"Đã uống xe thì không lái diệu bia, ba say chưa chai": Đàn ông, ngay cả việc không dám từ chối chén rượu trên bàn nhậu, thì chớ viển vông mơ làm chuyện đại sự

27/06/2018 08:08 AM | Sống

Rượu, từ khi nào trở thành "tôn giáo" trên bàn nhậu và mỗi đệ tử Lưu Linh là một tín đồ?

(1)

Trong mọi cuộc vui, trên các bàn nhậu, mọi người cùng nâng ly. Tiếng "zô zô zô" ồn ào vang vọng khắp quán, anh em ôm vai bá cổ, niềm nở dốc cạn chén "rượu tình, rượu nghĩa". 

Điểm danh đội "đệ tử Lưu Linh" cũng sấp ngửa gần 30, chuyên hẹn hò nhậu nhẹt dịp cuối tuần hoặc khi bất chợt "nổi hứng". Mười hai người thì ba phần tư trong số này thành công nhờ chứng khoán, bất động sản, số còn lại thăng tiến theo con đường công chức. Điểm chung của họ là khả năng nhậu và sự thách đố, khích bác nhau mỗi lần tụ họp. 

Đôi khi, họ còn chọc ghẹo nhau chuyện gia đình, con cái như sợ vợ hay sinh con một bề... Nhất là cánh mày râu rặt con gái, kiểu gì cũng trở thành đối tượng được đưa ra mổ xẻ, trêu chọc. Cuộc vui kéo dài, cho tới khi ai nấy mặt đỏ phừng phừng, giọng líu lo như khướu... trước khi uể oải ra về, còn kịp nắm chân nắm tay hẹn lần nhậu tới. 

Kết cục của những màn nhậu tới bến ấy có lẽ chẳng ai tường tận hơn các vợ. Nhẹ thì gọi tên cô "Huệ" bất đắc dĩ nào đó trong nhà vệ sinh, nặng thì bồi đắp một bãi chiến trường kéo dài từ phòng khách tới phòng ngủ, buộc các bà vợ phải nai lưng dọn dẹp. 

Điều lạ, sau những dấm dẳng vợ chồng từ các cuộc nhậu gây ra, các anh vẫn "chứng nào tật ấy", tiếp tục các cuộc phê pha bết bát. Lý giải cho điều này, N. cười hào sảng: "Rượu làm bọn tớ phấn khích và dễ nói chuyện hơn. Cậu chưa nghe câu, chén rượu là đầu câu chuyện à?"

Chẳng hiếm cảnh trên bàn nhậu, cánh mày râu vừa nâng ly, mặt hớn hở tỏ ra rất tâm đắc với câu "Nam vô tửu như kỳ vô phong" - Đàn ông không uống rượu như lá cờ không có gió. Ngẫm lại thật đúng. Cờ không gió thì phẳng lặng, nghiêm trang. Gió mà nổi lên thì cờ quạt bay phần phật, gió mà mạnh quá thì thậm chí còn gãy cả cán cờ. Chính là ý tứ đó, uống rượu cũng khiến người ta "gãy đổ", cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Trong tiệc rượu, người ta thực đã lấy tửu lượng để đo giá trị của một người. Người uống khỏe, trăm chén không say, càn quét bàn rượu được cho là kẻ mạnh, đáng nể phục, có uy tín và là "nam nhi đích thực". Còn người chưa uống đã đỏ mặt, uống vào nôn ra thì bị coi là yếu đuối, bạc nhược, không có bản lĩnh. Từ bao giờ chén rượu đã trở thành thước đo một người đàn ông như vậy? 

Tôi không phủ nhận tầm quan trọng của men rượu. Nhưng, một số anh khiến nó biến chất vì lạm dụng quá đà, uống không biết điểm dừng... thì thật sự đáng buồn. 

Tôi không phải người quá cổ hủ để hiểu trong giao tiếp, sự tôn trọng đối phương là điều quan trọng và rất cần thiết. Nhưng, sự tôn trọng không phải lúc nào cũng đồng ý với điều người khác nói. Họ mời 5 ly rượu, không có nghĩa phải uống cạn cả 5 ly ấy. Thêm cả "luật" vào 3, ra 7 vô cùng kinh khiếp. Từ lúc nào, chén rượu trở thành nỗi phiền hà và là cái cớ của mọi sự rắc rối?

Đã uống xe thì không lái diệu bia, ba say chưa chai: Đàn ông, ngay cả việc không dám từ chối chén rượu trên bàn nhậu, thì chớ viển vông mơ làm chuyện đại sự - Ảnh 1.

(2)

Một cậu bạn vào Sài Gòn lập nghiệp nhiều năm, trong lần trở về Hà Nội than thở với tôi: "Tớ đã từng phải đi cấp cứu vì chảy máu dạ dày lúc nửa đêm. Sau lần chết hụt ấy, nhắc tới rượu, tớ auto nổi da gà. Nhưng cậu không hiểu đâu, văn hóa trong đó là như thế, nhiều khi Được việc không phải kí kết bản hợp đồng ở văn phòng, cao ốc hay đâu đó sang chảnh, mà ngay tại bàn nhậu. Tớ không thể chối từ".

Tôi hiểu phần nào nỗi lòng của cậu bạn và cũng hiểu rất rõ, trong giới kinh doanh, bia rượu trong bữa nhậu là một phần không thể thiếu khi kí kết các hợp đồng. Đây nhiều khi là một quy tắc bất thành văn khi làm ăn kinh tế.

Thực tế theo xu hướng chung của giới kinh doanh hiện nay, từ việc tìm đối tác đầu tư cho đến đàm phán ký kết hợp đồng thì nhậu là một phần không thể thiếu trong việc có các mối quan hệ lâu dài. 

Cũng chính vì vậy, việc bạn có nên tiếp tục thực hiện việc này không thì câu trả lời là Có.

Tuy nhiên,chúng ta cũng nên sử dụng hình thức này một cách thông minh, chỉ nên dừng lại ở "mở rộng mối quan hệ" chứ không để đến "say bí tỉ" để rồi để lại những hậu quả khôn lường, thậm chí nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng như cậu bạn của tôi. 

Câu chuyện ở đây, là uống biết điểm dừng, biết "Ngưỡng" của mình ở đâu và nên dừng lại, chứ không phải đổ lỗi cho văn hóa vùng miền, văn hóa bàn nhậu. Tất cả ngụy biện chỉ nhằm che giấu cho một sự thật: Họ không có khả năng từ chối một chén rượu.  

Nói đi cũng phải nói lại, thật kì lạ, chúng ta rất dễ nói lời đồng ý, gật đầu trước ly rượu mời của người khác, nhưng từ chối lại gặp quá nhiều khó khăn. Phải chăng khi mở miệng nói lời từ chối, đồng nghĩa trong lòng ta trỗi dậy cái cảm giác cảm thấy mình bất lịch sự, ích kỷ, không hòa đồng? Cảm giác sợ làm mếch lòng người đối diện, kéo theo đó là một chuỗi hệ lụy do chính ta tự vẽ ra: Sẽ thế nào nếu chúng ta từ chối? hợp đồng không thương thảo được, mất đi cơ hội làm ăn quan trọng có khả năng thay đổi cuộc đời, một mớ tiền thưởng kếch xù... Thêm lời nhắc nhở của đối tác "Rượu bất khả ép/ Ép bất khả từ/  Từ từ sẽ uống", bạn càng loay hoay không biết phải cư xử ra sao để không làm mất hứng cuộc vui, vừa xoa dịu cơn khó chịu đang trào lên trong lòng. 

Chén rượu chỉ là một điển hình hóa của việc chúng ta không dám nói câu từ chối. Trong cuộc sống này, đâu phải lúc nào cũng dễ đồng thuận nhất trí với người đối diện, nhưng thay vì lên tiếng phản ứng hay đá trả là một cái lắc đầu dứt khoát, ta lại im lặng và chọn sự adua, phục lệnh một chiều. Bạn có nghĩ rằng, chén rượu, hay sư phục mệnh ấy đã làm hao tổn giá trị của bản thân bạn không?

Đã uống xe thì không lái diệu bia, ba say chưa chai: Đàn ông, ngay cả việc không dám từ chối chén rượu trên bàn nhậu, thì chớ viển vông mơ làm chuyện đại sự - Ảnh 2.

(3)

Thực tế, sau lần uống rượu quá nhiều đến mức phải nhập viện đó, hợp đồng kinh tế của bạn tôi cũng có kết quả tốt đẹp.

Những lần sau, cậu đã biết Ngưỡng của mình và biết nói Không trước lời mời "thêm một ly" của đối tác. Kết quả là hợp đồng vẫn hoàn tất như đúng kỳ vọng.

Vậy nên, nếu việc làm ăn với đối tác không được thuận lợi, thay vì đổ lỗi cho chén rượu, bạn hãy nghiêm khắc, cẩn trọng rà soát lại tiến trình công việc, các điều khoản của đôi bên. "Rượu không có lỗi!, lỗi ở tính cả nể. Bài học ở đây là biết cách từ chối khéo léo", cậu bạn tôi kết luận. 

Chúng ta quên mất một điều rằng, người ta mời bạn rượu và đương nhiên bạn có quyền từ chối khi bạn biết "điểm giới hạn" của mình ở đâu. Việc của đối phương là chấp nhận quyết định của bạn. Có thể, có người sẽ phật ý khi bạn nói "Không" và nên nhớ, bạn có quyền không phải hổ thẹn hay sợ hãi. 

Học cách từ chối đúng đắn với những việc (trong đó có uống rượu) không nằm trong trách nhiệm của bạn để xây dựng một nhận thức trong mọi người rằng bạn đang tôn trọng bản thân và sức khỏe của mình. "Không" đôi khi không mang ý nghĩa tiêu cực mà ngược lại là một từ tràn đầy năng lượng tích cực. Hãy nói "Không" như một sự tôn trọng chính bạn và cả đối phương, vạch cho bản thân những ranh giới và ý thức mạnh mẽ về giá trị của mình. 

Tôi đọc được một câu rất hay thế này: "Bản thể non nớt, hèn nhát và đầy sợ hãi ẩn giấu sâu bên trong mỗi chúng ta chính là nguyên cớ cho sự nhượng bộ ngu ngốc trong những quyết định quan trọng của cuộc sống. Khi chúng ta dám lắc đầu, đó là một cột mốc của trưởng thành". Nếu ngay cả việc nói Không với một chén rượu, bạn không làm được - Vậy điều gì khiến bạn dám chắc chắn bản thân đã đủ trưởng thành, đủ bản lĩnh trước cuộc đời? Và tất nhiên, chuyện gây dựng đại sự, ước mơ lập nghiệp lớn hãy cứ từ từ gác lại đã. 

Nhớ rằng, trước khi đồng ý uống thêm một ly rượu, hãy cân nhắc liệu bạn có thật sự muốn uống hay cảm thấy lời đề nghị đó như một gánh nặng bắt buộc phải thực hiện. 

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Mục

Cùng chuyên mục
XEM