trường hợp tranh chấp phát sinh, việc lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng tòa án nước ngoài cũng được ưu tiên. 

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, có 3 điểm mà đặc khu kinh tế phải đảm bảo vượt trội hơn so với những trung tâm kinh tế, khu công nghiệp thông thường. 

Thứ nhất, đó là cho phép sự dịch chuyển tự do của dòng tiền, các nguồn lực. Thứ hai là thể chế, cấu trúc quyền lực, quyết định và xử lý tại đặc khu phải khác biệt. Và cuối cùng, mới là các cơ chế ưu đãi như miễn thuế, tăng thời gian sử dụng đất,…

Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho… gà đến đẻ trứng? - Ảnh 8.

Trong số đó, đột phá nhất, và cũng đang gây nhiều tranh cãi nhất trong dự thảo luật lần này, phải kể đến là vấn đề thể chế - mô hình chính quyền địa phương. Dự thảo luật hiện đưa ra hai phương án. Một phương án là vẫn sẽ có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngang cấp điều hành, giám sát lẫn nhau. Và một phương án nữa được mong chờ hơn, đó là thiết chế Trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Thiết chế trưởng – trưởng đặc khu là một cá nhân được Thủ tướng bổ nhiệm, có quyền quyết định tối đa trên địa bàn đặc khu với những nhiệm vụ được phân công. 

"Đưa ra 2 phương án, nhưng chúng tôi mong chờ phương án một thiết chế trưởng sẽ được chấp thuận. Như vậy mới tạo được sự đổi mới, khác biệt mạnh mẽ", ông Đông đánh giá. 

Trưởng đặc khu, theo đúng nghĩa là người đứng đầu, có quyền điều hành rất lớn trong đặc khu kinh tế được bổ nhiệm bởi Thủ tướng.

Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho… gà đến đẻ trứng? - Ảnh 9.

Dự thảo luật đề xuất trao tới 126 thẩm quyền trong 12 lĩnh vực cho các trưởng đặc khu, trong đó có 77 thẩm quyền vốn thuộc về Thủ tướng. Trưởng đặc khu có thể ra quyết định đầu tư ngay cả đối với cá dự án nhóm A, trừ các dự án quan trọng cấp quốc gia. Thậm chí được phép tự ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định, trình tự, thủ tục hành chính trong phạm vi thẩm quyền của mình.

Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho… gà đến đẻ trứng? - Ảnh 10.

Rõ ràng, những đột phá chưa từng có tiền lệ mà luật về đặc khu kinh tế đưa ra đang làm chính những nhà làm luật lâu năm cảm thấy bỡ ngỡ. Những quy định quá mới nếu so với các luật đã từng ban hành ở nước ta, đã làm một số cơ quan, bao gồm cả ủy ban Quốc hội cũng đánh giá một số vấn đề phải cân nhắc thêm. 

Theo ông Đông, dự thảo từ tháng 3/2017 đến nay đã qua đổi hơn 10 lần để hoàn thiện những điều khoản trình lên kỳ họp Quốc hội lần này. Thời gian chuẩn bị cho những ý tưởng về đặc khu đã kéo dài 20 năm, nhưng trên thực tế, thời gian triển khai chính lại rất gấp rút, trong khi các quy định của luật lại đòi hỏi phải rất cụ thể, rõ ràng. 

Về phía Quốc hội, không quá khó để nhận ra những khúc mắc trong lòng các đại biểu. Quyền lực càng lớn, trách nhiệm càng cao. Khi tập trung quyền lực vào một cá nhân như vậy, liệu chúng ta đã có được một cơ chế để giám sát?


"Những thiết kế giám sát cũ không mất đi, mà chuyển toàn bộ thẩm quyền giám sát của HĐND cấp tỉnh lên cấp huyện. Ngoài ra có cơ chế giám sát thông qua Quốc hội, thông qua các HĐND, UBND với những lĩnh vực mà trưởng đặc khu không được phân quyền. Với những lĩnh vực trưởng đặc khu được phân quyền, họ phải chịu sự giám sát từ các bộ ngành, Thủ tướng. Quan trọng hơn là phải công bố, minh bạch thông tin với người dân, báo chí. Đây mới là yếu tố giám sát quan trọng nhất", ông Đông phân tích.

Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho… gà đến đẻ trứng? - Ảnh 12.

Có một mục tiêu mà dự thảo luật về đặc khu kinh tế nhấn mạnh. Đó là luật được soạn thảo để làm sao, ban hành cơ chế giúp các đặc khu có thể thu hút mạnh dòng vốn nước ngoài. Nghĩa là các đặc khu của Việt Nam đủ khả năng để cạnh tranh với những đặc khu lớn và lâu đời của các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay Malaysia. Như chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên từng nhận xét một cách "văn hoa", đó là đặc khu kinh tế phải được xây dựng để trở thành "cái tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng". 

Tổ chức tư vấn độc lập Boston (BCG) đánh giá, dự thảo luật về đặc khu kinh tế trình lên Quốc hội lần này đã khá dễ hiểu và minh bạch. Về mặt ưu đãi, những đặc khu của Việt Nam có mức ưu đãi bằng hoặc cao hơn so với đa số các đặc khu kinh tế khác trên thế giới, chỉ xếp sau một số trường hợp đặc biệt như quần đảo Cayman, Virgin và Dubai.

Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho… gà đến đẻ trứng? - Ảnh 13.

Ven biển Vân Đồn

Thế nhưng, cũng như những gì chuyên gia Võ Trí Thành đã nhận xét, ưu đãi chỉ là yếu tố xếp thứ 3 mà chúng ta cần quan tâm. Để đặc khu kinh tế thực sự trở thành "tổ phượng hoàng" chứ không phải "tổ gà", thứ cần quan tâm nhất vẫn là các vấn đề về chính sách và giải pháp để thực thi các chính sách đó. 

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, người được phân công triển khai đặc khu kinh tế ở Vân Đồn có lẽ là người hiểu rõ vấn đề này. Cuối năm 2013, sau khi nhận nhiệm vụ do tỉnh phân công, ông Thành một mình âm thầm sang Singapore, Macao và Mỹ để tiếp cận các nhà đầu tư quan tâm đến Vân Đồn. 

Kết quả là cuối năm đó, chủ tịch tập đoàn giải trí nổi tiếng Las Vegas Sands, tỷ phú Sheldon Adelson đã tới Quảng Ninh và bay chuyên cơ thị sát khắp vùng biển. Những lãnh đạo tỉnh đã chuẩn bị bài trình bày dài hai tiếng về tiềm năng và cơ hội đầu tư thế nhưng trớ trêu thay cuộc gặp chỉ diễn ra trong vỏn vẹn… 5 phút.

Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho… gà đến đẻ trứng? - Ảnh 14.

Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho… gà đến đẻ trứng? - Ảnh 15.

"Thể chế đặc cho đặc khu đã được luật hóa chưa?"; "Các ông hứa có quy hoạch tầm quốc gia, thì khi nào có?"; "Hạ tầng giao thông như sân bay, bến cảng, cao tốc có được đảm bảo bằng luật pháp để chúng tôi đưa vào vài tỉ đô la?"; "Ai là người chịu trách nhiệm trước Chính phủ và nhà đầu tư?", vị tỷ phú thế giới đặt ra những câu hỏi ngắn gọn. 

"Tất cả các câu hỏi đó chúng tôi không trả lời được, và cuộc gặp nhanh chóng kết thúc sau 5 phút", ông Thành nhớ lại đầy tiếc nuối.

Thất bại trong việc giải đáp những thắc mắc từ phía nhà đầu tư ngoại, cũng là động lực để Quảng Ninh chỉnh sửa những cơ chế thiết yếu cho Vân Đồn. Có thể nói trong số 3 đặc khu kinh tế được dự tính triển khai, Vân Đồn là nơi được hậu thuẫn mạnh nhất từ phía địa phương. Là một trong những tỉnh kinh tế mạnh nhất cả nước, Quảng Ninh dự tính trích ngân sách địa phương mỗi năm 1.500 tỉ đồng để hỗ trợ sự phát triển đặc khu trong giai đoạn phát triển đầu tiên. Con số không nhỏ này cho thấy, kỳ vọng của Quảng Ninh đặt lên Vân Đồn là rất lớn.

Trong dự thảo luật, những con số ấn tượng về hiệu quả tài chính khi Vân Đồn trở thành đặc khu cũng được nhấn mạnh. Vân Đồn sẽ có những chính sách đặc thù để phát triển: công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa; dịch vụ hàng không và hậu cần hàng không; dịch vụ thương mại và mua sắm;

Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho… gà đến đẻ trứng? - Ảnh 16.

Cầu Vân Đồn

Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho… gà đến đẻ trứng? - Ảnh 17.

Cảng Cái Rồng - Vân Đồn

Tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng, tổng thu ngân sách dự kiến giai đoạn 2018-2030 đạt 53.862 tỷ đồng, gấp 10 lần so với khi không thành lập Đặc khu. Hay tốc độ tăng trưởng bình quân dự báo khoảng 27,92% trong giai đoạn 2017-2020, đóng góp của Vân Đồn vào tỉnh Quảng Ninh năm 2030 tự tính tăng từ 1,87% lên 22,4%, nâng mức đóng góp GDP cả nước từ 0,05% (năm 2016) lên 1,12% (năm 2030). Mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2.273 USD lên 21.300 USD vào năm 2030. 

Để những con số này thành hiện thực, "quan trọng nhất vẫn là phải chờ thể chế, chờ luật", Phó chủ tịch UBND Quảng Ninh nhấn mạnh. 

Tựu chung lại, những ưu đãi, cơ chế đặc thù về thể chế, chính sách vấn phải được xây dựng để làm sao duy trì lợi thế cạnh tranh của các đặc khu so với những trung tâm khác trên thế giới. Patrick Tay, phó TGĐ phụ trách mảng tư vấn chính sách kinh tế của PwC đánh giá để trở thành một đặc khu "siêu hạng" là một cuộc marathon lâu dài, đòi hỏi phải có sự cải cách, đổi mới liên tục không ngừng nghỉ, chứ không phải đến khi luật được thông qua là xong.

Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho… gà đến đẻ trứng? - Ảnh 18.

"Không có gì bảo đảm các chính sách đưa ra hôm nay sẽ luôn phù hợp trong những năm tiếp theo, vì vậy, cũng đừng vội đòi hỏi các đặc khu phải đạt được những thành công lâu dài trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài", vị chuyên gia người Malaysia nhận định. 

Còn với những người tham gia xây dựng luật như ông Trần Duy Đông, 20 năm chuẩn bị cho sự xuất hiện của một đặc khu kinh tế quả thực là quá dài. Ông không lạc quan về một dự thảo luật chắc chắn sẽ tạo ra những đặc khu kinh tế thành công vang dội. Có rất nhiều yếu tố ngoại cảnh có thể tác động tới sự phát triển của đặc khu. Đó là bối cảnh kinh tế toàn cầu, dòng chảy đầu tư hay bản thân những người đứng đầu bộ máy vận hành đặc khu. Ngay cả trong mỗi đặc khu sẽ có sự phát triển, thành công khác nhau chứ chưa nói gì đến sự thành công chung của cả 3 đặc khu.

"Tôi chỉ biết rằng, nếu chúng ta không đi thì sẽ không bao giờ đến được đích. Tất nhiên là ai cũng mong muốn thành công ngay từ đầu nhưng quan điểm của chúng tôi là không nên quá cầu toàn. Thực sự chúng ta đã đi chậm hơn các nước rất nhiều rồi.

Nếu nhìn ra thế giới, chúng ta cũng có thể thấy họ cũng thay đổi liên tục cho kịp thời cuộc. Ví dụ như đặc khu ở Jeju (Hàn Quốc), trong 10 năm họ 6 lần thay đổi luật. Đặc khu ở Trung Quốc, Nhật Bản cũng điều chỉnh chiến lược liên tục. Nghĩa là sự thành công của đặc khu còn phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta sẽ tiếp tục phát triển, điều chỉnh cơ chế liên tục như thế nào cho phù hợp, chứ đừng kỳ vọng vào câu chuyện thần kỳ như Thánh Gióng", ông Đông nói. 

 Quay trở lại với anh Tứ, người nông dân trên đảo ngọc dường như không quan tâm nhiều với những mục tiêu to lớn mà dự thảo luật về đặc khu sắp tới đây sẽ được Quốc hội tranh luận và dự kiến thông qua trong kỳ họp tiếp theo.

Đặc khu kinh tế 20 năm chờ đợi: Sẽ là tổ cho phượng hoàng hay tổ cho… gà đến đẻ trứng? - Ảnh 19.

Ven biển Vân Đồn

"Tui có kỳ vọng gì đâu. Đến đâu tính đến đó à!", anh Tứ trả lời thật thà. Vừa nói, anh vừa thao tác bấm liên tục trên điện thoại. Anh kể, từ ngày trở thành "cò" đất không chuyên, anh cũng phải học cách sử dụng công nghệ để trao đổi thông tin với khách hàng. Giờ đây, anh Từ thậm chí không cần ra "chợ", mà dùng những phần mềm OTT như Zalo để trao đổi thông tin với khách hàng. Bên cạnh việc quản trang kiêm người giới thiệu buôn bán đất đai, anh cũng có một nhà khách cùng mấy dãy nhà trọ cho thuê giá khoảng 1 triệu mỗi tháng. Những nhà trọ này không phải dành cho dân địa phương hay khách du lịch mà cho công nhân từ đất liền vào đây thuê, kiếm miếng cơm manh áo từ công việc xây dựng đang nở rộ nơi đây. 

Có lẽ, anh Tứ chẳng quan tâm tới những việc "đao to búa lớn" biến Phú Quốc trở thành một đặc khu sánh tầm Quốc tế, hay mong chờ sự "đột phá" về cơ chế chính sách, song, có một điểm chung mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước lẫn những người nông dân Phú Quốc đều nhận ra và mong chờ. Đó là cơ hội. Cơ hội đến từ sự đổi mới.


Thu Thuý - Trần Dũng
7pm
Theo Trí Thức Trẻ10/11/2017




Trí Thức Trẻ